Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Quỹ “nhân tai”

Cập nhật lúc 15:07              

Nếu một thứ quỹ “Không cần thiết, lãng phí, tốn kém”, và quan trọng nhất: Thiếu minh bạch, thậm chí được coi như một thứ “nhân tai” thì còn để nó tồn tại làm gì?

Những chữ trong ngoặc kép là những nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong một văn bản chính thức đề nghị bỏ quỹ phòng chống thiên tai.
Dẫn thực tiễn thu quỹ từ 52 tỉnh, thành trong 5 năm qua, VCCI phân tích sự thiếu công bằng.
Có 7 địa phương có thu, nhưng chi gần như không đáng kể: Bắc Kạn (thu 15 tỉ đồng, chi 37 triệu đồng), Vĩnh Phúc (thu 14 tỉ đồng, chi 712 triệu đồng), Hải Phòng (thu 47 tỉ đồng, chi 610 triệu đồng), Kon Tum (thu 10,6 tỉ đồng, chi 800 triệu đồng), Gia Lai (thu 13,4 tỉ đồng, chi 662 triệu đồng), Vũng Tàu (thu 26,7 tỉ đồng, chi 15 triệu đồng), Sóc Trăng (thu 7,5 tỉ đồng, chi 412 triệu đồng).
7 địa phương chỉ thu chứ không chi. Điện Biên (thu 8 tỉ đồng), Yên Bái (thu 3,4 tỉ đồng), Hải Dương (thu 9,8 tỉ đồng), Hà Nam (thu 18 tỉ đồng), Ninh Bình (thu 10,5 tỉ đồng), Quảng Ngãi (thu 4,6 tỉ đồng), Lâm Đồng (thu 13,6 tỉ đồng).
Không công bằng, bởi trong khi có những DN phải nộp hàng trăm triệu đồng thì nhiều DN khác lại không bị thu một xu. Mà lại “không có lý do vì sao lại có sự khác biệt”.
Không công bằng, bởi trong khi nhiều địa phương thu quỹ thì thậm chí đến nay 2 tỉnh, TP không thành lập được quỹ; 8 tỉnh, thành phố khác không tiến hành thu tiền cho quỹ.
Sau khi nộp quỹ, những người đóng quỹ cũng không hề biết số tiền mình đóng được chi như thế nào, chi vào việc gì, chi có đúng không.
Những con số cũng cho biết: Trong số thu được trên cả nước, lại mới chỉ sử dụng 918 tỉ đồng và còn tồn dư 1.442 tỉ đồng. Tức là chi chỉ bằng 39% tổng số thu. Nói cách khác, 1.442 tỉ đồng tiền đáng lý ra được sử dụng trong nền kinh tế thì hiện đang bị “đóng băng” trong quỹ.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ luôn kiên trì với quyết tâm gỡ khó cho DN. Kiên trì từ việc cải thiện môi trường kinh doanh, bãi bỏ các giấy phép con mang tính thòng lọng, kiên trì trong việc giúp đỡ DN tiếp cận nguồn vốn cũng như bãi bỏ các chi phí không cần thiết, không chính thức làm suy yếu khả năng cạnh tranh của DN.
Nhìn vào những phân tích của VCCI, việc thu quỹ phòng chống thiên tai bằng định mức tính trên “tỉ lệ % trên tổng tài sản DN”; 1 ngày lương tối thiểu vùng của lao động có lương và thậm chí cả đối với lao động không lương cho thấy nó đang thực sự là gánh nặng.
Và đúng, đã đến lúc chấm dứt thứ quỹ không cần thiết, vừa lãng phí, vừa tốn kém, vừa thiếu minh bạch khi “danh nghĩa thiên tai” của nó đang đúng là một thứ “nhân tai” với DN.
(Theo Lao Động) ANH ĐÀO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét