Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Đóng hàng nghìn USD phí du học... không hóa đơn

Cập nhật lúc 21:01

Một phụ huynh phản ảnh dù đã nộp hàng chục ngàn USD cho đối tác của trung tâm ILA Đà Nẵng ở Mỹ, nhưng vẫn không có biên nhận nào và con còn bị đe dọa cho nghỉ học, trục xuất về nước nếu gia đình không chuyển tiền tiếp.

 Đóng hàng nghìn USD phí du học... không hóa đơn
Trụ sở ILA tại Đà Nẵng - Ảnh: HỮU KHÁ
Bà Lê Thị Lâm Bích T. (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết hè năm 2015, do muốn đưa con trai Hồ Nhật M. đi du học tại Mỹ, gia đình bà đã tìm đến trung tâm ILA Đà Nẵng để được tư vấn.
Thu hàng chục ngàn USD nhưng không cấp hóa đơn
Để được tư vấn, bà T. phải trả phí tư vấn cho trung tâm ILA Đà Nẵng 5 triệu đồng. Sau đó, gia đình bà T. làm thủ tục xin visa cho con đi du học tại Trường trung học Bishop McLaughlin (bang Florida, Mỹ).
Vì muốn con trai kịp vào trường đúng năm học mới nên dù không có hợp đồng, theo yêu cầu của phía ILA, gia đình bà T. vẫn chuyển tiền chi phí học tập, ăn ở, đi lại, bảo hiểm cho năm học đầu tiên ở Mỹ của con trai khoảng 34.000 USD. “Khi visa được chấp nhận, phía ILA yêu cầu tôi nộp số tiền là 16.745 USD vào ngày 2-7-2015 và 16.745 USD ngày 30-7-2015.
Số tiền này không được nộp thẳng cho ILA mà phải nộp vào tài khoản của Công ty CCI Greenheart (Chicago, Mỹ). Nhưng sau khi thu tiền, mặc dù tôi đã yêu cầu nhưng CCI không hề cung cấp bất kỳ một hóa đơn nào về số tiền tôi đã đóng bao gồm những khoản phí gì” - bà T. nói.
Sau khi chuyển tiền và cho con sang Mỹ theo học được gần một năm, gia đình bà T. nhiều lần yêu cầu trung tâm ILA Đà Nẵng cung cấp hóa đơn, làm rõ các khoản chi phí cụ thể... Tuy nhiên, phía trung tâm ILA Đà Nẵng không cung cấp được hóa đơn chứng từ, chứng minh việc chi trả bao nhiêu cho tiền học, tiền ăn và bảo hiểm như nội dung đã cam kết trong “hợp đồng hướng dẫn du học”.
Đến tháng 11-2016, gia đình bà T. tiếp tục nhận được yêu cầu thanh toán tiền học cho năm học tiếp theo do CCI gửi cho ILA Việt Nam. Khi gia đình từ chối với lý do chỉ chuyển tiền năm học thứ hai khi kết thúc năm học thứ nhất và nhận được hóa đơn của số tiền đã chuyển cho năm học đầu, phía trung tâm ILA Đà Nẵng lập tức gửi thư điện tử cho cháu Hồ Nhật M. đang ở Mỹ, với lời đe dọa M. sẽ bị cho nghỉ học, trục xuất về nước nếu gia đình không chuyển tiền.
“Một điều hoàn toàn không phù hợp là thư này lại được gửi đến cho con tôi - một đứa trẻ dưới 16 tuổi - mà không hề thông qua tôi. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của đứa trẻ” - bà T. bức xúc.
Bà T. cho biết: “Thấy có nhiều khuất tất, mập mờ trong việc nộp số tiền quá lớn cho chi phí học tập, ăn ở, đi lại và bảo hiểm của con trai, nhưng vì sợ ảnh hưởng việc học tập của con và cũng sợ con bị trục xuất, nên tháng 12-2016 gia đình tôi đành chấp nhận chuyển khoản số tiền chi phí năm học thứ hai hơn 30.000 USD như yêu cầu của trung tâm ILA Đà Nẵng.
Như vậy tính đến nay, gia đình tôi đã chuyển vào tài khoản cho đơn vị đại diện bảo hộ của trung tâm ILA Đà Nẵng tại Hoa Kỳ là 63.680 USD mà không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào”.
Cũng theo bà T., sau đó bà tìm hiểu thì được biết học phí dành cho những học sinh trung học như con bà tại trường này là 13.500 USD và nếu cộng thêm tiền ăn ở, sinh hoạt dành cho một học sinh trung học khoảng 7.000 USD/năm thì tổng chi phí chỉ hơn 20.000 USD/năm.
Bà T. cho biết do bức xúc trước sự thiếu minh bạch của trung tâm ILA Đà Nẵng và do việc ăn ở tại nhà bản xứ của con trai không bảo đảm, gia đình bà đã yêu cầu trung tâm ILA Đà Nẵng làm việc với đối tác tại Mỹ để chuyển con bà sang nhà bản xứ khác nhưng không được đáp ứng.
Quá bức bách, gia đình bà đành phải tự tìm chỗ ở mới cho con trai và yêu cầu trung tâm ILA Đà Nẵng hoàn trả số tiền ăn ở và bảo hiểm đã nộp. Trung tâm ILA Đà Nẵng đưa ra đề nghị hoàn trả 4.800 USD khi gia đình bà T. không đồng ý và cương quyết đưa vụ việc đến cơ quan bảo vệ pháp luật để làm rõ.
“ILA chỉ giúp CCI chuyển yêu cầu thanh toán”
Ông Trần Vũ Hải, người được Công ty TNHH ILA Việt Nam ủy quyền trả lời những thắc mắc liên quan đến vụ việc của phụ huynh, gia đình cháu Hồ Nhật M., cho biết năm 2015, phụ huynh của Hồ Nhật M. đã ký kết hợp đồng với Công ty ILA về dịch vụ hướng dẫn du học cho cháu.
Theo hợp đồng này, Công ty ILA có trách nhiệm hướng dẫn và đăng ký cho Hồ Nhật M. đi du học theo chương trình du học của CCI, một tổ chức tại Mỹ về dịch vụ du học.
Sau đó, phụ huynh của Hồ Nhật M. đã nộp hồ sơ nhập học và ký một thỏa thuận với CCI. Theo đó cháu M. sẽ sinh hoạt và học tập tại Mỹ theo các điều khoản trong hồ sơ nhập học và thỏa thuận đó, gia đình cháu có trách nhiệm thanh toán trực tiếp cho CCI về các chi phí liên quan.
Theo ông Hải, thông qua hỗ trợ của Công ty ILA hoặc trực tiếp gửi email qua lại, phụ huynh của Hồ Nhật M. và CCI nhiều lần liên lạc với nhau để trao đổi thông tin của Hồ Nhật M. và các vấn đề khác liên quan đến việc du học của học sinh này.
“Công ty ILA không đại diện cho CCI, mà chỉ giúp CCI chuyển các thông tin và yêu cầu từ phía tổ chức này đến gia đình cháu Hồ Nhật M., bao gồm cả các yêu cầu thanh toán” - ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Trần Vũ Hải, để tránh ảnh hưởng tới tình hình học tập và sinh hoạt của Hồ Nhật M., chính Công ty ILA đã nhiều lần và kiên quyết yêu cầu CCI không được loại M. ra khỏi chương trình trong mọi trường hợp, kể cả khi gia đình học sinh này chưa thanh toán các chi phí du học theo đúng hạn. CCI đã chấp nhận yêu cầu này của công ty. CCI sau đó cũng đã gửi cho gia đình Hồ Nhật M. một bản báo cáo chi phí du học.
“Công ty ILA đã nhiều lần giải thích với phụ huynh cháu Hồ Nhật M. rằng công ty sẵn sàng hỗ trợ gia đình về vấn đề giải quyết những vướng mắc như từ trước đến nay công ty vẫn làm. Tuy nhiên, Công ty ILA không có quyền, thẩm quyền và không thể thay mặt CCI để giải quyết những vướng mắc của gia đình” - ông Hải cho biết.
Trái ngược với trả lời của ông Hải, bà T. cho biết: “Sau khi ký hợp đồng tư vấn du học, bà Vy (đại diện ILA Đà Nẵng) có đưa cho tôi một bộ hồ sơ nhập học của CCI. Trong đó có các yêu cầu như: khai báo, chụp ảnh gia đình, phiếu khám sức khỏe, các quy định của nhà trường... Tất cả đều được viết bằng tiếng Anh.
Do không biết tiếng Anh nên nhân viên ILA (cụ thể là bà Vy) đã dịch qua nội dung và giải thích đó là những nội quy, quy định của nhà trường phải tuân thủ khi đi du học. Gia đình tôi cứ nghĩ đó là bản hồ sơ nhập học bình thường nên ký vào và giao cho ILA.
Bây giờ họ quay ngược lại nói đó là bản hợp đồng giữa gia đình tôi và CCI thì hóa ra họ cố tình lập lờ để đánh lừa chúng tôi”.
Phụ huynh từ chối đề nghị hoàn trả tiền
Ông Trần Vũ Hải cho biết thêm trên thực tế, Công ty ILA đã liên lạc với CCI để yêu cầu tổ chức này hoàn trả cho gia đình Hồ Nhật M. những khoản tiền và chi phí chưa sử dụng đến.
CCI đã chấp thuận yêu cầu này và Công ty ILA đã nhiều lần đề nghị phụ huynh học sinh này cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của gia đình để CCI hoàn trả tiền, tuy nhiên phụ huynh vẫn luôn từ chối đề nghị đó.
Công ty ILA đã nhiều lần mời phụ huynh của Hồ Nhật M. đến trụ sở ILA tại Đà Nẵng và TP.HCM (vé máy bay do phía công ty chịu) để công ty lắng nghe, giải thích và trao đổi với gia đình. Tuy nhiên, phụ huynh này vẫn luôn từ chối.
Theo bà T., nguyên nhân bà từ chối nhận tiền bồi thường là vì ILA không có thiện chí. Vì vậy, bà muốn đưa sự việc ra cơ quan pháp luật đề nghị xem xét hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để cảnh báo cho những gia đình có nhu cầu cho con đi du học như gia đình bà.
 (Theo Tuổi trẻ) HỮU KHÁ - TRẦN HUỲNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét