Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Nạo vét 1 triệu tấn bùn cứu hồ Tây: Đổ ở đâu?

Cập nhật lúc 09:00

(Tin tức thời sự) - Ông Vũ Đình Đáp khẳng định việc nạo vét 1 triệu tấn bùn nhằm cứu hồ Tây là cần thiết nhưng cần chú ý đến nơi chứa lượng bùn thải.
Giải pháp cần thiết
Sáng 17/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cùng các đại biểu HĐND TP tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3.
Vấn đề cải tạo môi trường các hồ trên địa bàn thủ đô, đặc biệt là hiện tượng cá chết hàng loạt tại hồ Tây nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri.
Trả lời về vấn đề này, ông Chung cho biết, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng tiến hành xử lý ô nhiễm. Đặc biệt, để cải tạo lại môi trường hồ Tây, ông Chung khẳng định cần phải kiểm soát tất cả các nguồn xả thải vào hồ, nạo vét hơn 1 triệu tấn bùn và xử lý sạch nước hồ.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Đình Đáp - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ NN&PTNT) khẳng định đây là một giải pháp cần thiết và phải thực hiện nhanh chóng.

 Nao vet 1 trieu tan bun cuu ho Tay: Do o dau?
Ông Vũ Đình Đáp khẳng định việc nạo vét 1 triệu tấn bùn nhằm cứu hồ Tây là cần thiết nhưng cần chú ý đến nơi chứa lượng bùn thải. Ảnh: TTO

Theo ông Đáp, việc hồ Tây để lâu không tiến hành nạo vét khiến cho trầm tích kết tụ lại và trở thành môi trường để sản sinh ra nhiều chất độc, trong đó có khí metan có thể khiến các sinh vật như cá nghẹt thở và chết.
“Hồ Tây được xếp vào dạng hồ lớn nhưng lại là hồ tù. Nó không phải hồ liền với sông, nước thông thoáng có thể xả ngay đi được. Vì vậy việc nạo vét là cần thiết vào thời điểm này”, ông Đáp khẳng định.
Với nhiều năm kinh nghiệm, ông Đáp cho rằng biện pháp nạo vét bùn không quá phức tạp và cũng không tốn kém, nên có thể dễ dàng thực hiện được.
“Việc này hết sức đơn giản. Chúng ta chỉ cần cho máy vào thực hiện hút bùn. Dụng cụ này có thể hút bùn sâu nhiều mét. Hút bùn không ảnh hưởng gì xấu đến hồ, chỉ làm cho môi trường, nước hồ sạch hơn và độ an toàn sử dụng lâu hơn”, ông Đáp nhấn mạnh.
Đổ bùn ở đâu?
Dù khẳng định việc nạo vét 1 triệu tấn bùn nhằm cứu hồ Tây là giải pháp cần thiết, tuy nhiên điều ông Đáp lưu ý đó là nơi chứa lượng bùn thải trên.
Theo ông Đáp, lượng bùn hút ở hồ Tây chủ yếu là bùn loãng, lỏng không ảnh hưởng gì đến môi trường. Vì vậy, có thể tìm những khoảng đất trống, cánh đồng rộng để làm nơi chứa lượng bùn trên.
“Tuy nhiên hiện nay để tìm được diện tích đáp ứng được yêu cầu trên không phải dễ dàng gì. Quỹ đất của Hà Nội cũng đang bị thu hẹp dần. Nếu có 1 cánh đồng lớn để đổ bùn hút từ hồ Tây ra thì sẽ trở thành một nguồn chất hữu cơ tuyệt vời, không ô nhiễm gì cả”, ông Đáp nói.
Một địa điểm khác được Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III nhắc đến, đó là có thể đưa lượng bùn trên ra phía sông Hồng. Vị chuyên gia cho rằng đây là nơi đủ rộng để chứa được 1 triệu tấn bùn sau khi tiến hành nạo vét từ hồ Tây.
“Không có cánh đồng chứa thì bắt buộc chúng ta phải đưa ra sông Hồng. Tuy nhiên phải có biện pháp, tính toán lưu lượng thế nào cho phù hợp. Nếu lượng bùn thải ra quá nhiều, nước tự chảy không thải đi hết được thì sẽ bị đọng lại, gây ách tắc dòng sông. Lúc đó thì tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm”, ông Đáp nhấn mạnh.
Kết quả hình ảnh cho hồ tây
Theo ông Đáp thời điểm thích hợp nhất để đưa số lượng bùn trên ra sông Hồng là vào mùa mưa. Khi đó, nước chảy lưu lượng lớn nên sẽ dễ dàng hơn trong việc xử lý 1 triệu tấn bùn.
“Bùn được chuyển xuống hạ lưu, đưa vào các sông nhánh thì bổ sung thêm chất phù sa. Như vậy sẽ rất tốt”, ông Đáp khẳng định.
(Theo Đất Việt) Hoàng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét