Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Phí bản quyền tác giả: Ai đóng, ai hưởng?
Cập nhật lúc 09:53
  
Câu chuyện nộp phí bản quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đang nóng dư luận những ngày qua. Xuất phát từ việc nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc khi dùng ti vi trong phòng khách.
Phía VCPMC cho rằng, họ thu theo quy định tại điểm b và đ, Khoản 1, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể: b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;… đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kì phương tiện kĩ thuật nào khác.

Trong một buổi họp báo, VCPMC cho rằng, đối tượng phải nộp phí và một số người viết bài trên báo thắc mắc về việc thu phí này là chưa hiểu rõ pháp luật!

Như vậy, nhận thức vể các điểm b, đ, Khoản 1, Điều 20 nêu trên còn nhiều điều cần phải bàn.
Nói chủ khách sạn dùng chiếc ti vi để biểu diễn hay truyền đạt tác phẩm đến công chúng có vẻ khiên cưỡng, chưa chuẩn xác. Họ kinh doanh phòng nghỉ gồm nhiều hạng mục, thiết bị tiện nghi trong đó có chiếc ti vi và đây cũng không phải là phương tiện chính để kinh doanh dịch vụ khách sạn. Nguồn lợi nhuận kinh doanh không phải chủ yếu dựa vào việc xem ti vi. Xem truyền hình không phải mục đích để khách hàng vào nghỉ tại khách sạn. Nếu khách sạn phải trả phí này thì nơi nộp sẽ là đài truyền hình, chủ cung cấp tín hiệu. Người nộp tiền bản quyền tác phẩm phát trên sóng truyền hình phải là đài truyền hình. Họ sẽ trả tiền những tác phẩm có bản quyền mà họ trực tiếp phát sóng. Chiếc ti vi chỉ là phương tiện không thể thiếu để đài truyền hình kinh doanh sản phẩm truyền hình, trong đó có sử dụng tác phẩm có bản quyền. Ở đây cơ quan quản lí về bản quyền đã có sự nhầm lẫn trong hoạt động kinh doanh sản phẩm bản quyền tác giả. Chủ khách sạn, cơ sở lưu trú, phòng trọ… không phải nơi chuyên kinh doanh biểu diễn, truyền đạt tác phẩm âm nhạc đến công chúng để thu lợi nhuận. 
Phòng trọ bình dân cho công nhân, sinh viên có ti vi liệu có phải nộp phí bản quyền tác giả? Ảnh minh họa

Luật Sở hữu trí tuệ quy định thu phí với việc đối tượng sử dụng từng tác phẩm của tác giả cụ thể. Việc thu theo “đầu” ti vi là rất chung chung, bởi trong chương trình phát sóng có nhiều nội dung, chủ yếu là tác phẩm của đài truyền hình tự sản xuất. Tác phẩm âm nhạc mà đài truyền hình phải trả phí bản quyền chiếm tỉ lệ không nhiều trong tổng thể chương trình. Nếu người dùng ti vi kinh doanh khách sạn phải nộp phí thì tiền đó phải chuyển về đài truyền hình, vì đây là nơi nắm được tác phẩm của tác giả cụ thể nào được hưởng bản quyền. Việc VCPMC thu phí từ chiếc ti vi của cơ sở lưu trú chẳng khác nào VCPMC trở thành một “nhánh” của cơ quan thuế chuyên trách mảng kinh doanh ti vi phát sóng! Số tiền thu được này sẽ trả cho tác phẩm và tác giả nào là không thể xác định. Chẳng lẽ số tiền thu được này sẽ thành một “quỹ” để chia đều cho các nhạc sĩ? Hơn nữa không phải nhạc sĩ nào cũng nhờ VCPMC thu bản quyền.
Việc chấp hành pháp luật về bản quyền tác giả là rất cần thiết. Các tác giả cần được và có quyền hưởng thành quả trí tuệ do họ sáng tạo nên. Quyền lợi vật chất thu được từ bản quyền sẽ là nguồn động viên tinh thần, nguồn lực vật chất tiếp sức cho sự sáng tạo của họ. Tiếc rằng, tình trạng vi phạm bản quyền ở ta vẫn đang nhức nhối. Các cơ quan chức năng về lĩnh vực này cần có những biện pháp quản lí chặt chẽ, phù hợp và đúng đắn hơn. Riêng việc thu bản quyền tác giả qua chiếc ti vi cần được cân nhắc và làm rõ để việc thu phí có sức thuyết phục.
(Theo Dòng quan họ blog) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét