Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012


12:42
Tạo dựng niềm tin quá khó?

1. Giá điện sau nhiều lần rục rịch, đã chính thức tăng thêm 5% từ ngày 22-12-2012, thời điểm chỉ còn chừng một tuần là hết năm 2012 và hơn một tháng nữa là đến Tết Quý Tỵ 2013. Vào thời điểm này, khi mà chỉ số CPI của năm 2012 gần như đã được "khép lại” bằng con số "chuẩn” như mục tiêu Quốc hội đề ra đầu năm, thì việc tăng giá điện sẽ không gây ảnh hưởng gì đến chỉ số này. 1. Giá điện sau nhiều lần rục rịch, đã chính thức tăng thêm 5% từ ngày 22-12-2012, thời điểm chỉ còn chừng một tuần là hết năm 2012 và hơn một tháng nữa là đến Tết Quý Tỵ 2013. Vào thời điểm này, khi mà chỉ số CPI của năm 2012 gần như đã được "khép lại” bằng con số "chuẩn” như mục tiêu Quốc hội đề ra đầu năm, thì việc tăng giá điện sẽ không gây ảnh hưởng gì đến chỉ số này. 

Song, những tính toán ấy của nhà đèn chỉ càng bộc lộ rõ hơn sự độc quyền. Bởi, tuy không ảnh hưởng đến những chỉ số kinh tế đã đạt được như kỳ vọng của Chính phủ, song lại là gánh nặng rất lớn đối với đời sống dân sinh (khi đã là thời điểm cận tết, việc tăng giá điện vào thời điểm này chắc chắn sẽ "góp phần” không nhỏ đối với sự tăng giá hàng hóa vào dịp cuối năm). Dù cố gắng trấn an dư luận khi cho rằng "tăng giá điện, mỗi hộ sẽ chỉ tăng thêm vài chục ngàn đồng mỗi tháng”, nhưng chắc chắn ông Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri thừa hiểu rằng, điện là đầu vào của hầu hết các mặt hàng thiết yếu khác. Vậy, ai dám chắc rằng giá điện tăng sẽ không kéo theo hàng loạt các mặt hàng khác tăng giá (?). Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề này tại buổi họp báo công bố tăng giá điện mà EVN tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) nói đầy vẻ quyết đoán rằng: Đối với những lo ngại về việc giá cả sẽ nhân cơ hội này "té nước theo mưa”, Cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước sẽ vào cuộc kiểm soát nghiêm vấn đề này.

Song, tất cả những "hứa hẹn” này có vẻ như chỉ là lời hứa suông. Bởi, thực tế sau tất cả những lần giá điện được quyết định tăng, đều kéo theo hệ lụy là giá cả thị trường bị đẩy lên một mặt bằng mới, người dân vì thế thêm gánh nặng chi tiêu, đặc biệt lại là thời điểm cận tết, khó khăn dường như bị nhân đôi.

2. Một trong những điểm đang gây nên những băn khoăn cho dư luận thời gian qua, đó là ngành điện quyết định tăng giá khi vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh 11 tháng năm 2012. Theo đó, năm 2012 là năm ngành này kinh doanh thuận lợi và đạt được khoản lãi rất lớn, đến mức có thể bù cho số lỗ của năm 2011 tới 3.500 – 4.000 tỷ đồng. Như vậy, dù không công bố cụ thể số lãi là bao nhiêu, nhưng con số nói trên có thể cho thấy, chỉ riêng năm 2012, ngành điện có số lãi rất "khủng”.

Lãi vậy, nhưng điện vẫn tăng giá. Lý giải cho sự tiếp tục đề xuất tăng giá điện, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định: "Để bù vào những chi phí do giá than, giá khí tăng…”.  Khi kinh doanh lỗ, nhà đèn đòi tăng giá bán lẻ điện để bù những khoản lỗ với lý do rất chính đáng "để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”. Đến khi có lãi rồi, nhà đèn lại đưa ra lý do tăng giá là để… bù vào những khoản đầu vào tăng giá như lý giải của vị lãnh đạo EVN ở trên… Vậy thì, những chi phí đầu vào do "ông điện” tăng giá, các doanh nghiệp, người dân sẽ phải bù bằng cách nào.

3. Là một đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, điều hành mặt hàng đặc biệt – sản phẩm an ninh năng lượng quốc gia – có ý nghĩa quan trọng đối với toàn xã hội, thế nhưng cách hành xử của ngành điện lại chưa bao giờ nhận được sự đồng thuận của dư luận. Lý do muôn thuở vẫn là: Chưa minh bạch.

Đành rằng, giá điện tăng là việc khó có thể tránh. Nhưng thật lạ là, ngành điện thường xuyên ra "chiêu” tăng giá bất ngờ và đột ngột, tăng ở những thời điểm bất hợp lý và đặc biệt, cơ chế thông tin thì chưa bao giờ minh bạch… khiến lòng dân khó có thể đồng thuận.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu tất cả những lần đưa ra quyết định tăng giá, ngành điện công khai, minh bạch lộ trình tăng giá, cơ cấu hình thành giá thì sẽ không phải liên tục nhận được sự bất đồng của người dân như thời gian qua. Chỉ đơn cử như, khâu phát điện phải được bóc tách cụ thể chi phí từng loại như nhiệt điện than, khí, dầu, thủy điện, điện mua ngoài… Vì đây là khâu ảnh hưởng lớn nhất tới giá bán điện nói chung. Các lý do lỗ đều thường liên quan đến khâu này. Vậy nhưng, trả lời trong một buổi họp báo, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) lại khẳng định: Các số liệu này có tính chất…bí mật. Đến việc công khai thông tin đối với EVN còn khó thực hiện như vậy, thử hỏi EVN làm cách nào để thuyết phục được dư luận, gây dựng được niềm tin trong dân đây?

Đó còn chưa kể đến một loạt những yếu tố khác như thị trường phát điện cạnh tranh vẫn chưa hoạt động theo đúng nghĩa (EVN vẫn "độc quyền” tất cả các khâu sản xuất, phân phối và phát điện – PV) hay giá điện hiện vẫn đang bao gồm cả những chi phí thuộc về chính sách Nhà nước (chi phí cải thiện lưới điện nông thôn, lưới điện vùng sâu, vùng xa)… cho thấy, dường như tất cả những việc ngành điện đang làm đều mâu thuẫn với kỳ vọng của chính họ: Mong được người dân đồng thuận. Chắc chắn ngành điện thừa hiểu rằng, khi mà vẫn còn có những bí mật khó có thể công khai, vẫn còn tình trạng độc quyền… thì  sẽ khó có thể tạo được niềm tin, chứ đừng nói là gây dựng niềm tin cho toàn xã hội!
(Theo Đại đoàn kết) Duy Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét