Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Vì sao BOT mọc nhanh như nấm sau mưa?

Cập nhật lúc 16:25

Vì sao BOT lại mọc nhanh, mọc nhiều như vậy? Tất cả chỉ là lợi ích.

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam nói thẳng tại Hội thảo BOT- giao thông ở Việt Nam thực trạng và giải pháp do VUSTA tổ chức.

 BOT moc nhanh nhu nam: Chua dau nhieu the...
Hình ảnh bức xúc tại BOT Cai Lậy. Ảnh: Lao động

Ông Hùng cho biết, từ năm 2005 đến nay, dự án BOT bắt đầu nở rộ, các nhà đầu tư đua nhau làm, BOT đua nhau mọc cũng có nguyên nhân vì hầu hết các dự án đều làm trên đường quốc lộ, vị trí màu mỡ, dễ kiếm lợi.
Song, việc dễ tìm kiếm nhà đầu tư lại không đi cùng với nguyên tắc đảm bảo lợi ích cho người dân, vì vậy mà rất nhiều trạm BOT mọc lên nhưng những bức xúc của dư luận cũng theo đó tăng lên.
"Có chuyên gia đã phải thốt lên: "Chưa có nước nào nhiều BOT như Việt Nam", tổng vốn đầu tư BOT giao thông chiếm tới 42% tổng vốn đầu tư là quá khủng khiếp, quá lớn, cao nhất thế giới (bình quân thế giới chỉ chiếm 10%).
Đặc biệt nhiều nhà đầu tư không biết gì về giao thông cũng lao vào làm.Tất cả chỉ có thể giải thích lý do là vì "lợi nhuận". Các nhà đầu tư thấy lợi nhuận lớn, lại được giao trong điều kiện quản lý quá dễ dãi, khả năng thẩm định năng lực hạn chế, áp dụng cơ chế chỉ định thầu dẫn tới tình trạng nhiều nhà đầu tư không vốn, "tay không bắt giặc", hoặc vốn đầu tư hầu hết đi vay ngân hàng.
Ngoài ra, dư luận nghi ngại có lợi ích nhóm giữa các cơ quan quản lý với các chủ đầu tư, đây là nguyên nhân giúp cho BOT mọc nhanh như nấm. Các vị chuyên gia cũng đã chỉ rõ, lợi ích nhóm quá lớn mà trách nhiệm Bộ GT-VT phải chịu", ông Hùng thẳng thắn.
Đi tìm nguyên nhân cho tình trạng trên, ông Hùng cho rằng nguyên nhân, trước hết, là do thiếu công khai, minh bạch. Cụ thể, hầu hết BOT đều được chỉ định thầu, chỉ có 1 dự án duy nhất được thực hiện đấu thầu.
"Lấy lý do là 22 dự án cấp bách phải chỉ định thầu là vô lý. Số dự án còn lại, giải thích theo Bộ GT-VT là chỉ có một doanh nghiệp tham gia đấu thầu, tôi không tin. Tôi từng làm xây dựng bao nhiêu năm, tôi hiểu, nhà đầu tư muốn vào cũng không vào được, quân xanh, quân đỏ quá nhiều, thế thì đấu thầu làm sao được", ông Hùng dẫn chứng.
Nguyên nhân tiếp theo, vị chuyên gia cho rằng, các dự án BOT chưa thực hiện công bố, công khai trong toàn quốc với các tiêu chí: địa điểm, quy mô, ai khảo sát thiết kế, thẩm định, dự án làm mới hay làm trên đường cũ...
Dự án cũng chưa công bố tổng mức đầu tư do ai lập, ai thẩm định, ai phê duyệt mà lại chênh lệch lớn như vậy nhưng phải đợi đến khi kiểm toán mới phát hiện ra? Theo kiểm toán của Việt Nam, mức chênh ở nhiều dự án là 11%, nhưng theo dự đoán của chúng tôi mức này không dưới 30%. Còn theo tính toán của Fullbright, chi phí làm cao tốc của Việt Nam đang cao hơn 2,3 lần thế giới.
Tiếp đến là ai được chỉ định thầu, trình độ năng lực, đặc biệt là năng lực tài chính vốn pháp định là bao nhiêu? Vay ngân hàng là bao nhiêu?  Trình tự thủ tục chỉ định thầu có đúng quy định pháp luật không? Có cơ chế xin cho không?...
Tất cả, theo ông Hùng, cũng chưa được công bố rõ ràng. Một vấn đề nữa được vị chuyên gia đề cập là phương án thu hồi vốn, phí thế nào, hiệu chỉnh khi tần suất phương tiện qua trạm thu phí được tính toán ra sao... cũng rất nhập nhèm, không công khai, minh bạch. Câu chuyện từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ báo một ngày thu 1,2 tỷ nhưng khi kiểm toán lại lên 1,97 tỷ chính là bài học thực tế cho thấy sự thất thoát, lãng phí ghê gớm mà ngân sách phải gánh chịu. Trong  trường hợp đó thì ai chịu trách nhiệm...?
Ông Trần Ngọc Hùng chỉ rõ nguyên nhân tiếp theo cũng được xem là nguyên nhân khiến dư luận phản ứng nhiều nhất đó là vị trí đặt trạm BOT không hợp lý, thu phí hai đường, một số dự án nâng cấp quốc lộ cũ rồi thu giá mới, ...
Nguyên nhân cuối cùng, vị chuyên gia đề cập là công tác thẩm định, thâm tra, giám sát mà trực tiếp là trách nhiệm của Bộ GT-VT.
"Ở đây là sự thiếu trách nhiệm của Bộ GT-VT gây hậu quả rất lớn dẫn đến tổng mức đầu tư cao. Mới thẩm định, kiểm toán 13 dự án đã giảm 11%, tương đương khoảng gần 5.000 tỷ. Nếu thẩm định tiếp thì còn số này sẽ còn lên tới bao nhiêu, là 50.000 tỷ hay 500.000 tỷ? Đây chính là nguyên nhân đẩy giá phí tăng lên, thời gian thu phí lâu, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành hàng hóa, tiền chi của doanh nghiệp, túi tiền cuản gười dân... nhưng tới nay không thấy ai phải chịu trách nhiệm về số tiền này?", ông Hùng đặt vấn đề.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia đề nghị, Bộ GT-VT phải công khai minh các dự án BOT giao thông đã, đang và sẽ triển khai với đầy đủ các tiêu chí như ông đã trình bày.
Ngoài ra, ông cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm những người có trách nhiệm nhưng vi phạm pháp luật khi triển khai các dự án.
Bên cạnh đó, Bộ GT-VT phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc chỉ làm BOT trên đường mới; xử lý dứt điểm những BOT đang gây bức xúc; buộc phải đưa vào quy định pháp luật sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến quá trình thực hiện dự án...
"Nếu công khai, minh bạch hợp lý vì lợi ích cộng đồng thì người dân, doanh nghiệp sẽ đồng tình, không để đồng tiền rơi vào túi một số người có quyền lợi tại dự án", ông Hùng nói rõ.
(Theo Đất Việt) Lam An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét