Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

 Cửa phật ăn mày
Cập nhật lúc 09:35       

Trong tiềm thức nhiều người cao tuổi, hình ảnh những người ăn mày xưa thường rách rưới, gầy gò, bên mình luôn có bị gậy và chiếc nón rách. Họ thường ngồi đầu đường xó chợ, nơi đông người qua lại, ngửa chiếc nón ra cùng với mấy câu cửa miệng “lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, làm ơn làm phúc cho tôi xin miếng cơm, vài xu bạc lẻ…”.
Những người ăn mày đúng là phận “bần cùng bất đắc dĩ” chẳng ai muốn làm, chỉ vì hoàn cảnh khốn quẫn.

Còn câu “ăn mày cửa phật” thì có tích kể rằng một ông lão ăn mày theo đoàn người đi lễ, đến cửa phật gặp vị tăng đã cầu xin đức Phật ban phát sự công bằng và mong được bằng với những người giàu sang đang lễ cầu tại đây. Vị tăng nói đại ý rằng họ cũng chỉ là những kẻ ăn mày mà thôi, ông cứ thử lại gần nghe xem họ cầu xin thì biết. Làm theo lời, ông lão ăn mày tới gần những người đó nghe và nhận ra không chỉ mình, tất cả những người tưởng giàu sang phú quý nhưng cũng thiếu đủ thứ phải cầu xin, kể cả sức khỏe, hạnh phúc…
Ngày nay, đến bất kì di tích đền chùa miếu mạo nào cũng bắt gặp hình ảnh những chiếc hòm công đức. Nơi càng nhiều khách vãng lai thì hòm công đức cũng như “đông đúc” theo. Tại mỗi nơi có bát hương không thể thiếu chiếc hòm công đức đứng bên cạnh.


Hòm công đức san sát tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội

Xét về bản chất, chiếc hòm công đức cũng chẳng khác gì chiếc bị cói hay tấm nón rách của lão ăn mày kể trên - tất cả đều để đựng những thứ bố thí từ khách vãng lai. Và vì vậy nơi cửa phật nay không chỉ có những kẻ đến ăn mày, chính nhà phật cũng đang đẩy mạnh việc “ăn mày”!
Chiếc hòm công đức tuy phận “ăn mày” nhưng có thể mang lại cho các chùa nhiều và có thể là rất nhiều tiền. Nhưng sao tại chốn thanh tịnh, từng mong thoát tẩy mọi tham, sân, si lại luôn cần nhiều tiền như thế? Nếu có cần chăm sóc, trùng tu, chỉnh trang thì cũng “năm thì mười họa” đâu phải việc thường xuyên? 


Chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) cổ kính, thanh tịnh, tuyệt nhiên không có hòm công đức.

Những năm qua tại nhiều đền chùa, di tích lịch sử từng xảy ra những lùm xùm việc thu chi tiền công đức bởi thiếu vắng hệ thống quản lí theo pháp luật nguồn tiền không nhỏ này. Không ít những ngôi chùa mà sư trụ trì sở hữu xe sang, cở tấm áo cà sa ra là khó phân biệt nhà sư hay đại gia. Không biết nguồn tiền nhiều có làm cho di tích thêm đẹp, thêm danh tiếng hay không nhưng nguy cơ đồng tiền sẽ tha hóa nhân cách con người thì ở đâu cũng có.
Đã đến lúc cơ quan quản lí văn hóa, tôn giáo và giáo hội phật giáo cần nghiêm túc nhìn nhận việc này, ngồi lại để cùng nhau tìm ra giải pháp duy trì hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các chùa chiền, di tích bảo đảm lành mạnh, đúng tôn chỉ mục đích.
Nếu cứ để thực trạng này, chiếc hòm công đức sẽ làm xấu xí những nơi tôn nghiêm và rất có thể cửa phật trở thành chốn ăn mày có tổ chức!/.
(Theo dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét