Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Đề xuất có Bảo tàng Hoàng cung: Rất không nên…

Cập nhật lúc 15:30               

 “Bất kỳ sự phá bỏ hay di dời một dấu tích nào trong không gian di sản Hoàng thành Thăng Long cũng có nguy cơ xâm hại đến di tích này”.

Trước những đề nghị phục dựng lại Điện Kính Thiên; Tu sửa, nâng cấp tòa nhà Vaxuco ở góc đường Hoàng Diệu - Phan Đình Phùng do Bộ Quốc phòng đang quản lý làm nơi trưng bày hiện vật với tên gọi: Bảo tàng Hoàng Cung, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bày tỏ nhiều băn khoăn.


Hoàng thành Thăng Long tự thân đã là một bảo tàng.  

Đặt câu hỏi liệu việc bảo tồn di tích có cho phép xóa bỏ các di tích khác để phục dựng lại Điện Kính Thiên hay không, vị chuyên gia khẳng định, không ai lại làm cái việc dựng lên cái chưa biết, cái ‘không thực’ trong khi phá đi cái có thực!  Bất kỳ sự phá bỏ hay di dời một dấu tích nào trong không gian di sản Hoàng thành Thăng Long cũng có nguy cơ làm méo mó lịch sử, xâm hại đến di tích quốc gia đặc biệt này.
Báo Đất Việt xin trân trọng đăng tải quan điểm của vị chuyên gia hàng đầu về bảo tàng tại Việt Nam.
Hoàng thành Thăng Long tự thân đã là một bảo tàng
Ngay từ lần khảo cổ năm 2002, Hoàng thành Thăng Long đã gây chấn động không chỉ với giới khảo cổ trong nước mà với cả thế giới. Hoạt động khảo cổ đã phát lộ hàng loạt di tích, di vật thuộc các thời kỳ khác nhau xuyên suốt, liên tục từ thời Đại La, Đinh, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn… Dấu vết các tầng văn hóa rõ nét, hiện vật giầu có, đa dạng tự nó đã chứng minh nhận xét khoa học của UNESCO khi công nhận di tích Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới: “Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động”.
Bản thân khu di tích Hoàng thành đã vừa là di tích vừa là một bảo tàng khổng lồ. Ở đây, các tầng văn hóa chồng xếp, đan xen với các di tích kiến trúc; các giếng nước, cống thoát nước, tường bao các cung điện. Khối lượng di vật khổng lồ gồm vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, vật dụng cung đình, vũ khí, tiền đồng hiện diện cùng dấu tích cảnh quan “ngự hà”, hồ nước qua các thời kỳ lịch sử từ thời Bắc thuộc cho tới thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ,… Tất cả đã tạo nên một quần thể di tích tổng hợp đặc sắc, có một không hai.
Mặc dù chúng ta đã có một di sản có giá trị nổi bật toàn cầu, đặc biệt quý hiếm nhưng phải thừa nhận một thực tế buồn: chúng chưa được phát huy và bảo vệ một cách tốt nhất, tương xứng với giá trị của di sản. Thế nhưng, việc xây dựng Bảo tàng Hoàng Cung hay phục dựng điện Kính Thiên có giúp cải thiện thực tế nói trên?
Về bảo tàng Hoàng Cung, như quan điểm đã nêu, di tích Hoàng Thành vốn đã là một bảo tàng khổng lồ và đặc biệt. Mặt khác, rất nhiều di vật khai quật được hiện đang trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Đây thực chất đã là một bảo tàng tuyệt vời rồi, khó có thể tạo ra một khu trưng bày nào vượt qua được. Nếu làm thêm một bảo tàng khảo cổ học nữa, đó là lãng phí, là sự lặp lại vì tạo ra 2 bảo tàng giống nhau.
Về đề xuất phục dựng lại Điện Kính Thiên, dường như, đây là một đề xuất không cần thiết. Không thể vì muốn phục dựng Điện Kính Thiên của một thời kỳ phong kiến mà xóa bỏ những dấu tích của các thời kỳ khác được. Điện Kính Thiên chỉ là một dấu tích của một triều đại trong lịch sử phát triển Việt Nam, tất cả đều phải được tôn trọng bảo vệ như nhau.
Hơn nữa, về mặt nguyên tắc, bảo tồn di tích có cho phép xóa bỏ các di tích khác để phục dựng lại Điện Kính Thiên của một thời kỳ hay không? Mặt khác, trong tình huống này, chúng ta sẽ dựng lại cái chưa biết, cái ‘không thực’ trong khi phá đi cái có thực. Đây là điều cần cân nhắc rất thận trọng.
Bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản như thế nào?
Về vấn đề bảo tồn và phát triển di tích Hoàng thành Thăng Long, cần phải làm tốt, giải quyết ngay 3 vấn đề:
Thứ nhất là giữ gìn khu khảo cổ học ngoài trời tránh bị xuống cấp, hư hỏng di vật do nhiều yếu tố như khí hậu, mưa nắng, ẩm mốc.
Thứ hai, coi trưng bày dưới hầm Nhà Quốc hội như một bảo tàng của Hoàng thành mà không được chia cắt, biệt lập nó với toàn bộ di tích. Cố gắng sử dụng, phát huy thật tốt vai trò cũng như vị thế của bảo tàng này; làm việc với các cơ quan hữu quan để bảo tàng này trở thành nơi đón khách thường xuyên của Hoàng thành.
Thứ ba, giữ gìn và sử dụng hiệu quả các công trình do Pháp xây dựng, tận dụng một số tòa nhà này làm nơi trưng bày về Bộ Tổng Tham mưu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phát huy thật tốt những giá trị di sản mang lại.
Về giải pháp thứ ba, tôi muốn được giải thích rõ hơn. Theo quan điểm của tôi, so với đề xuất phục dựng Điện Kính Thiên hay xây Bảo tàng Hoàng cung, việc có một bảo tàng về Bộ Tổng chỉ huy thời kỳ chống Mỹ cần kíp, thực tế hơn và hiệu quả hơn nhiều.
Tòa nhà và hầm D67 chính là Tổng hành dinh – là nơi đã đưa ra những quyết định lịch sử đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ đây đã phát đi những mệnh lệnh chỉ đạo chiến dịch tổng tấn công giải phóng miền Nam, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khu hầm lớn nhất nằm dưới khoảng sân nối giữa Điện Kính Thiên và nhà D67 là khu dành cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Ở đây còn có đường dẫn xuống hầm từ phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Khu vực này còn có những tòa nhà là nơi làm việc của Bộ Tổng Tham mưu, Cục Tác chiến, Cục Tình báo, các cơ quan chính trị, hậu cần… nhưng hầu như từ trước tới nay lại chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay có tòa nhà cho thuê làm nơi giới thiệu sản phẩm đá quý, có tòa nhà còn bỏ không hay định di dời đi chỗ khác.
Tôi cho rằng, phải ưu tiên phục dựng ngay một bảo tàng về Bộ Tổng Chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngay trong những căn nhà được làm từ thời Pháp mà các cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu đã làm việc ở đó. Những nhân chứng sống đã từng làm việc ở đây trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ và sau này cả cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc không còn nhiều và tuổi đều đã cao. Việc này nếu không làm ngay sẽ không còn thời gian và không có cơ hội để phục dựng lại nữa.
Ngoài ra, việc phục dựng lại không khó khăn, không mất nhiều thời gian, công sức. Các tòa nhà nói ở trên chính là chứng tích hiện hữu, chỉ cần sửa chữa, nâng cấp lại và tổ chức trưng bày cho tốt, chắc chắn sẽ thành những bảo tàng hiện hữu vô cùng giá trị.
(Theo Đất Việt) Vũ Lan lược ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét