Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Gây hấn ở Biển Đông, Trung Quốc cố giảm nhiệt trong nước

Cập nhật lúc 14:56   

Trung Quốc muốn hướng chú ý của dư luận trong nước sang những căng thẳng bên ngoài chỉ là một phần, quan trọng là họ đang tận dụng thời cơ... 

Cách hành xử hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm đến nay, đặc biệt nguy hiểm là sự kiện nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của nước này xâm phạm Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; và mới đây nhất là việc Trung Quốc hạ thủy tàu tiếp vận cỡ lớn Tam Sa 2 có phạm vi hoạt động "bao trùm toàn bộ Biển Đông", phục vụ công tác dân sự lẫn quân sự khiến dư luận và giới chuyên gia hết sức lo ngại.
Khẳng định mưu đồ biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc là không hề thay đổi, TS Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD), nguyên Đại sứ Việt Nam ở Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan lưu ý, trong năm 2019, Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, xâm lấn và gây sức ép với các nước trên Biển Đông, trước hết là Việt Nam, do đó phải hết sức cảnh giác.
Ông nhìn nhận những động thái gây sức ép của Trung Quốc lên Biển Đông thời gian qua diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn, áp lực tứ bề: cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, biểu tình ở Hongkong, bầu cử Đài Loan sắp tới... Dù Trung Quốc đang tìm cách khắc phục những tác động tiêu cực của cuộc thương chiến với Mỹ song rõ ràng, những áp lực nói trên khiến Biển Đông có thể là cách để Trung Quốc giảm nhiệt dân chúng, chuyển hướng dư luận trong nước sang các căng thẳng bên ngoài.


Tàu Tam Sa 2 của Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình China Daily

Trong khi đó, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, việc Trung Quốc liên tục gây căng thẳng, sức ép lên Biển Đông chưa hẳn là để giảm sự chú ý của dư luận đến các vấn đề trong nước.
"Trung Quốc cũng có ý đồ đó và xưa nay vẫn sử dụng chiêu bài: khi trong nước xảy ra nhiều vấn đề bức xúc thì đẩy mạnh hoạt động ở bên ngoài để đánh lạc hướng dư luận, giảm bớt sự chú ý vào các vấn đề trong nước. Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh trong ý đồ của Trung Quốc mà thôi.
Điều quan trọng là Trung Quốc đang lợi dụng thời cơ - thời điểm thuận lợi cho họ khi các nước lớn, có khả năng chi phối, tác động mạnh đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bận bịu với nhiều vấn đề của riêng mình, chẳng hạn như Mỹ sắp bầu cử, EU bấn loạn với Brexit của Anh, quan hệ giữa Mỹ và Iran đang rất căng thẳng và diễn biến theo chiều hướng nguy hiểm...
Vì thế, Trung Quốc lợi dụng cơ hội này để gây căng thẳng trên Biển Đông", ông Lê Việt Trường nhận xét.
Cũng theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, chuyện Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển là một sự logic: Trung Quốc đã tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình và nước này đang hiện thực hóa điều này trên thực tế.
Ông dẫn lại lý thuyết Sức mạnh biển mà học giả Alfred Mahan - nhà nghiên cứu chiến lược của Mỹ về hàng hải từ cách đây mấy trăm năm đã chỉ ra. Đó là, một quốc gia muốn xác lập chủ quyền đối với một vùng biển phải có 3 yếu tố: Thứ nhất, phải có căn cứ hậu cần trên biển gồm cầu cảng, các cơ sở đóng tàu và các điều kiện bảo đảm khác. Thứ hai, phải có lực lượng hải quân mạnh; thứ ba, phải có lực lượng thương thuyền và các phương tiện dân sự để hoạt động mạnh trên biển.
Theo ông Lê Việt Trường, Trung Quốc cũng đang theo nguyên tắc đó và dẫn việc nước này hạ thủy tàu tiếp vận Tam Sa 2, con tàu được truyền thông Trung Quốc giới thiệu là có tầm hoạt động hơn 11.000 km, có thể bao phủ tất cả khu vực ở Biển Đông làm ví dụ. 
Tàu này được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ, như vận tải, tiếp tế, cứu hộ, hỗ trợ y tế, khảo sát khoa học trên các đảo nhỏ và bãi đá ngầm. Giới chuyên gia nhận định, tàu này có thể giúp Trung Quốc gia cố sức mạnh ở Biển Đông, cung cấp thêm nguồn lực cho những hoạt động nhằm phục vụ yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở khu vực.
"Trung Quốc muốn lực lượng của mình từ đảo Hải Nam hay từ Tam Sa (đặt trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam), đơn vị hành chính phi pháp mà Bắc Kinh thiết lập trên Biển Đông để quản lý các thực thể mà họ chiếm đóng, đi xuống phía dưới thì phải có phương án đảm bảo hậu cần.
Khi giải quyết được vấn đề hậu cần, Trung Quốc sẽ duy trì sự kiểm soát ở các thực thể mà họ chiếm đóng một cách phi pháp một cách thường xuyên, liên tục.
Điều này cũng giống như quốc gia có máy bay tiếp dầu trên không. Khi có được loại máy bay này, khả năng tác chiến kéo dài của các phương tiện trên không tăng lên, tạo cho lực lượng vũ trang của quốc gia đó giành được ưu thế trên không so với các nước không có máy bay tiếp dầu trên không. Trên biển cũng tương tự như vậy", ông Lê Việt Trường chỉ rõ.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét