Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Tiếp dân, bao giờ được… nâng tầm?
Cập nhật lúc 09:03      

Chuyện tiếp dân của cán bộ với những điều tiếng về tính hình thức, ít hiệu quả có thể nhiều người đã cảm nhận được. Tuy nhiên, qua câu chuyện của một vị đại biểu Quốc hội chia sẻ “có vị cán bộ ở một địa phương chỉ dành 9 phút tiếp dân sau đó đi thẳng ra quán nhậu” khiến không ít người bất ngờ! Điều đó cho thấy quan điểm của một số “công bộc” việc tiếp dân là vô cùng… thứ yếu!

Khiếu kiện đông người tồn tại nhiều năm qua.

Hệ thống quy chế, quy định, quyết định… của Đảng, chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương khá đầy đủ, cụ thể. Thế nhưng thực trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài của người dân ở nhiều địa phương vẫn như chuyện “con kiến mà leo cành đa”. Nguyên nhân của thực trạng này không phải do quy định, thể chế mà lại ở ý chí chủ quan của con người, khi mà việc đối thoại, chia sẻ, đồng cảm với dân không là chuyện đáng quan tâm.
Có thể khẳng định, hầu hết người đi khiếu nại đều bởi dân chủ chưa được tôn trọng, quyền lợi bị xâm phạm hoặc việc giải quyết chưa thỏa đáng (trong đó chủ yếu là chính sách, pháp luật về thu hồi, bối thường đất đai). Chính quyền cơ sở không giải quyết thỏa đáng những khiếu nại, tất nhiên người dân phải tìm đến những cấp cao hơn. Do trách nhiệm bị đùn đẩy hoặc né tránh việc giải quyết thì người dân mới phải đeo bám vất vả hành trình đòi quyền lợi. Không ít cán bộ ngang nhiên thách thức người dân với ngầm ý “cứ kiện lên trung ương rồi cũng trở về đây mà thôi”. Tiếc rằng phần nhiều đúng như vậy!
Cho đến nay, hầu như chưa có nhiều cán bộ bị kiểm điểm hay xử lí kỉ luật vì không hoàn thành trách nhiệm tiếp và giải quyết khiếu nại của người dân. Có khi người dân khiếu nại bượt cấp đến ba bốn lần trả về địa phương nhưng cán bộ cũng chẳng hề hấn gì. Vậy thì làm sao họ cần phải sốt sắng giải quyết? Trong khi không ít vụ việc quyền lợi của người bị xâm hại lại có thể mang đến lợi ích của một số cán bộ đương quyền? Vì không coi trọng giải quyết khiếu nại nên hầu hết việc tiếp dân được ủy quyền cho cấp phó, thậm chí là người chẳng có chút thẩm quyền giải quyết.


Sau bùng nổ khiếu kiện ở Thủ Thiêm, lãnh đạo TP HCM đã trực tiếp đối thoại với dân.
Sau sự kiện bùng nổ bức xúc điểm nóng đất Thủ Thiêm, liên tục các lãnh đạo cao nhất của TP Hồ Chí Minh trực tiếp đối thoại, lắng nghe tìm hướng giải quyết đã từng bước lấy lại được niềm tin của người dân nơi đây. Có thể coi, đây là một bước “nâng tầm tiếp dân” của lãnh đạo thành phố này. Nếu địa phương nào cũng đặt việc gặp gỡ đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân để giải đáp, tìm hướng tháo gỡ cùng người dân thì sẽ chẳng xảy ra tình trạng khiếu nại đông người vượt cấp nhiều năm qua.
Đã đến lúc cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả việc xử lí, giải quyết khiếu nại của công dân ở tất cả các cấp. Cùng đó là có quy định, chế tài chặt chẽ, cụ thể xử lí nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra khiếu kiện dai dẳng, đông người. Khi người dân khiếu nại đúng mà không được giải quyết đến lần thứ 3 vẫn vượt cấp dứt khoát người đứng đầu cần được xử lí hoặc thay thế. Chỉ có vậy quyền lợi chính đáng của người dân mới có thể được bảo vệ và người dân không còn phận “leo phải cành cụt, leo ra leo vào”. 
 Theo blog dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét