Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Cần điều chỉnh nhất - thái độ với dân

Cập nhật lúc 11:01

 Đã có nhiều lời tự ngợi ca, từ chính những tác giả của Bộ Quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức, dự kiến áp dụng ở thủ đô từ 1.1 tới - rằng nó được xây dựng rất chặt chẽ, công phu, thận trọng... rằng nó được nghiên cứu đánh giá thực trạng, điều tra xã hội học tại nhiều địa bàn...
Nhưng dư luận, trong đó có đội ngũ công chức - đối tượng bị điều chỉnh của bộ quy tắc này đang không hiểu ngọn ngành trước những quy định này.
Không sử dụng thiết bị giải trí cá nhân. Không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem tivi, nghe đài, chơi điện tử ... trong giờ hành chính. Cái đó đúng rồi. Không tự ý tụ tập làm việc riêng; không nấu nướng trong phòng làm việc. Không hút thuốc tại cơ quan; không sử dụng đồ uống có cồn, hát karaoke... Cái đó không sai.
Nhưng còn những quy định, chẳng hạn “áo có ống tay, váy dài đến gối, xăm vẽ hình phản cảm”, hay “sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp”... thì nói thật, rất khó để cắt nghĩa thế nào là phù hợp chứ đừng nói là tạo ra sự tâm phục khẩu phục đối với những người thực thi. Ông Nguyễn Hùng Vĩ - một chuyên gia văn hóa - đã nhìn ra vấn đề, rằng bộ quy tắc có vẻ nhiều thứ cụ thể, mà càng cụ thể bao nhiêu thì lại càng thiếu bấy nhiêu. Mỗi cá nhân trong xã hội đều được/bị điều chỉnh bằng những quy phạm chung. Đội ngũ cán bộ công chức còn chịu thêm các quy định trong Luật Cán bộ, công chức, theo nguyên tắc chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Vậy thì liệu có cần một bộ quy tắc cái chấp nhận được, thì sao chép từ chính Luật Cán bộ, công chức, trong khi có vô vàn quy định rất khó để giải thích, vô vàn những quy định không thể thống nhất được cách hiểu chung. Huống chi bộ quy tắc đó lại dựa trên cơ sở khuyến cáo. Chỉ mang tính chất đưa ra quy định để công chức, viên chức nên và không nên thực hiện chứ không có chế tài xử lý vi phạm.
Có người để ý rằng một trong những nỗi đau đáu của Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải chính là nhiệm vụ cải cách hành chính của thủ đô. Và không thể không nhắc lại, phát ngôn lừng danh, nức lòng dân khi ông đòi hỏi phải khắc phục, phải xóa bỏ bằng được nhận thức, phong cách, lề lối lãnh đạo “Hà Nội không vội được đâu” từ bao năm nay. Chính Bí thư cũng xác nhận rằng một bộ phận không nhỏ công chức còn nhũng nhiễu dân.
Xin hãy đẩy mạnh “điều chỉnh” điều gây phiền hà, bức xúc nhất đối với người dân - chính là thái độ, là cách cư xử là căn bệnh quan liêu, xa dân, hách dịch thay vì bàn việc “dùng nước hoa cho phù hợp”.
(Theo Lao động) Đào Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét