Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Bảo vệ môi trường

 Sân golf giáp đất canh tác, khu dân cư: Đi ngược

Cập nhật lúc 14:30 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đề nghị phải coi sân golf là doanh nghiệp xả thải độc hại để kiểm soát.

UBND tỉnh Hưng Yên vừa ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 sân golf Sông Hồng, huyện Khoái Châu do Công ty CP Đầu tư golf Sông Hồng là đơn vị tổ chức lập quy hoạch.

Theo văn bản của UBND tỉnh Hưng Yên, khu vực nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch có quy mô diện tích khoảng 89,99ha, nằm trên địa bàn các xã: Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử, huyện Khoái Châu.

Cụ thể: phía Bắc giáp đường ra bến phà Bình Minh; phía Nam giáp đất canh tác xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu; phía Đông giáp đường ĐT.378 (đường đê 195 cũ). Phía Tây giáp khu dân cư thôn Đa Hòa và hành lang Sông Hồng.  

Trước sân golf Sông Hồng ở Hưng Yên, các dự án sân golf ở những địa phương khác nếu không nằm ở vị trí đắc địa cũng nằm ở gần khu dân cư, gần nguồn nước...

Chẳng hạn, dự án sân golf Thuận Thành (Bắc Ninh) tại xã Đình Tổ có phía Bắc giáp sông Đuống, phía Nam giáp đê sông Đuống, phía Đông và phía Tây giáp đất nông nghiệp ngoài đê.     

Hay dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình có tới 3/4 diện tích nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của dự án nước sông Đà. Dù UBND tỉnh Hòa Bình mới cho phép doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, lập dự án nhưng nhiều ý kiến đã khẳng định vị trí này làm sân golf là không phù hợp.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, ở các nước trên thế giới, sân golf không được xây dựng gần khu dân cư, gần nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, không được ảnh hưởng đến dân sinh... cho nên thường chỉ có thể nằm ở vùng hoang mạc, vùng đất không có giá trị nông nghiệp hoặc hiệu quả nông nghiệp thấp.

Thế nhưng, ở Việt Nam, nhiều dự án sân golf (đã đi vào hoạt động hay đang nằm trên giấy) lại nằm ở những vị trí đắc địa, lấy "bờ xôi ruộng mật", dồn ra ven biển, cửa sông, lấy bờ xôi ruộng... rất nguy hiểm. 

 

 

San golf giap dat canh tac, khu dan cu: Di nguoc
Sân golf nằm sát khu dân cư, khu đất canh tác của người dân hay gần nguồn nước gây nhiều lo ngại. Ảnh minh họa

 "Nếu trồng lúa hay rau - là những thứ con người ăn thì người ta còn phải tránh né chất này chất nọ, và danh mục hóa chất sử dụng trong nông nghiệp được quản lý. Thế nhưng, đây là cỏ sân golf cần mịn, mượt, dày đúng tiêu chuẩn nên phải phun hóa chất. Nó giống như cánh đồng chuyên trồng hoa, không ai ăn nên người ta không quan tâm hóa chất phun xuống đó độc hại đến đâu, quan trọng là chỉ cần nó đẹp, không bị sâu bệnh xâm hại", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Tuy nhiên, điều tai hại được vị chuyên gia chỉ ra, khi mưa xuống, nếu vào mùa mưa nhiều, lưu lượng nước lớn, nước trôi mạnh còn đỡ, nếu mưa ít, hóa chất ở sân golf trôi xuống, lắng đọng trong ao hồ, sông suối, nơi tích trữ nước của người dân thì vô cùng nguy hiểm. Cũng bởi nước mưa rửa trôi nên một thời gian sau người ta lại phun hóa chất cho cỏ sân golf, lượng hóa chất người dân quanh đó phải hứng cũng vì thế mà nhiều lên.

Để bảo vệ quyền lợi của người dân xung quanh sân golf, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, có hai cách: một là đóng cửa sân golf, hai là sân golf vẫn tiếp tục hoạt động, song chủ đầu tư phải bồi thường cho người dân vì những thiệt hại về sức khỏe, môi trường, nhưng thực tế cho thấy khả năng thứ nhất ít xảy ra, còn khả năng thứ hai thì mức bồi thường chẳng đáng bao nhiêu.

Vị chuyên gia khẳng định, việc tính đến nguy cơ ô nhiễm khi dự án sân golf nằm giáp khu canh tác, giáp khu dân cư hay nguồn nước hay không là việc của chủ đầu tư, song cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải trả lời và thông tin cho người dân biết: sân golf đó có đảm bảo an toàn về mặt sức khỏe, môi trường cho người dân ở khu vực quanh đó hay không? Cơ quan nào đứng ra xác nhận dự án đủ tiêu chuẩn về môi trường, đó là những tiêu chuẩn nào? Ai xác nhận về sự an toàn của nguồn nước và các vấn đề khác?...

Một điều khiến ông Thịnh lo ngại là, về nguyên tắc, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án phải được cơ quan chức năng thẩm định chặt chẽ, nhưng đôi khi nó lại chỉ như một thủ tục hành chính và sau cùng dự án vẫn được cho qua, để đến khi xảy ra sự cố đáng tiếc thì không thấy ai chịu trách nhiệm.

Bởi vậy, ông đề nghị cần có cơ quan thẩm định độc lập, khách quan, bên cạnh cơ quan thẩm định của nhà nước, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia, cần có một danh mục các loại phân bón hóa chất được phép sử dụng, danh mục những loại bị cấm, lâu phân hủy hoặc gây tác hại lâu dài và chủ sân golf, nhất là những sân golf nằm ở đầu nguồn nước, gần khu dân cư phải khai báo và được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần xem xét sân golf có cần phải có khu xử lý chất thải, hóa chất riêng trước khi đổ ra ngoài môi trường hya không.

"Phải coi sân golf là một doanh nghiệp xả thải độc hại để kiểm soát", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét