Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Chuyện làm từ thiện

 

CEO Vitamin Tour: Trong từ thiện, phải đặt mình ở vị trí phải giám sát của bản thân và người khác!  

Cập nhật lúc 10:28 

Từng công khai 7 bước kêu gọi quyên góp tiền từ thiện theo quan điểm cá nhân, anh Hoàng Đức Huy khẳng định: Cây ngay không sợ chết đứng, mà cây đang đứng không sợ chết ngay nếu minh bạch từ đầu. Đối với anh, làm từ thiện chuyên nghiệp rất khó, chẳng khác gì tổ chức hoạt động trong một doanh nghiệp.


"21h00 02/09/2021: Sau tròn 2 tháng Startup, Bánh mỳ Saigon 0đ nhận được 1.900.515.682đ từ gần 1700 Sharks. Minh Bạch thì không sợ Sao Thái Bạch. Sao Kê thì không sợ Sao La Hầu lẫn Kế Đô. 150 trang sao kê link trong comment đầu tiên."

Một status ngắn gọn, đầy đủ ý, vẫn mang phong cách hài hước ngày thường của CEO Vitamin Tour anh Hoàng Đức Huy được đăng tải vào buổi tối muộn thông báo tóm tắt kết quả hoạt động 2 tháng của tổ chức thiện nguyện Bánh mỳ Saigon 0đ do chính anh thành lập và quản lí. Ở bình luận đầu tiên, anh Huy thực sự để lại link 150 trang sao kê bản pdf...

Những ngày này, giữa "cơn bão" nghi ngờ về cách làm từ thiện của một số cá nhân, dồn dập những từ khoá "sao kê", "minh bạch" xuất hiện trên mạng xã hội, ít nhiều cũng khiến mỗi chúng ta cảm thấy niềm tin bị lung lay. Tranh thủ khi anh Huy có 1 tiếng nghỉ ngơi trước cuộc họp online buổi tối, chúng tôi đã trò chuyện với anh để cùng bàn luận về việc tạm ứng niềm tin và sự minh bạch.


 Tôi muốn ngủ ngon mỗi tối, tôi chọn minh bạch

 Tại sao anh lại đặt tên dự án là Bánh mỳ Saigon 0đ?

Là người miền Bắc, tôi rất ấn tượng với những xe bánh mỳ Sài Gòn ngày xưa bán dạo ngoài đường với lời rao thân thương làm sao "Bánh mỳ Sài Gòn năm ngàn một ổ, bánh mỳ Sài Gòn đặc ruột thơm bơ". Câu rao ấy cứ văng vẳng bên tai tôi rồi bỗng chốc "biến" thành phiên bản của riêng mình với từ ngữ phù hợp hơn, "Bánh mỳ Sài Gòn 0 đồng một ổ, bánh mỳ Sài Gòn đặc biệt thương nhau".

Một lí do nữa về tên của dự án, bánh mỳ, ban đầu, là thực phẩm chính khi chúng tôi đem tặng cho những người vô gia cư nằm co ro trên vỉa hè, dưới gầm cầu ở Sài Gòn. Từ bánh mì kẹp truyền thống, sau đó chúng tôi chuyển sang bánh mì ruốc/bơ sữa đóng gói, xúc xích, sữa đặc, nước suối để có thể tiết kiệm thời gian đến được với nhiều hoàn cảnh hơn. Nhưng, thời điểm hiện tại, chúng tôi tập trung hỗ trợ gạo, đồ hộp, sữa và rau củ quả tới các xóm lao động nghèo, xóm ve chai.

Khi dự án khởi phát, mấy anh em tự bỏ tiền túi mua mấy trăm ổ bánh mì, tự chuẩn bị nguyên liệu rồi nướng bánh, đem đi phát. Tôi có tham gia một buổi nhưng sau 3 tiếng đồng hồ chạy xe máy ngoài đường cùng anh em, tôi đã quyết định kêu gọi cộng đồng cùng quyên góp giúp đỡ. Một buổi tối bình thường, mình ở trong nhà, bật máy lạnh, xem TV, đâu có hình dung được sự khốc liệt của dịch bệnh lần này ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của những người nghèo ở Sài Gòn. Tôi không ngờ mấy trăm ổ bánh mỳ đã phát hết trên một đoạn đường ngắn. Tôi thấy tội Sài Gòn quá, thú thực, tôi đã rơi nước mắt, buổi tối hôm ấy.

 Các bạn tình nguyện viên được hỗ trợ ra sao, thưa anh?

Vì là hoạt động tình nguyện phi lợi nhuận nên các bạn không được hỗ trợ nhiều đâu, ngoài đồ bảo hộ, găng tay y tế, khẩu trang N95 đạt chuẩn, mặt nạ chắn giọt… Mà có khi cho, các bạn cũng chẳng lấy; thiếu đồ, các bạn còn mua thêm hay thấy tội người ta, các bạn lại rút tiền cho. Tôi tự hào và biết ơn, bởi một trong những thành công của dự án là các bạn tình nguyện viên vô cùng nhiệt tình, không quản ngại khó khăn. Cứ sau giờ làm, chúng tôi lại tới điểm tập kết để phân chia công việc.

Chẳng có ai trong số các bạn là người Sài Gòn gốc đâu, người Hà Nội, Nghệ An, người lại từ miền Tây… Một vài bạn là nhân viên của tôi, số khác là giáo viên, doanh nhân, người về hưu, người nước ngoài, người quen của tôi hoặc người tôi chưa bao giờ gặp… Không ai trong chúng tôi giàu có cả, nhưng chúng tôi vẫn đang có công việc. Chúng tôi, đơn giản, tập trung lại để làm một việc tốt.


Khi bắt tay vào một dự án thiện nguyện mang tính chất cộng đồng, anh đã từng nhắc nhở bản thân về 2 chữ "minh bạch" bao giờ chưa?

Người ta hay nói phải tin nhau, nhưng tôi không thích nói suông. Tôi chọn đưa ra các biện pháp, hành động cụ thể bởi niềm tin phải được bảo vệ, được tôn trọng, bằng các nguyên tắc. Mình càng được biết tới, được tin tưởng, phó thác, mình càng phải giữ gìn niềm tin ấy một cách tốt nhất.

Ban đầu, chúng tôi muốn tự bỏ tiền túi nhưng càng đi trên đường, chúng tôi càng "tham" muốn giúp đỡ được nhiều người. Vì thế, kêu gọi cộng đồng quyên góp là giải pháp của tôi vì ít nhiều tôi đã có kinh nghiệm gọi vốn hay quản lí một số dự án thiện nguyện khác, còn bạn bè tôi kêu gọi người thân, đồng nghiệp. Nếu 100% tiền tài trợ là tiền cá nhân của tôi, có lẽ sẽ không một bức hình nào được đưa lên mạng hay công khai địa chỉ. Vì từ tận đáy lòng, tôi nghĩ không một ai muốn bị ghi lại những phút giây khó khăn trong đời.

Nhưng một khi đã nhận 100 đồng của người ngoài, tôi ý thức rất rõ mình cần phải minh bạch ngay từ đầu, tránh để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", người ta đòi sao kê mình mới rối rít làm. Tôi muốn bảo vệ niềm tin của mọi người dành cho mình, cho dự án và cho cộng sự. Mình phải hiểu một khi mình dùng tiền của người ta, mình phải có trách nhiệm báo cáo. Mình phải rõ ràng chứ. Buổi tối muộn ngày 2/7, khi quyết định kêu gọi trên Facebook, tôi đã nói dự án này tôi bảo lãnh bằng uy tín, danh dự của mình.


Làm từ thiện nếu tự phát rất dễ dẫn tới những sự cố đáng tiếc. Anh nhận định như thế nào?

Ngày xưa bố tôi hay dạy, nếu muốn mình tránh khỏi những sai phạm thì mình luôn luôn phải đặt mình trong sự phải giám sát: thứ nhất, tự mình giám sát chính mình bằng các giá trị đạo đức; thứ hai, thông qua các nguyên tắc để người khác giám sát. Có những chuyện nếu chỉ để mình mình biết, dễ sinh cám dỗ lắm. Tôi không quy chụp ai, không nghi ngờ ai, nhưng chuyện đó có thể xảy ra nếu bản thân không chiến thắng được.

Khi học ngành quản trị kinh doanh ở Anh - tại một đất nước sở hữu nền tảng từ thiện hoàn chỉnh, tôi biết họ có các tổ chức nghiên cứu riêng về tim, về ung thư…, thậm chí còn mở cửa hàng khắp cả nước để bán vật phẩm, trao đổi món đồ cũ, thu nguồn tiền đóng góp cho quỹ từ thiện và các hoạt động đó đều được giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có hành lang pháp lí rõ ràng hay cơ quan nào hướng dẫn người dân nên làm từ thiện ra sao, tất cả các hoạt động từ thiện phần lớn đều xuất phát thuần tuý bằng niềm tin theo nguyên tắc uỷ quyền dân sự.

Những KOL, người nổi tiếng đứng ra kêu gọi cộng đồng quyên góp, được xã hội tạm ứng niềm tin vì thực tế, khán giả đâu biết rõ họ là ai, sống như thế nào đâu, phần lớn cũng chỉ gặp trên TV hay sân khấu mà thôi. Bởi vậy, tôi nghĩ chỉ số ít những người quyên góp tiền cho Bánh mỳ Saigon 0đ biết rõ tôi ngoài đời thật ra sao. Tôi trân quý điều đó, dù là 100 đồng hay một bó rau, nên đã cầm tiền của mọi người, tôi và các cộng sự chỉ làm theo một quy tắc duy nhất: trực tiếp, mua bán trực tiếp và trao tay trực tiếp cho người cần nhận. Nhiều người tâm tốt thật đấy nhưng cảm tính đi trước lí trí, lúng túng không biết phân chia ra mình cần làm những bước gì.

Thật lòng mà nói, cuộc sống của tôi rất bận rộn, tôi đồng thời tham gia điều hành 3 doanh nghiệp và giảng dạy tại Đại học FPT. Với Bánh mỳ Saigon 0đ, tôi thấy thương Sài Gòn nên tôi động viên mình cố gắng. Chọn minh bạch ngay từ đầu bởi tôi không muốn điều tiếng, lăn tăn, tôi muốn ngủ ngon mỗi tối.

 Chúng tôi đầu tư vào Bánh mỳ Saigon 0đ bằng niềm tin và tình yêu thương với đồng bào

Vậy anh vận hành Bánh mỳ Saigon 0đ ra sao?

Tôi tổ chức nó như thể một doanh nghiệp phi lợi nhuận, có thể nói tôi vận dụng cả kiến thức quản trị của mình cũng như kinh nghiệm quản trị công ty. Tôi hay gọi vui là start up Bánh mỳ Saigon 0đ và các nhà hảo tâm là các Sharks, có kế toán ghi nhận thu chi, có bộ phận logistics, có thủ kho, có người phụ tráhc mua hàng, có quản lí đội tình nguyện viên, có ngừoi lập kế hoạch hoạt động mỗi ngày…

Tổ chức của chúng tôi có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, chẳng hạn tôi là người kêu gọi quyên tiền - tôi không có quyền mua bán bất cứ mặt hàng nào hay rút tiền mặt. Giá cả mọi thứ công khai, ai có nguồn nào thì thả vào group chat chung, nơi nào tốt nhất, rẻ nhất thì mua; tôi duyệt giá trên công ty thế nào thì ở đây cũng vậy. Tiền từ thiện đâu phải cứ nhắm mắt vào mua, cứ đảm bảo đúng quy cách, chất lượng chúng tôi mới chi tiền! Một thùng sữa đi khỏi kho của chúng tôi ít nhất phải được tôi đồng ý, sau đó qua thủ kho, được ghi chép cẩn thận, ngày tháng, khu vực cứu trợ, tên tình nguyện viên để nắm được quy trình. Những khu vực có F0, F1 nhiều, khó tiếp cận được, người đại diện nhận cứu trợ phải có trách nhiệm chụp lại cho chúng tôi đúng số lượng để mình lưu lại làm báo cáo.

Bản thân nội bộ chúng tôi có những bước kiểm tra chéo nhau. Trộm vía, mọi hoạt động bây giờ vẫn đang diễn ra suôn sẻ, và trong tầm kiểm soát. Ai mà chẳng sợ chuyện bị nghi ngờ, sợ chứ! Tôi rất thích một câu nói trên mạng: Mùa dịch này những việc làm từ thiện như muối bỏ bể nhưng dù chỉ là một hạt thì nó vẫn mang vị mặn. Ai làm gì được thì cứ làm, làm nhỏ cũng được, làm lớn cũng được, chúng tôi cứ thế mà xông lên thôi.


Anh còn điều gì hối tiếc khi tham gia hoạt động thiện nguyện này không?

Có chăng, tôi chỉ ước mình có nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Nhưng đó là vì tính chất cấp thiết của dịch bệnh, các thành viên của Bánh mỳ Saigon 0đ cũng đã nỗ lực hết mình. Bản thân tôi hiếm khi hối tiếc lắm, cũng bởi lí do nghề nghiệp. Nếu tôi vội vàng, hấp tấp thì quyết định của tôi còn ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp và các nhân viên của mình.

Với tôi, Bánh mỳ Saigon 0đ là công ty đặc biệt nhất mà tôi từng quản trị - đặc biệt ở nơi sứ mệnh, sự phó thác. Chúng tôi đầu tư vào đây không chỉ bằng tiền mà còn bằng niềm tin, sự kì vọng của bạn bè, người thân và cả những người chưa gặp bao giờ để đến những nơi cần đến.

Nhiều hôm đi đến 6-7 xóm trọ lao động tận ngoại thành, tôi chợt nghĩ, hay đi về vì mình mệt lắm rồi. Nếu là công ty của tôi, tôi sẽ về nhà nghỉ đấy, tiền không kiếm hôm nay thì mai kiếm. Nhưng Bánh mỳ Saigon 0đ khác, nếu tôi cố gắng một chút thì rất nhiều người được no bữa tối hôm ấy. Với mình, có khi chả đáng gì. Nhiều người họ cầm mấy vỉ sữa, hộp cá mà mừng, nhảy cẫng lên; hơn thế nữa, họ cảm thấy không còn đơn độc. Họ chẳng cần phải nói cảm ơn, có những người cầm bao gạo rồi chạy tọt vào nhà, mình không có thời gian đâu mà giận; mình lại thấy vui và mong muốn việc tốt cần được lan toả nhiều hơn.

Anh có ngại khi là một CEO nhưng đích thân mình đi làm từ thiện không?

Trong chuyện làm việc tốt, nào đâu có phân biệt giám đốc hay nhân viên, vì tất cả chúng ta đều là con người. Vả lại, từ trước tới nay, phong cách lãnh đạo của tôi trong công việc: cứ việc gì khó nhất, các sếp phải tiên phong làm đầu tiên.

Tôi có ranh giới rõ ràng lắm: trước 5h chiều, tôi ăn lương của công ty, làm việc của công ty, sau 5h đó, tôi muốn làm những gì mình cần phải làm. Các cộng sự trong tổ chức Bánh mỳ Saigon 0đ rất tin tưởng tôi. Những chỗ nào nguy hiểm, tôi đều nói mình sẽ vào; tôi không ví mình là siêu nhân nhưng tôi nghĩ mình đứng đầu tổ chức, phải có trách nhiệm cao nhất nên mình cần làm việc đó. Một việc khó, sếp không làm được, tại sao lại bắt nhân viên làm, phải không? Ở công ty, tôi thỉnh thoảng vẫn chùi toilet bình thường và lúc nào cũng sạch rất lâu (cười).

 Nói thật, bản thân anh có sợ nhiễm bệnh không?

Có, tôi biết sợ chứ! Nhưng tôi không chủ quan, không bi quan, luôn sẵn sàng trong mọi tình huống. Có những khi, vì đi nhiều quá, rồi trên đường vắng lặng nhiều khi chỉ có xe cấp cứu và xe chở quan tài nên tôi bị stress, về nhà phải ngồi thiền để tĩnh tâm lại.

Bố tôi rất lo cho thằng con trai, lại ở cách xa con. Tôi hiểu nhưng, đã sợ thì không làm, mà đã làm thì không sợ. Trong giai đoạn này, tất cả chúng ta nên chung tay để đoàn kết. Bản thân tôi luôn quan trọng chất lượng cuộc sống hơn thời lượng cuộc sống, đâu ai biết ngày mai sẽ ra sao nhưng cứ hết mình là được. Sự lạc quan chính là tài sản quan trọng nhất của mỗi chúng ta.

 


Cám ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc anh thật nhiều sức khoẻ để làm nhiều việc tốt hơn nữa!

(Theo Cafebiz.vn) Ninh Linh

Thiết kế: Thu Huyền

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét