Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Ra lò mẻ Alumin đầu tiên: Lo nhiều hơn mừng?

Cập nhật lúc 09:15   
(Doanh nghiệp) - Điều quan trọng là sản phẩm làm ra, giá sản xuất bao nhiêu, có mang lại hiệu quả hay không, đó là vấn đề mấu chốt.
Nghịch lý giá thành cao
Vừa qua, Công ty Nhôm Đăk Nông - TKV đã chính thức cho ra lò thành công những tấn sản phẩm Alumin đầu tiên.
Lãnh đạo Công ty cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Nhà máy đã sản xuất được khoảng 38.000 tấn Hydrat, sản lượng đạt bình quân 1000 - 1500 tấn/ngày và đã tiến hành đóng bao được khoảng 18.000 tấn Hydrat, chuẩn bị sẵn sàng chân hàng để xuất khẩu cho khách hàng. Bình quân khoảng 1,5 - 1,7 tấn Hydrat sẽ sản xuất được một tấn Alumin.
Sau khi ra được sản phẩm Alumin đầu tiên, Công ty sẽ tiếp tục điều hành nâng dần công suất của dây chuyền sản xuất, đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản lượng Tập đoàn giao.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 20/12, ông Nguyễn Văn Ban - nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan, Tổng Công ty Khoáng sản VN (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN) cho biết: "Về sản xuất Alumin khi sản xuất nếu giá thành cao thì bán nguy cơ lỗ vốn là chuyện đã nhìn thấy.

 Ra lo me Alumin dau tien: Lo nhieu hon mung?
Sản xuất Alumin đã có những sản phẩm đầu tiên

Trước đây, những bài toán kinh tế phân tích đã được đưa ra, nhà máy Alumin Nhân Cơ là một nhà máy rủi ro vô cùng lớn, cho nên, Liên hiệp Khoa học kỹ thuật đã từng có kiến nghị và chỉ rõ về vấn đề này.
Nhà máy này dự kiến kế hoạch đặt ra xây dựng trong thời gian ngắn, trong chừng khoảng 2 năm, thực tế bây giờ đã hơn 6 năm. Cho nên thời gian kéo dài việc xây dựng nhà máy làm cho tổng mức đầu tư tăng lên rất lớn. Nhà máy Alumin Tân Rai chậm 2 năm, tổng mức đầu tư tăng lên 32%, còn nhà máy Nhân Cơ cũng kéo dài hơn 4 năm, cho nên mức đầu tư ít cũng phải tăng lên gần 50%.
Khi tổng mức đầu tư tăng lên thì rõ ràng dẫn đến chi phí trong giá thành sản xuất tăng lên vì các khoản khấu hao dây chuyền, chi phí vốn vay đều tăng lên. Do đó, nguy cơ lỗ vốn là có thể nhìn thấy.
Với nhà máy hiện nay như vậy, tổng mức đầu tư tăng lên rất nhiều, đưa ra con số chính xác thì chỉ có chủ đầu tư nói được. Nhưng chắc chắn tính ra chi phí sản xuất sẽ tăng lên, do đó, giá thành của Alumin tất yếu tăng lên rất nhiều, nhất là nhà máy Nhân Cơ nằm xa hơn Tân Rai, nên chi phí vận chuyển các loại nguyên vật liệu vào, sản phẩm làm ra tăng lên.
Bây giờ có thông tin sản xuất ra các sản phẩm đầu tiên, nhưng cái quan trọng các sản phẩm đó với giá thành bao nhiêu và nếu bán đi có lãi không, đó mới là thông tin mọi người cần được biết".
Bên cạnh đó, theo ông Ban, cái quan trọng là sản phẩm làm ra, giá sản xuất bao nhiêu, có mang lại hiệu quả hay không, đó mới là vấn đề.
Cái khó ở đây, là vì giá Alumin trên thị trường cũng thay đổi liên tục, trước vào thời kỳ khủng hoảng giá lên rất cao, còn hiện nay thì trên thế giới Alumin các nước cũng sản xuất ra rất nhiều, nên giá thành bão hòa.
Có nhiều trường hợp, nhiều nhà máy, như năm 2015, Australia có nhà máy Alumin rất lớn, nhưng họ thấy tự sản xuất rồi bán với giá thấp, không có lãi, thành ra muốn bán nhà máy đi.
"Ở nước ta vừa qua có công bố, một số nhà máy công nghiệp nặng như nhà máy phân đạm, nhà máy dầu khí ngoài công nghệ thì còn có nguy cơ làm cho nhà máy thiệt hại, không có hiệu quả kinh tế, do thời gian xây dựng kéo dài làm cho tổng mức đầu tư tăng lên, sản xuất Alumin liệu có ngoài danh sách các nhà máy này", ông Ban đặt câu hỏi.
Bán cho Trung Quốc là chính
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho hay, có một nghịch lý là giá thành Alumin chúng ta sản xuất ra giá thành lại cao hơn Alumin chúng ta nhập vào. Mà tất cả các sản phẩm Alumin này đều là bán thành phẩm chứ chưa phải nhôm, còn phải qua một giai đoạn nữa thì mới ra nhôm có thể bán ra thị trường.
''Điều này đồng nghĩa chúng ta sản xuất ra nhưng giá thành không thể cạnh tranh được, mà chất lượng chưa chắc đã hơn các nước khác, nên không có gì đáng vui mừng, đặc biệt xét theo về hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh trên thị trường", ông Khiển nói.
Về thị trường tiêu thụ, theo ông Khiển, chủ yếu vẫn là Trung Quốc vì họ đặt sẵn, họ muốn mua các thành phẩm, rồi sau đó chế biến thành nhôm thành phẩm, bán lại cho VN.
"Ở đây, Trung Quốc có thể ăn lãi 2 lần, đầu tiên nhà thầu làm công trình bauxite Tây Nguyên này là Trung Quốc, dùng công nghệ Trung Quốc, công nhân kể cả lao động phổ thông cũng là Trung Quốc.
Họ lấy quặng bauxite của mình chế thành Alumin, rồi trở về Trung Quốc, sau đó họ hợp nhất thành nhôm, rồi bán lại nhôm cho chúng ta, nghĩa là họ ăn 2 lần tiền của mình. Và thực tế giá Alumin chúng ta bán cho Trung Quốc lại bị lệ thuộc, không mua thì VN ế, mà bán sang thị trường khác thì không bán được. Thậm chí viễn cảnh bị ép giá bán cũng là điều có thể nhìn thấy trước", ông Khiển phân tích.
Theo vị chuyên gia trên, bản thân ông rất lo lắng khi VN đầu tư dự này này ở khu vực Tây Nguyên, để có những sản phẩm chưa chắc đã bán được hoặc bán mà khó có lãi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ban cũng chung nhận định, ông nói: "Alumin riêng với thị trường Trung Quốc, nguyên liệu là họ thiếu, ví dụ như quặng bauxite chủ yếu là quặng Diaspore, chất lượng xấu, cũng không nhiều, nên với nhu cầu của họ rõ ràng họ nhập rất nhiều.
Nhưng hiện nay việc sản xuất nhôm có những khó khăn khi thị trường thế giới đang bão hòa, giá thành cạnh tranh vô cùng khốc liệt, nên với giá thành cao, Alumin VN cũng khó có cửa".
(Theo Đất Việt) Châu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét