Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Luật pháp và cuộc sống

 

Đằng sau những lô đất tiền tỉ

 Cập nhật lúc 10:15  

Ông Lê Văn Hữu - một nông dân 72 tuổi, ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) - bị thu hồi 1.041m2 ruộng với số tiền “bồi thường” 180 triệu đồng. Và giờ, những mảnh đất bị thu hồi với giá rẻ mạt ấy đang được “đấu giá” chẳng hạn 262m2 với giá 4,7 tỉ đồng.


Người dân sửng sốt khi đất thu hồi bị đền bù với giá quá rẻ mạt so với mức đấu giá mà khởi điểm đã tiền tỉ. Ảnh: Trần Tuấn

Thông báo đấu giá quyền sử dụng đất với 9 lô đất ở quy hoạch thuộc thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đang khiến người dân choáng váng.

Cụ thể, với 8 lô (160m2), giá khởi điểm là hơn 3,5 tỉ đồng. Riêng một lô 2 mặt tiền diện tích 263m2 có giá khởi điểm tới 4,7 tỉ đồng.

Choáng váng, vì giá khởi điểm lần này cao gấp đến 6 lần so với năm ngoái.

Nhưng choáng nhất là những cái giá “tỉ bạc” đó đúng là một trời một vực so với giá đền bù dân.

Mở ngoặc, những lô đất này trước khi đưa vào quy hoạch đấu giá là đất nông nghiệp, thuộc diện tích trồng lúa của người dân.

Chẳng hạn trường hợp “ông lão chăn bò” Lê Văn Hữu. Năm 2021, huyện Đức Thọ tiến hành thu hồi của gia đình ông 1.041m2 đất ruộng để “quy hoạch khu dân cư”.

Với hơn nghìn m2 bị thu hồi, gia đình ông được bồi thường có 180 triệu đồng. Tiếng là được bồi thường nhưng đến thời điểm này, ông Hữu vẫn chưa thấy mặt mũi tiền đâu.

Người nông dân 72 tuổi giờ hàng ngày vẫn chăn bò bên cạnh thửa ruộng cũ của mình. Và chắc là sốc lắm trước những cái giá chẳng hạn 3,5 tỉ đồng cho chỉ 160m2.

Đang tồn tại trong thực tế một khoảng cách rất lớn giữa “giá nhà nước đền bù” và “giá thị trường”.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long có lần cho rằng: Một trong những nguyên tắc định giá đất là phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Nhưng trên thực tế, khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20 - 30% khung giá đất thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - từng dẫn chứng ba tuyến đường đắt đỏ nhất thành phố là Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Lê Lợi. Theo khung giá đất chỉ 162 triệu đồng đến tối đa 210 triệu đồng/m2. Trong khi giá thực tế khoảng 1,2 tỉ đồng/m2.

Giữa khung giá đất của Chính phủ ban hành và bảng giá đất do các địa phương mà cụ thể là TPHCM công bố với giá đất thực tế trên thị trường có khoảng cách rất lớn, từ 30 - 50%, theo ông Châu.

Và chính khoảng cách quá lớn, quá bất hợp lý ấy là nguyên nhân gây ra những bức xúc, tranh chấp, khiếu kiện nóng bỏng về đất đai trong bao năm nay.

Luật đất đai sẽ được sửa đổi trong thời gian tới, và có lẽ, các quy định về định giá đất phải được đặt thành một trọng tâm, để phải tránh được tình trạng “đền bù m2 đất chỉ bằng bát phở”, để xoá bỏ được khoảng cách giữa giá đền bù và giá thị trường... thì mới có thể giảm bớt khiếu tố đất đai.

(Theo Lao động) ĐÀO TUẤN

Một chữ ký quan chức ra quyết định chuyển mục đích sử dụng đất đã giúp doanh nghiệp hưởng phần lớn lợi ích từ chênh lệch địa tô. Dân thiệt, Nhà nước thiệt, không biết ngoài Ông doanh nghiệp hưởng lợi có còn ai nữa!? Đã có ý kiến đề xuất, khi thu hồi đất của dân phải xác định rõ sẽ chuyển mục đích sử dụng là gì. Nếu vẫn là phát triển nông nghiệp thì bồi thường như trên là đúng. Song nếu là để kinh doanh BĐS thì người dân cần được thoả thuận với doanh nghiệp, hoặc bồi thường đất theo giá BĐS cùng khu vực, thời điểm. Vấn đề này cần được bổ sung, sửa đổi trong Luật Đất đai.

Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét