Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

2,7 tỷ sửa điểm'vô chủ': Cần Bộ Công an điều tra làm rõ

Cập nhật lúc 14:31    

Tiền đi phải có vết, không tự nhiên có tiền từ trên trời rơi xuống được.

Bà Lê Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc cơ quan điều tra Hà Giang, Sơn La phải trả lại hồ sơ, yêu cầu bổ sung thêm chứng cứ quan trọng trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 khi còn nhiều điểm chưa rõ là rất cần thiết.


Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, Hà Giang nhiều điểm mờ chưa được làm rõ. Ảnh: CafeF
Bà Thu Ba nhắc lại những thông tin đã được công khai trên các phương tiện truyền thông. Theo đó, tại vụ án ở Sơn La, vụ việc đang mắc ở chỗ: Phụ huynh chỉ "nhờ xem điểm", thậm chí có người chẳng nhờ, vậy mà 8 bị can lại tự nguyện "nâng điểm" cho 44 thí sinh, để rồi vừa phải vào vòng lao lý, vừa phải nộp lại 2,7 tỉ đồng "tiền do vụ lợi mà có".
Chính điểm mờ này mà cơ quan chức năng đã không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can về tội nhận hối lộ. Bên cạnh đó những trường hợp liên quan đến tội danh đưa hối lộ và môi giới hối lộ cũng không được chứng minh.
Còn ở vụ việc của Hà Giang, hồ sơ cũng bị trả lại do không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án do không ai thừa nhận đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm mà chỉ giúp do quan hệ bạn bè.
Tuy nhiên, những thông tin trên đang khiến dư luận đặt ra nhiều băn khoăn. Bà Lê Thu Ba nhấn mạnh, không một cán bộ giáo dục nào tự nhiên đi nâng điểm cho thí sinh, để chịu mất việc làm, mất uy tín, danh dự, đẩy bản thân phải vướng vòng lao lý chỉ vì lòng nhân đạo.
"Ở đây nhất thiết phải làm rõ số tiền 2,7 tỷ đồng được nộp lại cho cơ quan chức năng là ở đâu ra? Vì sao nộp lại?
Nếu không có đưa - nhận hối lộ thì số tiền 2,7 tỉ đồng được nộp lại cho cơ quan điều tra vì lý do gì? Vì sao cán bộ vi phạm phải nộp lại số tiền này?
Ở chiều ngược lại, nếu không có người đưa tiền thì cán bộ vi phạm lấy tiền ở đâu để nộp?
Phải có nhận thì mới có đưa. Phải nhận thì mới phải bồi hoàn, khắc phục. Không có ai không làm mà vẫn tự nguyện nộp tiền xin khắc phục cả", bà Ba chỉ thẳng. 
Theo vị nguyên lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, muốn làm rõ việc này không hề khó.
"Tôi lấy ví dụ, trong vụ việc ở Sơn La có 4/8 bị can đã khai nhận cụ thể việc nhận tiền của một số phụ huynh, người trung gian để giúp sửa bài, nâng điểm cho thí sinh; có phụ huynh thì hứa hẹn sẽ đưa tiền sau khi biết kết quả của thí sinh.
Như vậy, đã có người nhận và khai nhận tiền từ trung gian, môi giới, thậm chí nhận từ phụ huynh thì không có lý gì lại không làm rõ được trung gian đó là ai; nhận chuyển tiền từ ai cho ai; chuyển tiền vì mục đích gì?
Tiền đi phải có vết, không tự nhiên có tiền từ trên trời rơi xuống được.
Kết luận của các cơ quan điều tra buộc dư luận xã hội phải đặt ra câu hỏi, có sự bao che, dung túng, muốn khoanh lại vụ việc ở phạm vi hẹp, không muốn làm đến cùng hay không", bà Lê Thu Ba đặt vấn đề đồng thời yêu cầu được làm rõ.
Từ vụ việc, bà Ba cũng đặt vấn đề có nên mở rộng, yêu cầu chứng minh nguồn gốc thu nhập của những người liên quan hay không? Từ chỗ yêu cầu chứng minh nguồn thu nhập cũng có khả năng giúp quá trình điều tra phát hiện được nhiều vấn đề mới.
"Số tiền 2,7 tỷ đồng được nộp lại không phải quá lớn với một cán bộ, công chức bình thường nếu họ chủ ý tiết kiệm bằng lương để lo cho con. Tuy nhiên, khi hành vi đưa nhận tiền quá dễ dãi, thoải mái thì lại cần phải đặt ra nhiều giả thiết khác", bà Ba nêu quan điểm.
Từ đó, bà Lê Thu Ba cho rằng cần phải làm rõ vụ việc tới cùng. Ở đây, ngoài mục đích trả lại sự trong sạch, lành mạnh cho ngành giáo dục mà còn trả lại sự công bằng, trả lại lòng tin cho xã hội, người dân với ngành giáo dục.
Theo đó, bà đề nghị Bộ Công an, cơ quan điều tra ở cấp cao hơn cần phải vào cuộc để điều tra làm rõ.
"Lâu nay, những vụ việc tiêu cực xảy ra ở địa phương nếu để cơ quan điều tra địa phương điều tra sẽ rất khó làm rõ vì tâm lý nể nang, bao che, thậm chí còn do ràng buộc về lợi ích.
Vì thế, việc để một cơ quan cấp cao hơn vào cuộc là cần thiết", bà Ba nói.
Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần điều tra để làm rõ hành vi đưa - nhận tiền dựa trên những chứng cứ thu thập, điều tra được, không phải dựa trên lời khai có đưa hay không đưa của phụ huynh mà kết luận.
"Khi đã xác định được có người nhận, có tiền nộp mà không tìm được người đưa thì khó có thể thuyết phục được người dân, xã hội" - ông Thuận nhấn mạnh.
(Theo Đất Việt) Lam Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét