Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Ông Lê Mạnh Hùng lùm xùm trong sai phạm nghìn tỉ vẫn được PVN giới thiệu làm TGĐ

Cập nhật lúc 15:49                

Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), vừa được giới thiệu giữ chức TGĐ tập đoàn bất chấp những câu hỏi về trách nhiệm cá nhân trong các đại dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng còn đang treo lơ lửng.

 Ông Lê Mạnh Hùng được giới thiệu làm Tổng Giám đốc PVN. Đồ họa: LN.
Ông Lê Mạnh Hùng được giới thiệu làm Tổng Giám đốc PVN. Đồ họa: LN.

Bao giờ xử lý triệt để?
Theo nguồn tin riêng của PV Báo Lao Động, chiều 18.4, tại cuộc họp thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ nhiệm chức danh TGĐ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, ông Lê Mạnh Hùng đã được hội nghị nhất trí giới thiệu vào vị trí TGĐ. 
Thông tin này sau đó đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều bởi cá nhân ông Lê Mạnh Hùng, khi ở cương vị Phó TGĐ, đã nhiều lần bị đặt dấu hỏi trách nhiệm trong sai phạm "khủng" của các đơn vị thành viên do ông phụ trách, trong đó có Cty CP Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVtex).
Theo đó, như Báo Lao Động đã phân tích trong bài viết PVtex sai phạm nghìn tỉ - bao giờ xử lý triệt để? - Ngày 20.6.2017 Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố 5 bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 bị can (có 1 người bị bắt trước đó) về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Vũ Đình Duy – nguyên TGĐ, đã bỏ trốn.

 PVtex - Đại dự án thua lỗ nghìn tỉ.
PVtex - Đại dự án thua lỗ nghìn tỉ.

Tuy nhiên, các đối tượng bị khởi tố, tạm giam chủ yếu là do những sai phạm tại dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên, còn hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc triển khai thực hiện mua sắm, xây dựng, lắp đặt và chạy thử và nghiệm thu Nhà máy xơ sợi Đình Vũ gây thất thoát, thiệt hại tài sản nhà nước hàng nghìn tỉ đồng thì đến nay vẫn chưa  bị truy cứu.
Liên quan đến sự vụ này, thông báo số 3130/TB-TTCP ngày 24.11.2016 của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ, trong quá trình triển khai, PVtex đã điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 34 triệu USD so với dự kiến ban đầu, lên 359 triệu USD (tương đương 7.000 tỉ đồng). Và thời gian thu hồi vốn tăng lên 22 năm. Vậy nhưng sau 2 năm đi vào hoạt động, dự án này lỗ hơn 1.732 tỉ đồng.
Kết luận cũng liệt kê những sai phạm mang tính hệ thống của dự án như: vi phạm trong việc mời thầu, nghiệm thu tăng sai, trùng lắp khối lượng so với hồ sơ hoàn công với giá trị 23.046,6 USD và hơn 8 tỷ đồng; thay đổi dây chuyền thiết bị kéo sợi dún từ Đức sang Trung Quốc, hệ thống máy chủ máy in từ Đức sang Châu Âu; quá trình chạy thử từ tháng 11.2011 đến 6.2013 lỗ gần 818 tỉ đồng; tăng sai một số khoản chi phí trị giá gần 39 triệu USD. Do đó, PVtex mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và gánh khoản nợ khoảng 6.000 tỉ đồng... 

 Kết luận của TTCP chỉ rõ những sai phạm của dự án PVtex.
Kết luận của TTCP chỉ rõ những sai phạm của dự án PVtex.

Để xảy ra thua lỗ, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ trách nhiệm thuộc về HĐQT, TGĐ các đơn vị liên quan gồm PVN, Vinatex và PVTex.
Đặc biệt, cơ quan Thanh tra cũng đề nghị xem xét xử lý hình sự đối với các dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí lớn với vốn đầu tư. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sợ để điều tra, xử lý theo pháp luật.
Cố nghiệm thu dù thử không đạt
Liên quan đến những bất cập trong quá trình chạy thử, theo báo cáo của chính PVtex gửi PVN vào tháng 10.2014, quá trình chạy thử, chạy nghiệm thu của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ từ 19.11.2011 đến 1.6.2013 gồm 4 giai đoạn.
Kết quả của 4 lần chạy thử thì lần nào cũng gặp sự số.
Chi phí chạy thử, theo dự án khả thi là 5,2 triệu USD. Hợp đồng quy định chủ đầu tư (PVtex) chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu. Kết quả số tiền chi phí vận hành giai đoạn chạy thử tăng vọt từ 5,2 triệu USD lên 41,438 triệu USD.

 Chân dung Lê Đình Duy, nghi phạm đang trốn truy nã.
Chân dung nghi can Vũ Đình Duy đang trốn truy nã.

Thế nhưng bất chấp tồn tại, tranh chấp với nhà thầu và hàng loạt sự cố kỹ thuật chưa được giải quyết triệt để thì bất ngờ ngày 6.8.2013, PVtex lại có công văn do TGĐ Vũ Đình Duy gửi PVN đề nghị cho phép nghiệm thu, hoàn thành hợp đồng để đi vào chạy thương mại.
Đáng chú ý hơn, đề nghị của Vũ Đình Duy lại nhận được sự đồng thuận dễ dàng của Phó TGĐ PVN Lê Mạnh Hùng - người được giao phụ trách PVtex. 
Tại biên bản họp HĐTV PVN ngày 13.12.2013, khi người Chủ trì là ông Phùng Đình Thực (lúc đó là Chủ tịch HĐTV PVN - PV) đặt vấn đề: “Hợp đồng EPC không quy định về nghiệm thu có điều kiện như vậy, đề nghị của TGĐ PVN (lúc đó là ông Đỗ Văn Hậu - PV) có khác với quy định hợp đồng không? Hiện ta có đủ điều kiện để nghiệm thu?" thì Phó TGĐ Lê Mạnh Hùng có ý kiến: “Về mặt kỹ thuật, nhà thầu HEC có quyền yêu cầu nghiệm thu để đưa nhà máy vào vận hành thương mại”.

 Quyết định “nghiệm thu có điều kiện” của PVN.
Quyết nghị “Nghiệm thu có điều kiện” của PVN nhận bàn giao nhà máy dù chạy thử lần nào là bị lỗi lần đó.

Vấn đề ở chỗ, khái niệm “Nghiệm thu có điều kiện” là khái niệm hoàn toàn không có trong luật và cũng không quy định trong hợp đồng với EPC để kết thúc quá trình chạy thử và nhận bàn giao nhà máy. Kết quả khi vận hành thương mại, PVtex tiếp tục lỗ hơn 1.000 tỉ đồng.
Với hàng loạt vấn đề liên quan đến “đại án” PVtex chưa được giải quyết triệt để, thất thoát chưa được khắc phục, việc PVN giới thiệu ông Lê Mạnh Hùng người phụ trách PVtex ngồi vào "ghế nóng" điều hành cả bộ máy khổng lồ đã khiến không ít người khó hiểu và lo lắng.
(Theo Lao Động) NGUYỄN NGUYỄN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét