Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Samsung, Nokia đổ bộ: Việt Nam ưu đãi chồng ưu đãi

Cập nhật lúc 07:52

(Doanh nghiệp) - Lý do Việt Nam thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử với sự tham gia của những “ông lớn” như Samsung, Nokia... là gì?
TS Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, những nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc Việt Nam ổn định về an ninh, cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, vấn đề nhân công lao động gần như đáp ứng được hoạt động sản xuất của doanh nghiệp… và quan trọng Việt Nam có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là ở lĩnh vực công nghệ cao.
Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp
PV: - Mới đây, Microsoft - ông chủ mới của Nokia công bố kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, chọn nhà máy tại Bắc Ninh là đơn vị chủ lực sản xuất điện thoại di động thông minh (smartphone) thay cho những dòng giá rẻ trước đây. Nokia cũng cho biết 30 dây chuyền sản xuất từ các nhà máy trên toàn cầu trong đó có Trung Quốc, Hungary sẽ được Microsoft đưa tới Việt Nam vào cuối năm nay.
Trong khi đó Samsung (Hàn Quốc) cũng đã đầu tư mạnh vào Việt Nam và cũng từng cho biết muốn Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu. Theo ông, những điểm nào của Việt Nam thu hút đầu tư từ những đại gia công nghệ cao này?
TS Phan Hữu Thắng: - Trong lĩnh vực điện tử, Samsung hiện nay đang là nhà đầu tư lớn nhất. Ngoài ra còn LG và nhà đầu tư đến từ các nước khác như Nhật Bản, Đài Loan.
Trong thời gian 3-4 năm vừa qua, nổi trội lên các dự án của Hàn Quốc còn Nhật Bản mặc dù về đầu tư nói chung luôn đứng đầu nhưng công nghiệp điện tử của Nhật Bản tại Việt Nam gần như không có sự thay đổi, đột phá trong những năm gần đây, những hãng khác như Sony (Nhật Bản) không tập trung ở Việt Nam mà tập trung ở Malaysia. Một số doanh nghiệp của Đài Loan cũng mới chỉ dừng lại ở việc đầu tư sản xuất tại Bắc Ninh còn dự án ở Vĩnh Phúc vẫn cầm chừng.
Tức là cũng có dự án vào, dự án ra và có dự án thành công, có dự án chưa thành công không phải toàn bộ đang đổ về Việt Nam và đều thành công nên có thể nói là còn quá sớm để Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất các sản phẩm điện tử đặc biệt là điện thoại di động thông minh. Việt Nam vẫn chưa thể bằng một số nước trong khu vực tiêu biểu như Malaysia, về công nghệ phần mềm Ấn Độ tập trung nhiều hơn, công nghệ cao hơn.
Việc các doanh nghiệp nước ngoài về lĩnh vực điện tử nói riêng và đầu tư nước ngoài nói riêng chọn Việt Nam là điểm đầu tư thay thế Trung Quốc thời gian vừa qua có thể thấy những nguyên nhân chủ yếu về chính trị xã hội tương đối ổn đinh.

 Nokia sẽ tập trung sản xuất dòng điện thoại di động thông minh tại Việt Nam - Ảnh: VNE
Nokia sẽ tập trung sản xuất dòng điện thoại di động thông minh tại Việt Nam - Ảnh: VNE
Thứ 2 là cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng đã phát triển ở mức có khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này ví dụ việc cung cấp điện, vận tải logistic….
Nguồn lao động cũng là thế mạnh của Việt Nam tuy nhiên thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết họ muốn mở rộng nữa quy mô đầu tư, sản xuất tại Việt Nam nhưng cũng đang bị hạn chế do vấn đề lao động.
Ngoài ra, hệ thống luật pháp, chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng đang được hoàn thiện và ngày càng được mở rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
PV: - Còn nhớ, khi Nokia khánh thành nhà máy 300 triệu USD tại Bắc Ninh tháng 10/2013, đại diện Nokia từng cho biết lý do Nokia đầu tư tại Việt Nam là do ưu đãi từ Chính phủ như việc áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm kể từ khi đi vào hoạt động, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Song vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp FDI cũng đã đặt ra trong thời gian gần đây cho thấy chúng ta đã ưu đãi quá nhiều nhưng chưa nhận được bao nhiêu, ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
TS Phan Hữu Thắng: - Khi đặt lên bàn cân, ưu đãi đều có tính toán trên cơ sở cam kết của nhà đầu tư và qua kiểm tra thực tiễn của cơ quan nhà nước trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ về dây chuyền, công nghệ, sản phẩm có phải sản phẩm công nghệ cao hay không.
Doanh nghiệp có thể đóng góp thuế bao nhiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tổng mức đầu tư sản xuất giai đoạn đầu tiên đã tương xứng chưa vì giai đoạn đầu trong quá trình đầu tư rất có khả năng doanh nghiệp sẽ bị chịu lỗ, không thể đầu tư lớn trong 1-2 năm đầu có lãi để nộp thuế. Nên chỉ trong 1-2 năm đầu ưu đãi rất nhiều và mình chắc chắn chưa thu được bao nhiêu.
Còn nhìn vào các lợi ích khác như có sự chuyển biến về cơ cấu ngành, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, thay đổi các lĩnh vực đầu tư then chốt, thay đổi bộ mặt địa phương nơi đầu tư.
Theo tôi được biết, quyết định ưu đãi cho Samsung trước đây khi Samsung bắt đầu vào Việt Nam được đưa ra sau khi các Bộ ngành đã kiểm tra các sản phẩm móc móc thiết bị, dây chuyền công nghệ, tỷ lệ % trong doanh thu… để thấy không dễ dàng cho các doanh nghiệp muốn hưởng ưu đãi.
Việc các doanh nghiệp nước ngoài trong khi vẫn được hưởng ưu đãi song một mặt lại liên tục báo lỗ, không hoàn thành nghĩa vụ thuế với địa phương và nhà nước do mỗi doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh quản lý tài chính, thuế, các vấn đề chuyển giá Việt Nam có những khó khăn và yếu kém tức là quản lý thực hiện ở các lĩnh vực để nâng cao hiệu quả. Nhìn chung FDI vẫn đóng góp nhiều.
Chuyển giá, lách luật dễ dàng?
PV: - Câu chuyện FDI chuyển giá trốn thuế thời gian vừa qua cũng diễn ra tại nhiều doanh nghiệp, phải chăng điểm thu hút khác của những doanh nghiệp công nghệ cao nói riêng FDI nói chung cũng nhằm vào việc tại Việt Nam chuyển giá, lách luật dễ dàng hơn do chế tài và quản lý chưa chặt chẽ, thưa ông?
TS Phan Hữu Thắng: - Quản lý nhà nước lúc nào cũng phải sẵn sàng đặt ra những nghi vấn ở tất cả hoặc các trường hợp doanh nghiệp nước ngoài cụ thể liên tục báo lỗ trong nhiều năm hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam nhưng vẫn mở rộng quy mô. Với các doanh nghiệp này phải đảm bảo quản lý, theo dõi sát.
Tuy nhiên cũng có khó khăn nhất định vì các tập đoàn lớn vin vào việc họ có phương pháp, công nghệ riêng chỉ họ có nên họ có quyền quyết định giá cả và không ai phán quyết, so sánh được. Hiện những điều kiện pháp lý và thông tin chưa đủ mặc dù Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa các nước và vùng lãnh thổ nhưng việc này không hề không dễ.
Cơ quan thuế 2 năm vừa qua đã kiểm tra, thanh tra về chuyển giá tương đối nhiều, nhưng sẽ vẫn để lọt chứ không thể hết được.
PV: - Hiện quá trình đưa máy móc vào Việt Nam của Nokia đang gặp phải rào cản về việc sản phẩm sử dụng quá 5 năm và không đáp ứng tiêu chuẩn mới 80%, không đủ điều kiện pháp lý nếu chiếu theo Thông tư 20 sẽ áp dụng vào 1/9 này, Nokia đã có văn bản xin Bộ Khoa học Công nghệ xem xét. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Phan Hữu Thắng: - Theo tôi, phải chiếu theo những quy định hiện hành không thể đưa các thiết bị cũ lạc hậu mà vẫn được hưởng ưu đãi. Mặc dù Nokia đã có giải thích như những cam kết từ phía Nokia như việc chuyển giao dây chuyền đơn thuần phục vụ tái cơ cấu sản xuất, chứ không phải nhập các máy móc đã hết hạn vào Việt Nam nhưng Bộ Khoa học Công nghệ sẽ căn cứ, kiểm tra giám sát. Tôi tin Bộ Khoa học công nghệ sẽ có kết luận cuối cùng và sẽ xử lý đúng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Nguyên Thảo thực hiện

Chi phí bảo vệ môi trường ở VN chắc chắn rẻ hơn các nước rất nhiều. Giá nhân công tại VN cũng vậy (lương tối thiểu còn chưa đủ sống tại VN chứ nói gì bằng nước ngoài) thì chi phí của doanh nghiệp sẽ thấp. Bên cạnh đó là đủ thứ ưu đãi với doanh nghiệp FDI đến nỗi doanh nghiệp nội đạng bị đối xử bất bình đẳng (vì không được ưu đãi). Điều kiện ưu đãi đôi khi rất chung chung, chỉ cần đó là DN FDI. Rất nhiều cái FDI đó sang VN vay tiền chủ nhà, đưa lao động nước mình sang làm việc, nợ BHXH, nợ lương công nhân, rồi chuyển giá, né thuế… Sự thể trên suy cho cùng cũng là do bộ máy quản lý kinh tế của ta quá yếu kém, nhiều tiêu cực.
                                                            Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét