Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Người cách ly đòi hỏi cao: Đến lúc phải thu phí

Cập nhật lúc 10:13   

Các ý kiến khẳng định Nhà nước không bỏ rơi bất cứ ai nhưng cũng không thể bao cấp mãi vì lượng người cách ly đang tăng theo cấp số nhân.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đề xuất cụ thể việc thu phí (ăn, ở...) của các đối tượng cách ly, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp sau.
Trao đổi với Đất Việt, các ý kiến đều khẳng định quan điểm của Chính phủ là chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trong đại dịch, tuy nhiên, việc bao cấp hoàn toàn rõ ràng cũng gây áp lực rất lớn đối với ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh số lượng người bị cách ly đang theo tăng cấp số nhân.
Bởi vậy, các ý kiến đều cho rằng việc xem xét thu phí đối với người cách ly là cần thiết, nhưng cần có sự phân loại rõ ràng. 


Bếp ăn phục vụ những người cách ly y tế tập trung - Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2.

Phân tích cụ thể, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, ban đầu, khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm, số người cách ly thấp thì Nhà nước đứng ra gánh chịu các chi phí là hợp lý. 
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng người bị cách ly rất đông và ngày càng tăng lên, trong số đó có những trường hợp cần Nhà nước hỗ trợ thực sự, song cũng có rất nhiều trường hợp thực sự có điều kiện và không cần Nhà nước phải bao cấp, nếu Nhà nước bao cấp tất tật cho cả những đối tượng này thì không hợp lý.
"Số lượng người cách ly ngày càng tăng, ngân sách Nhà nước chịu đựng được bao lâu? Cần có chính sách thu phí đối với người cách ly, nhưng phải có sự phân loại rõ ràng: đối tượng nào khó khăn thì hỗ trợ hoàn toàn; những người ở nước ngoài về rất có điều kiện và sẵn sàng bỏ tiền để được hưởng dịch vụ tốt hơn, đồng thời họ cũng muốn chia sẻ với Nhà nước thì cứ thu phí.
Ví dụ, chuyện ăn uống có nhiều mức, Nhà nước chỉ đảm bảo ở một mức độ nhất định, còn ai muốn ăn ngon hơn, sang hơn thì trả tiền.
Tương tự, nếu người cách ly có nhu cầu ở khách sạn, resort thuộc danh sách được Nhà nước trưng dụng làm khu cách ly thì xem xét cho họ ở, nhưng phải trả tiền.
Xã hội Việt Nam có nhiều tầng lớp, do đó cần phân loại để có cách đáp ứng yêu cầu, một mặt khẳng định Nhà nước không bỏ rơi bất cứ ai, nhưng Nhà nước cũng không thể bao cấp mãi.
Chúng ta có thể linh hoạt việc này nhưng cũng phải tính toán cho cẩn thận, làm sao đơn giản khi thực hiện, đồng thời cũng tránh đóng góp nặng quá, người thuộc diện cách ly có khi không chịu đựng được, trốn cách ly thì lúc ấy lại phức tạp", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích. 
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cũng cho rằng đây là vấn đề nhân đạo, nhưng không vì thế mà Nhà nước có thể bao cấp mãi khi dịch kéo dài, lượng người cách ly lớn, ngân sách không phải là vô tận để đảm bảo cung ứng vô điều kiện.
Ông khẳng định, việc hỗ trợ cho người cách ly là tốt và ai cũng muốn được hỗ trợ, nhưng phải xem khả năng hỗ trợ đến đâu là hợp lý.
Nhắc lại một số trường hợp cách ly chê khu cách ly bẩn, đòi hỏi dịch vụ tốt hơn, muốn ăn hoa quả ngoại... được phản ánh trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhấn mạnh quan điểm: "Cách ly là quy định bắt buộc, người về từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng thì buộc phải cách ly, không thể ra điều kiện. Còn nếu người nào muốn cách ly ở điều kiện tốt hơn thì phải bỏ tiền ra".
Bởi vậy, ông cho rằng, việc thu phí người cách ly phải tùy theo hoàn cảnh, đối tượng cách ly. Những đối tượng thu nhập thấp ở một mức độ nhất định thì Nhà nước có thể cho ở miễn phí ở các khu cách ly tập trung như doanh trại quân đội, ký túc xá sinh viên, đồng thời cung cấp các bữa ăn ở một mức nào đó mà không thu tiền. Còn đối với những người có tiền từ nước ngoài về, nếu muốn sinh hoạt theo nhu cầu (ở resort, ăn hoa quả ngoại...) thì phải trả tiền, thuận mua vừa bán.
"Chúng ta vẫn đảm bảo tính nhân văn, kết hợp thực tiễn của người cách ly mà đề xuất ra chế độ trong khả năng của Nhà nước, điều đó đòi hỏi người quản lý phải có tầm nhìn", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói.
Theo Thông tư 32/2012/TT-BTC, người bị cách ly được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh; được cấp không thu tiền gồm: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt; được miễn phí di chuyển cách ly.
Đối với chế độ ăn, người bị cách ly được cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, theo tuyên bố của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, tất cả các trường hợp cách ly được hỗ trợ 100.000 đồng/ngày bằng ngân sách thành phố.
Trong khi đó, Hải Phòng hỗ trợ tiền ăn cho người nước ngoài bị cách ly do dịch Covid-19 (thông qua bếp ăn tập thể) với mức 85.000 đồng/người/ngày (tăng 20.000 đồng/người/ngày so với mức ăn quy định tại Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 12/3/2020 của HĐND Thành phố).
Hỗ trợ tiền ăn cho người Việt Nam và lực lượng phục vụ tại cơ sở cách ly (thông qua bếp ăn tập thể), với mức 75.000/người/ngày (tăng 10.000 đồng/người/ngày so với mức ăn quy định tại Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 12/3/2020 của HĐND thành phố).
Nguồn kinh phí sẽ được chi từ nguồn xã hội hóa của Thành phố Hải Phòng.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét