Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Cảnh giác nơi “hành lang”

Cập nhật lúc 08:31 

Từ “nhóm lợi ích” gần đây được nhắc tới nhiều cùng thực tiễn đang diễn ra việc lợi dụng kẽ hở chính sách, buông lỏng quản lí khiến đất đai, tài sản, ngân sách Nhà nước thất thoát không ít. Kẽ hở chính sách có thể do năng lực cơ quan ban hành nhưng cũng có thể do tác động của quá trình vận động hành lang.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu QH tại một kì họp Quốc hội

Một trong những “kẽ hở” phát lộ thời gian qua đã được phơi bày là hình thức đầu tư công tư PPP, nhất là BOT giao thông. Bên hành lang Quốc hội vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc công bố con số khiến dư luận ngỡ ngàng: Chỉ từ kết quả kiểm toán 60 dự án theo hình thức PPP của giao thông đã giảm thu phí 300 năm!
Thế nhưng vào đầu kì họp này đã có ba đại biểu tranh luận về vấn đề kiểm toán với dự án PPP. Có đại biểu cho rằng hình thức đối tác công tư không phải đầu tư công, có cả vốn nhà nước và tư nhân nên cần để hết quá trình vận hành, bàn giao cho nhà nước toàn bộ, khi đó là tài sản công 100% thì sẽ kiểm toán! Như vậy có thể hiểu là mấy chục, mấy trăm năm thu phí không đúng như trên vẫn cần để hết thời gian sẽ tính (vì BOT khi hết thời gian vận hành thu phí mới bàn giao lại cho Nhà nước)! Tài sản tham nhũng còn đang “nóng hổi” mà việc thu hồi còn vô vàn khó khăn, vậy số tiền thu sai (có thể được giải thích là “tính toán sai”, lỗi “kĩ thuật”…), để cả mấy chục năm sau liệu có “hóa bùn”? Ý kiến đại biểu của dân nhưng lại gắng tìm cách bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, vậy đây có phải sự vận động cho một “nhóm lợi ích”?
Từ “vận động hành lang” trước nay ta thường được biết trong hoạt động bên lề các nghị viện tư bản. Nay chuyện “vận động hành lang” đã khá phổ biến trên mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của ta, kể cả tại nơi cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Đây là một hoạt động bình thường, hợp pháp dưới thể chế dân chủ. Việc vận động cả trong và ngoài nghị trường không có gì sai, bởi thành phần trong quốc hội đại diện cho nhiều giai tầng khác nhau. Tuy nhiên dưới chế độ của ta, Quốc hội vẫn ưu tiên quyền lợi đại đa số Nhân dân và những người yếu thế và lợi ích Nhà nước trong khi không ảnh hưởng quyền lợi các bộ phận khác theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn đã xảy ra có những điều luật tiến bộ, phù hợp lợi ích số đông nhưng khi sửa đổi đã được “bẻ lái” mang đến lợi ích cho một nhóm nhỏ hơn. Ví dụ như việc sửa đổi Luật Nhà ở 2005, tại điểm 3, Điều 70 của Luật này quy định rất rõ phần sở hữu chung trong nhà chung cư, chủ đầu tư sau khi bán hết nhà không có quyền với diện tích nào. Thế nhưng khi sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, không hiểu vì sao điều luật này đã có những “chuyển hóa” quan trọng. Thay cho Điều 70 rõ gọn là Điều 100 với nội dung rườm rà, nhiều chữ hơn nhưng cũng có câu chữ bỗng “biến mất”. Chẳng hạn cụm từ “nơi để xe” đã không còn và chủ đầu tư công trình bỗng “hiện hữu”, có một số quyền nhất định trong phần sở hữu chung. Thế cho nên hiện nay tại một số chung cư cao cấp, mua được một chỗ để xe ô tô cố định từ chủ đầu tư có khi phải bỏ số tiền gần bằng nửa giá trị căn chung cư bình dân. Hay quy định về đóng và quản lí quỹ bảo trì chung cư 2% đang mang lại lợi ích cho chủ đầu tư (từ việc chiếm dụng vốn, viện lí do không chịu bàn giao cho cư dân quản trị). Vấn đề này có thể chỉ cần một văn bản quản lí, không cần sửa luật cũng có thể giải quyết được. Chẳng hạn, chủ đầu tư được thu nhưng phải đưa số tiền quỹ vào một tài khoản riêng tại ngân hàng và phong tỏa, chỉ Ban Quản trị chung cư mới có quyền sử dụng…


Việc chậm trễ bàn giao quỹ bảo trì là nguyên nhân chính dẫn đến “bùng nổ” tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân.

Những “kẽ hở” trên chính là nguyên nhân chủ yếu của tranh chấp phức tạp, khó giải quyết trong quan hệ giữa chủ đầu tư và cư dân tại nhiều chung cư hiện nay.
Chỉ đến khi cả cơ quan “chắp bút” đến người thay mặt dân bấm nút thông qua luật pháp, chính sách có tâm, có tầm thì mới bịt được những “kẽ hở” bị tạo ra một cách có chủ đích!/.  
(Theo Tạp chí Người cao tuổi) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét