Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Sự thật khủng khiếp ở làng giấy Phú Lâm:

 

Ô nhiễm đến con ruồi cũng không sống nổi, công nhân bán mòn sức 

Cập nhật lúc 14:28

 Nếu như trong từ điển tiếng Việt, hay từ điển Hán- Việt hoặc các tiếng lóng, văn nói có từ nào hơn từ kinh hoàng, kinh khủng, tận diệt... hơn để nói về cảnh ô nhiễm ở làng nghề tái chế giấy Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh), thì cũng gọi được cho xứng với hiện trạng ô nhiểm khủng khiếp ở nới đây.

Cách Hà Nội chứng 30km, cách thành phố Bắc Ninh 15km. Ở đó, có một địa danh mang tên Phú Lâm (thuộc huyện Tiên Du)- cái tên nghe rất hay, kiểu như trời phú cho nhiều rừng. Nhưng không. Cái tên Phú Lâm giờ đây được biết đến, được "định danh" là một điểm ô nhiễm khủng khiếp theo đúng nghĩa của nó. 

Cảnh tượng ô nhiễm kinh hoàng ở Phú Lâm nhìn từ trên cao

2 tháng trước (ngày 25/2), Bộ NNPTNT đã ra "tối hậu thư" cho tỉnh Bắc Ninh trước tình trạng vi phạm về quy định xử lý nước thải ở các làng nghề tái chế giấy khi nguồn nước thải đổ thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê. Theo đó, Bộ NNPTNT nêu rõ: Sông Ngũ Huyện Khê ,thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Đuống là công trình mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến tỉnh Bắc Ninh và TP Hà Nội.

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra và phản ánh của địa phương cũng như các đơn vị truyền thông cho thấy việc quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi Bắc Đuống còn một số tồn tại: Nguồn nước trên sông Ngũ Huyện Khê đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nước thải sinh hoạt…; đặc biệt là các cơ sở sản xuất giấy thuộc cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) và cụm công nghiệp Phong Khê 1, Phong Khê 2 (TP Bắc Ninh).

Trước tình trạng này, Bộ NNPTNT đã yêu cầu tỉnh Bắc Ninh có biện pháp buộc các doanh nghiệp dừng ngay hoạt động xả thải chưa qua xử lý vào công trình thủy lợi Bắc Đuống. Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh rà soát tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải vào công trình thủy lợi Bắc Đuống, xử lý nghiêm vi phạm đối với tổ chức, các nhân liên quan do hoạt động xả nước thải không đúng quy định pháp luật vào hệ thống công trình thủy lợi.

 

Hàng mấy chục chiếc ống xả thải ngày đêm phun khói, xả độc ra môi trường không khí.

Rẽ từ quốc lộ 1 cũ, cách thị trấn Lim không xa lắm, chúng tôi cắt ngang tuyến đường sắt Hà Nội- Đồng Đăng để tìm đến Phú Lâm- nơi có nghề tái chế giấy phổ biến. Vừa cắt ngang đường sắt, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là một đống rác chất cao lù lù, mà nói như một anh bạn đi cùng, đây là "đặc sản" ở Phú Lâm đó. Dọc con đường dẫn vào Phú Lâm mùa này là những cánh đồng lúa xanh rì với một ngôi biệt thự tọa lạc ngay đầu làng, không khí, cảnh tượng cũng không lấy gì làm... ô nhiễm lắm.

Nhưng xuôi thêm 1,5km nữa để vào cụm công nghiệp giấy Phú Lâm, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác. Thế giới mà ở đó chỉ có một màu đen của nước, của những đống rác chất cao như núi, cửa những tiếng máy nghiền giấy, những cột khói thủ công sơ sài ngày đêm phun khói, nhả bụi.

Ngày chúng tôi đến, đúng vào khoảng thời gian mà tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tại đây không được xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê. Song song với đó, tỉnh Bắc Ninh đã áp dụng biện pháp rắn như cắt ống xả nước thải trực tiếp ra sông. Không có "đầu ra" trong mấy ngày đầu tiên, các doanh nghiệp đã xả bừa nước thải lên đường nội khu công nghiệp gây ra mùi thối, mùi khét nồng nặc của hóa chất, chất thải.

Rác thải, nước thải đen sì ở CCN giấy Phú Lâm. Đến ruồi, nhặng cũng không sống nổi chứng tỏ mức độ độc hại về ô nhiễm môi trường ở đây là vô cùng nguy hiểm.

Trò chuyện với chúng tôi, một công nhân tên C.N ở đây cho biết: Mấy ngày trước, khi bị cấm xả thải ra sông, các ông chủ đã chỉ đạo cho xả tràn ra mặt đường. Sau khi báo chí về phản ánh, rồi tỉnh xuống kiểm tra, yêu cầu tháo dỡ các "bờ be" nước trong nội cụm công nghiệp, thì họ xả nước bẩn vào tạm bể chứa trong xưởng. Tôi hỏi: Thế sau đó, nguồn nước đó được bơm đi đâu?. "Thì lại bơm vào sản xuất mẻ giấy mới tiếp thôi, chứ biết đổ đi đâu"- anh công nhân vô tư trả lời.

Đứng gần đống rác cao như núi nói chuyện với anh công nhân này, tôi hỏi: Ở đây, sao bẩn thế mà chẳng thấy có ruồi nhặng gì nhỉ?. "Ruồi sao sống được ở đây, anh xem toàn hóa chất, chất thải đen sì, đặc quánh kia, chứ có phải rác thải sinh hoạt đâu mà ruồi sống được"- anh công nhân trả lời hồn nhiên.

(Theo Dân Việt) Lê Hân- Khương Lực. Ảnh: Nguyễn Chương  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét