Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

Y đức

 

Ăn tiền trên sự khốn cùng

Cập nhật lúc 09:01         

Ngày 4/11, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố vì liên quan đến những sai phạm của VN Pharma. Sự vô cảm, giàu có không chính đáng của một bộ phận quan chức ngành y phỉ báng và thách đố sự tử tế mà đội ngũ thầy thuốc theo đuổi, bảo vệ, cùng sự kỳ vọng của dân chúng.

Tôi từng là người nhà người bệnh, lại từng là người bệnh. Thói quen nghề nghiệp khiến tôi chú ý lắng nghe, quan sát, rồi suy ngẫm. 

Tôi thường đặt ra những câu hỏi, đại loại vì sao những bệnh nhân mới nhập viện thường hay bị rầy la, trách mắng? Vì sao y tá, điều dưỡng chích thuốc, thay băng cho người này thì nhẹ nhàng, êm ái, mà người kia, thì ngược lại? Vì sao bác sỹ chu đáo tận tình với người bệnh này mà thờ ơ nhạt nhẽo với bệnh nhân kia? Vì sao cũng một viên thuốc, một sợi dây truyền cùng loại mà giá cả trong khuôn viên bệnh viện lại cao hơn giá bên ngoài? 

Rồi có mối liên hệ nào giữa nhân viên cấp phát khăn ga áo quần cho bệnh nhân với vị giám đốc bệnh viện, và cao hơn nữa? Có mối liên hệ nào giữa sự giàu có nhanh chóng và đáng kể của những ông chủ hãng dược, thiết bị y tế với sự tuyệt vọng của những bệnh nhân cùng khổ, sự tha hóa, vô cảm và tham lam cũng rất nhanh chóng của những người được giao trọng trách quản lý ngành? Vân vân và vân vân… 

Không phải bây giờ, khi một loạt quan chức ngành y cùng với những ông chủ hãng dược lần lượt bị chỉ mặt điểm tên - trong đó có những cái tên khiến dư luận dậy sóng: Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến...  mới có câu trả lời cho những câu hỏi kia

Từ nhiều năm trước, khi ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực dược, bị xử lý kỷ luật, thì dư luận đã nhận ra đường dây mối nhợ quấn quýt chằng chịt giữa quan chức với doanh nghiệp sân sau. Đường dây mối nhợ này đem lại mối lợi bất chính kếch xù cho một nhóm người, nhưng nó lại thít chặt cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế vốn hàm chứa yếu tố minh bạch, công bằng, nhân đạo, nhân văn. 

Sự giàu có xa hoa chẳng hề chính đáng của một bộ phận quan chức ngành y không phản ánh sự tiến bộ, văn minh của xã hội, ngược lại, nó phỉ báng và thách đố sự tử tế mà đội ngũ thầy thuốc theo đuổi, bảo vệ, cùng sự kỳ vọng của dân chúng. Chính nó cũng phản ánh bản chất của tiêu cực tham nhũng hiện hữu chẳng phải "con sói đơn độc", "đơn thương độc mã", mà có hội có thuyền, có lớp lang cao-thấp, trên-dưới, trước-sau. Cơ quan chức năng mạnh mẽ bóc tách những tế bào ung nhọt kiểu này, chắc chắn chẳng hề đơn giản, và phải là thật  dũng cảm.


Ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế - bị khởi tố vì liên quan đến vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh tại công ty VN Pharma. Ảnh: Phạm Hưng

Thật trớ trêu, bài học từ án kỷ luật ông Cao Minh Quang không hề khiến quan chức ngành y giật mình để sửa mình, mà trái lại, vi phạm sau nghiêm trọng và trắng trợn hơn vi phạm trước. Từ nâng giá thuốc, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh đến gần như là bảo kê, hợp thức hóa cho tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, là bước tiến, oái oăm, là bước tiến đi gần đến tội ác! 

Những bệnh nhân ung thư đang đối diện với cửa tử mà vẫn bị móc túi trắng trợn. Viên thuốc đúng giá thì sẽ nhiều người mua được và được cứu sống. Viên thuốc bị nâng giá sẽ khiến họ phải bán đất, bán nhà, vay nợ mà không biết trả cách nào, và không biết mình sẽ sống thêm được bao lâu. 

Dường như trước sự cám dỗ vật chất, đã có những quan chức ngành y, những bác sĩ quên đi danh dự, lương tâm của mình, quên cả sự khổ sở, khốn cùng của người bệnh. 

Thật chẳng mấy khó khi lý giải tại sao, ngay trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng phòng chống đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra, ngành y tế vẫn chưa thật sự là chỗ dựa cho Chính phủ về các giải pháp căn cơ, khoa học trong phòng chống dịch. Thật chẳng mấy khó khi phải trả lời câu hỏi vì sao giá kit xét nghiệm Covid-19 ở nước ta lại mỗi nơi mỗi giá, và cao gấp nhiều lần so với nước ngoài. Thật chẳng khó khi đi tìm câu trả lời về hiện trạng y đức của một bộ phận thầy thuốc, nhân viên y tế thấp đến báo động…

"Bề trên ở chẳng chính ngôi". "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Cú sốc lớn của ngành y tế là ở đó. Nỗi đau lớn của xã hội cũng ở đó.

Xã hội nào, người dân cũng đặt nhiều kỳ vọng vào người thầy, thầy giáo và thầy thuốc. Thầy giáo dạy làm người, thầy thuốc chữa bệnh cứu người.

Những năm rồi, dư luận gặp nhiều cú sốc sau mỗi vụ, từ thầy cô giáo đến những vị quản lý giáo dục sa vòng lao lý liên quan đến tiêu cực tham nhũng.

Giờ là những thầy thuốc.

Chỉ nghiêm minh xử lý họ thì người dân mới thực sự được hưởng các phúc lợi xã hội về y tế, giáo dục, đem lại niềm tin cho chính những người trong ngành, nhất là các y bác sĩ, các nhân viên y tế đã gắng hết sức mình chống dịch vừa qua.

(Theo Dân Việt) Uông Ngọc Dậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét