Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Sai phạm băm nát quy hoạch đường Lê Văn Lương: "Xin rút kinh nghiệm"

 Cập nhật lúc 14:42  

Liên quan đến những sai phạm "băm nát" quy hoạch trục đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Trung Hòa - Nhân Chính, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chỉ nói ngắn gọn "xin rút kinh nghiệm".


Ông Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: QH

Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát sai phạm

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành kết luận thanh tra số 39 về việc thanh tra Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, và loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan đến quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, TP.Hà Nội.

Nội dung kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng đô thị 2 bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Theo đó, việc cấp phép nhồi nhét loạt chung cư cao tầng bám sát hai bên đường đã dẫn tới tình trạng tắc đường triền miên trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu thời gian qua.

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội sáng 15.6, đại biểu Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội chỉ nói ngắn gọn: "Chúng tôi rút kinh nghiệm và giao các phòng rà soát lại vấn đề này".


Hướng nhìn vào nội đô, cao ốc dường như bóp nghẹt tuyến đường vốn nhỏ hẹp đến tận đường Láng - vành đai 2,5 của TP. Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn 

Quy hoạch chắp vá dẫn tới hệ luỵ tắc đường triền miên

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nói với Lao Động sáng 15.6, những vấn đề liên quan tới hệ luỵ do quy hoạch kém tại trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu là vấn đề được cử tri rất quan tâm.

"Rừng chung cư, cao ốc dày đặc ở tuyến phố nêu trên làm "méo mó" quy hoạch, khiến các tuyến đường này cứ mưa là ngập, tắc đường liên miên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thủ đô", ông nói.

Theo đại biểu Lâm, quy hoạch phải đồng bộ từ vấn đề hạ tầng. Từ các hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội phục vụ cho người dân. Theo đó, khi xây dựng các quy hoạch cần phải tính toán được quy mô dân số, quy mô xây  dựng nhà ở, chợ dân sinh, công viên vui chơi… Cử tri mong quy hoạch giải quyết được những vấn đề đó.

"Thực tế là thời gian qua chúng ta có làm quy hoạch nhưng chắp vá, manh mún và chất lượng kém. Việc này dẫn đến cứ đụng đến đâu, đến chỗ nào cũng có vấn đề. Gốc của vấn đề vấn là chất lượng quy hoạch kém, tổ chức thực hiện quy hoạch không nghiêm"- Đại biểu Lâm nêu vấn đề.

Theo đại biểu đoàn Bắc Giang, vấn đề đặt ra đó là cần khắc phục chất lượng quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch. Trong đó, giải pháp trước mắt đề ra là cần khắc phục những vấn đề nóng, bức xúc cho người dân như quy hoạch cấp thoát nước phải làm trước, làm khẩn trương. Vấn đề tắc đường phải giải quyết đồng bộ từ việc cấp phép xây dựng, quy hoạch đến tái định cư di dân. 

"Cần lo xử lý những việc thiết thực đang là hệ lụy, yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Đây là những vấn đề cấp bách mà người dân mong muốn. Những điều mà chúng ta nhìn thấy trước mắt thì cần giải quyết ngay. Còn về lâu dài thì cần tính toán nâng cao chất lượng quy hoạch", ông Lâm cho hay.

Đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn thành phố Hà Nội) cho hay, các dự án đô thị của Hà Nội được điều chỉnh quy hoạch trong thời gian vừa qua phát sinh rất nhiều bất cập như áp lực về gia tăng giao thông đô thị và áp lực lớn nhất đặt lên chính quyền địa phương tại khu vực là an ninh trật tự, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội. 

"Có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường. Qua đại dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ, chúng ta không thể tăng thêm một đồn công an hay một trạm y tế... Gánh nặng sẽ đặt lên chính quyền địa phương và ngân sách nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều năm để khắc phục và bảo đảm quyền lợi cho người dân. Trong khi nhà đầu tư được hưởng ngay hạ tầng sẵn có", đại biểu Trần Việt Anh nêu.

Ông cho rằng, cần có khảo sát đánh giá tác động của dự án đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định được điều chỉnh những năm gần đây để có góc nhìn chính xác về việc điều chỉnh quy hoạch.

Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp quốc tế, các quốc gia trong khu vực đã áp dụng, đó là chính sách chuyển quyền phát triển không gian với những lợi ích và cơ chế đem lại. Đó là tái phân bổ lợi ích vượt khỏi ràng buộc về vị trí, chính quyền nắm quyền kiểm soát để ràng buộc các bên giảm áp lực và có thêm nguồn lực.

(Theo Lao Động) Nhóm PV

Việc “băm” nhỏ quy hoạch đồng nghĩa sẽ có rất nhiều “miếng”. Cái hại thì hiện nay toàn thể cư dân chịu (ách tắc giao thông, úng ngập khi mưa…), còn trước đó ai đã hưởng lợi? Chỉ đơn giản làm một phép tính: một dự án chung cư 5-7 tầng nâng lên 30 tầng, mỗi tầng có thêm hàng chục căn chung cư, mỗi căn giá mấy tỷ đồng… cơ man là tiền cả. Thế này thì ai chả thích điều chỉnh qquy hoạch!? Vì thế, rút kinh nghiệm là cần thiết, nhưng là để cho người sau không làm theo. Còn những ai đã băm nát quy hoạch thì dứt khoát phải xử nghiêm, không thể “hạ cánh an toàn”!

Thương Giang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét