Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Pháp luật pòng chống tham nhũng

 

Phong tỏa tài khoản từ khâu thanh tra: Chặn đường tẩu tán

 Cập nhật lúc 09:02

  Theo ông Nguyễn Túc, những giải pháp được đưa ra để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là rất chuẩn xác.

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Trong Chỉ thị này, một trong những giải pháp mà Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện là rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt...

Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao những giải pháp mà Ban Bí thư đưa ra để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đặc biệt, ông thấy rất mừng khi những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và cá nhân ông liên quan đến việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản từ khi điều tra, phát hiện tham nhũng đã được ghi nhận kịp thời.

 Phong toa tai khoan tu khau thanh tra: Chan duong tau tan 

Trong vụ án Vinashin, Giang Kim Ðạt đã tẩu tán nhiều tài sản ra nước ngoài và cho người thân.

Theo ông Nguyễn Túc, thời gian qua tài sản của Nhà nước và nhân dân bị mất mát, thất thoát nhiều do sự chậm trễ trong ban hành các quy định pháp luật để đáp ứng tình hình thực tế. Các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều mánh khóe tinh vi để hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng, như chia nhỏ, chuyển chúng cho người thân, họ hàng hoặc tẩu tán ra nước ngoài từ trước khi đối tượng bỏ trốn, khiến việc xét xử, thu hồi tài sản khó khăn.

Vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dẫn một loạt vụ án và đối tượng phạm tội minh chứng cho điều này, như Hồ Thị Kim Thoa, ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy, Vũ Đình Duy, Giang Kim Đạt...

 Trong vụ án Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh công ty Vinashinline, đối tượng tẩu tán tài sản rất tinh vi. Gần 19 triệu USD bị Đạt chiếm đoạt đã được đối tượng này tẩu tán không ít cho người thân và tuồn ra nước ngoài khiến việc đấu tranh và thu hồi tài sản gặp khó khăn.

Theo cơ quan chức năng, việc đứng tên tài sản và chuyển tiền đều được Đạt thực hiện rất kín kẽ. Đạt không tự đứng ra mở tài khoản nhận tiền mà thông qua người thân trong gia đình, cụ thể là bố của Đạt, thực hiện mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Sau đó, bố Đạt rút khoản tiền này để mua bán bất động sản và nhiều tài sản khác. Ngoài ra, một lượng tiền không nhỏ được Giang Kim Đạt tuồn ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Túc cũng nhắc lại vụ án Đinh La Thăng và cho rằng lẽ ra trong quá trình điều tra, xét xử, cơ quan tố tụng phải tiến hành kê biên tài sản liên quan đến ông Đinh La Thăng chứ không phải đợi đến khi tòa đã tuyên án, cơ quan thi hành án mới bắt đầu xác minh tài sản của ông này để thi hành án.

Động thái này, theo ông Túc, là quá muộn, chẳng khác nào "thả gà ra đuổi" và khó khả thi. Bản thân các đối tượng phạm tội khi thấy có "động tĩnh" hay nguy cơ mình có thể bị pháp luật "'sờ" tới đã nhanh chóng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản tham nhũng. Do đó, ngay ở thời điểm thanh tra, điều tra, cơ quan chức năng cần kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng.

"Thời điểm đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có chứng cứ nhất định. Nếu sau khi xác định không có hành vi phạm tội thì mở lại tài khoản cho họ", ông Túc nói.

Từ chỉ thị hết sức kịp thời của Ban Bí thư, ông Nguyễn Túc cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần nhạy bén hơn nữa với tình hình đất nước hiện nay, không chỉ trong phòng chống tham nhũng mà trong mọi hoạt động của đời sống, vì trong nền kinh tế thị trường, có rất nhiều mánh khóe có thể thực hiện. Việc nắm bắt tình hình nhanh nhạy giúp chúng ta có những quyết sách kịp thời, đáp ứng được mong muốn của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý đến vấn đề nổi cộm gần đây, đó là những tội phạm mới - lợi dụng công nghệ thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hay lợi dụng lòng tốt của người dân để kêu gọi từ thiện, qua đó ăn chặn tiền từ thiện của người dân.

"Trong khi chưa có luật thì chúng ta cần có những quy định mà ở đó phải nắm bắt kịp thời tình hình, giúp các cơ quan chấp hành pháp luật dễ làm việc hơn", ông Nguyễn Túc đề nghị.

(Theo Đất Việt) Thành Luân

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét