Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Lạ lùng đề xuất dễ gây thao túng giá xăng: Vì ai?

Cập nhật lúc 15:10                  

Hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ không thể tồn tại được, thị trường dễ bị thao túng, áp đặt giá...

Sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản góp ý Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) bỏ "Hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hằng năm do Bộ Công Thương phân giao" khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành của hàng hóa xuất nhập khẩu, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi - Trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM cũng bày tỏ những lo ngại về nguy cơ lũng đoạn thị trường xăng dầu bởi quy định này.

La lung de xuat de gay thao tung gia xang: Vi ai? 
Hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu dễ bị lũng đoạn, độc quyền. Ảnh: TTO

Kỳ lạ, mục đích gì?
PGS Nguyễn Văn Ngãi cho biết, việc quy định hạn mức tối thiểu trong nhập khẩu xăng dầu là rất lạ lùng, đi ngược với quy luật kinh tế thị trường.
"Thông thường là cho phép hạn mức nhập khẩu tối đa chứ không ai ra hạn mức tối thiểu. Nghĩa là, doanh nghiệp không được nhập khẩu vượt quá một khối lượng đã định sẵn nhưng có thể nhập ít hơn mức quy định. Việc nhập nhiều hay ít là do doanh nghiệp tự điều tiết dựa trên nhu cầu của thị trường. Trong khi, hạn mức tối thiểu là bắt buộc doanh nghiệp phải nhập vào bằng số lượng được quy định hoặc nhiều hơn. Điều này rất lạ lùng. Như vậy là làm khó doanh nghiệp", PGS Nguyễn Văn Ngãi lo lắng.
Tiếp tục phân tích, Trưởng Khoa Kinh tế, trường Đại học Nông Lâm - TPHCM chỉ rõ: "Việc đưa ra quy định hạn mức nhập khẩu tối thiểu với xăng dầu sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ không thể tồn tại được, bị loại khỏi cuộc chơi. Như vậy, trên thị trường lúc này sẽ chỉ có những doanh nghiệp lớn, năng lực tài chính vững mạnh mới có thể tồn tại được. Nếu các doanh nghiệp nhỏ rút khỏi thị trường xăng dầu, chỉ còn các doanh nghiệp lớn thì nguy cơ bị thao túng, lũng đoạn thị trường xăng dầu là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong câu chuyện này, liệu có bàn tay của các "ông lớn" trong kinh doanh xăng dầu muốn mượn chính sách để loại bỏ "đàn em" không?", PGS Nguyễn Văn Ngãi đặt câu hỏi.
Vẫn theo vị chuyên gia, việc kinh doanh xăng dầu cần phải để thị trường quyết định, việc can thiệp quá sâu bằng mệnh lệnh hành chính là không phù hợp.
Ông nhấn mạnh, đã làm kinh doanh doanh nghiệp sẽ phải tự cân đối dựa trên nhu cầu của thị trường cũng như tùy thuộc vào năng lực tài chính mà nhập nhiều hay ít.
Doanh nghiệp bao giờ cũng muốn mở rộng quy mô, nhập khẩu số lượng lớn, tuy nhiên, nếu nhu cầu tiêu thụ của thị trường không lớn mà bắt doanh nghiệp tiếp tục phải nhập vào là gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thậm chí, doanh nghiệp có thể bị phá sản vì không thể cân đối được nguồn lực tài chính để nhập vào số lượng tối thiểu theo quy định. Như vậy là rất bất hợp lý.
Vì thế, ông cảnh báo, việc ra hạn mức tối thiểu cần phải cân nhắc, xem xét cho phù hợp nếu không dễ dẫn tới những tác động tiêu cực đáng quan ngại.
"Dù Bộ Công thương có lập luận thế nào tôi cũng không thể nhìn ra được điểm tích cực trong quy định hạn mức tối thiểu trong xăng dầu.
Bởi một khi quy định này được thông qua, các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối là những doanh nghiệp lớn, chiếm thị phần đa số thì hoàn toàn có quyền lo ngại giá xăng dầu có thể bị thao túng, áp đặt giá theo chiều hướng xấu hơn (tức là giá bán lẻ bị đẩy cao lên - PV), gây bất lợi cho người tiêu dùng", PGS Nguyễn Văn Ngãi nêu quan điểm.
Không thể áp đặt
Từ câu chuyện ra hạn mức nhập khẩu tối thiểu xăng dầu liên hệ lại đề xuất xóa sổ xăng A95 và thay thế bằng xăng sinh học E5, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, đây là tư duy quản lý áp đặt, nhiều bất cập trong lĩnh vực xăng dầu.
PGS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, không thể điều tiết thị trường xăng dầu bằng mệnh lệnh kiểu cấm đoán hay ép buộc người tiêu dùng mà phải để người tiêu dùng và thị trường tự quyết định. Việc lựa chọn sản phẩm xăng nào cho phương tiện của họ là phụ thuộc vào giá thành và chất lượng sản phẩm chứ không thể buộc người  tiêu dùng phải lựa chọn sản phẩm theo chủ ý của doanh nghiệp.
"Tôi hoàn toàn không ủng hộ đề xuất xóa sổ xăng A95, sản phẩm này không có tội. Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nào thì phải chứng minh được chất lượng đảm bảo và giá thành rẻ hơn. Khi thực hiện được hai điều kiện trên tự người tiêu dùng sẽ lựa chọn mà không cần ép buộc.
Đây là tư duy độc quyền sản phẩm, đặt người tiêu dùng vào thế không có sự lựa chọn, không có sản phẩm thay thế. Rất không ổn, vô lý, không nên", PGS Nguyễn Văn Ngãi nhấn mạnh.
Theo đó, vị PGS cho rằng để việc quản lý xăng dầu hiệu quả mà vẫn bảo đảm được lợi ích của người tiêu dùng thì không còn cách nào khác là phải trả tự do cho sản phẩm theo thị trường.
"Nếu thả tự do, khi giá xăng dầu thế giới tăng lên người tiêu dùng phải chấp nhận. Ngược lại, giá xăng dầu thế giới giảm thì giá trong nước phải giảm, người tiêu dùng được lợi.
Về phía doanh nghiệp để tồn tại được phải tự cạnh tranh để có được mức giá xăng dầu bán ra thấp nhất, không ai có quyền được độc quyền, thao túng thị trường. Tôi nhấn mạnh, phải thả nổi xăng dầu theo thị trường, chỉ khi làm được như vậy thì người tiêu dùng cũng như nền kinh tế mới được lợi", vị chuyên gia chỉ rõ. 
(Theo Đất Việt) Hoài An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét