'Nhiều người đang kiện Formosa vì tỷ
lệ ung thư tăng'
Cập nhật lúc 07:36
Trao đổi với
Zing.vn tại Đài Bắc, nghị sĩ Đài Loan Kuen-yuh Wu, người kêu gọi Formosa giải
trình vụ cá chết, cho biết nhiều người đang kiện Formosa vì tỷ lệ ung thư
tăng.
Ngay
sau khi Việt Nam công bố Formosa là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường ở các
tỉnh miền Trung, nghị sĩ Kuen-yuh Wu nói:
- Cho đến giờ tôi vẫn chưa được đọc báo cáo điều tra, những gì
tôi biết chỉ dừng trên thông tin báo chí đưa như việc xuất hiện xyanua và
phenol. Chưa tiếp cận được báo cáo thì chúng tôi không biết nồng độ xyanua
trong nước ra sao và vì vậy khó đưa ra được kết luận của mình.
Dù vậy, vài tuần trước tôi có nói rất rõ trong buổi điều trần
rằng khi Formosa Plastics tới các nước Đông Nam Á để tiến hành đầu tư, họ cần
phải thực hiện các trách nhiệm xã hội chứ không chỉ là làm ăn kiếm lợi.
Với Đài Loan, khi khuyến khích các doanh nghiệp ra đầu tư bên
ngoài, họ cũng cần chú ý tới trách nhiệm của các doanh nghiệp chứ không phải
chỉ chăm chăm tới chuyện kinh doanh. Doanh nghiệp Đài Loan cần mang lại
lợi ích và những điều tốt đẹp đến cho các nền kinh tế láng giềng chứ không
phải chỉ là tìm cách lợi dụng kiếm tiền từ láng giềng.
Nếu
là lãnh đạo Formosa, tôi đã chủ động tìm hiểu vì sao cá chết
- Ông có vẻ dè dặt khi nói muốn đọc bản báo cáo cuối cùng về
Formosa. Ông có tự đặt câu hỏi rằng, nếu không có bằng chứng sai phạm rõ
ràng, một tập đoàn lớn và nhiều ảnh hưởng như Formosa sẽ không bao giờ chấp
nhận bồi thường tới 500 triệu USD?
- Hiện thông tin vẫn còn đang tranh luận ở Đài Loan. Tối qua, tôi
có nói chuyện với các đồng môn về hoá học thì họ cũng chia sẻ một số điểm họ
còn thấy chưa rõ ràng. Họ đặt một số dấu hỏi với kết luận cuối cùng.
Tôi tin rằng có một số chứng cứ rất rõ ràng nên lãnh đạo Formosa
mới chịu bồi thường khoản lớn vậy. Nhưng liệu còn yếu tố nào khác khiến lãnh
đạo cấp cao Formosa chấp nhận kết luận cuối cùng hay không thì tôi không dám
chắc. Vì vậy tôi rất mong được coi bản báo cáo cuối cùng về Formosa.
- Quan điểm khác của các
chuyên gia hoá học Đài Loan mà ông vừa đề cập là gì?
- Ví dụ, một chuyên gia nêu dẫn chứng về độ dài đường ống dẫn
thải của Formosa ngắn hơn rất nhiều so với quy mô lan rộng của chất độc –
trên 300 km trên biển. Nếu dựa trên quy mô đường ống, chúng tôi tính độ lan
chỉ là khoảng 47 km.
Như vậy, phạm vi cá chết lớn và rộng hơn rất nhiều so với độ dài
đường ống. Vì vậy tôi thấy có dấu hỏi về nồng độ chất độc – phải có nồng độ
rất cao mới lan rộng được đến vậy. Chất độc sẽ giảm nồng độ rất nhiều lần khi
lan từ khoảng cách 47 tới 300 km. Chỉ khi nhìn bản báo cáo chi tiết cuối cùng
thì mới có thể đánh giá hết được.
Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam có giải thích rằng khi xyanua
và phenol kết hợp, trở thành "tấm chăn" khổng lồ hút thêm rất nhiều
chất độc khác nên gây ra tình trạng cá chết trên diện rộng. Xyanua là rất độc
và nguyên nhân cá chết hẳn là do xyanua, nhưng xyanua khi kết hợp lan rộng
đến thế nào thì cần đọc báo cáo chi tiết. Là chuyên gia về độc tố học, tôi
chưa từng đọc thấy tài liệu nào nói trường hợp hút các chất độc khác kiểu này.
Vài tuần trước trong điều trần, tôi có nói rõ Formosa nên có
trách nhiệm với các khu vực lân cận (của dự án). Nếu là lãnh đạo Formosa, tôi
đã chủ động tìm hiểu nguyên nhân vì sao cá chết thay vì thụ động chờ báo cáo
này.
Quy
định môi trường ở Đài Loan cao hơn các nước Đông Nam Á
- Ở Đài Loan, Formosa có tiếng xấu khi liên quan tới nhiều vụ ô
nhiễm. Vì sao tập đoàn này chưa bao giờ bị truy tố?
- Thiết lập bằng chứng khoa học là rất khó, mất nhiều thời gian,
ví dụ Nhật Bản từng có một số vụ kiện đối với các công ty gây ô nhiễm nhưng
đến khi nạn nhân nhận được tiền đền bù, có trường hợp mất tới hơn 30 năm.
Ngay ở huyện Vân Lâm (Đài Loan), có chuyên gia y tế từng nghiên
cứu và xác định tỷ lệ bệnh ung thư tăng cao sau khi Formosa xây dựng dự án ở
đó. Nhưng rất khó để xác định được bằng chứng khoa học trong các vụ đó. Nhiều
người đang kiện Formosa (liên quan tới tỷ lệ ung thư tăng ở Vân Lâm) nhưng cuối
cùng đến giờ cũng vẫn chưa có kết luận cuối cùng vụ này.
- Từ góc độ quản lý, chính
quyền Đài Loan có thể làm gì để kiểm soát và hạn chế những hành vi vi phạm
kiểu này của Formosa?
- Quy định về môi trường ở Đài Loan rất chặt, thường là cao hơn
các nước Đông Nam Á. Chúng tôi cần khuyến khích doanh nghiệp Đài Loan tuân
thủ chặt chẽ các quy định (như ở Đài Loan), chứ không phải chỉ làm theo các
quy định (thấp hơn) ở những địa phương họ tới đầu tư.
Các công nghệ bảo vệ môi trường của chúng tôi rất hiện đại và các
tập đoàn nên áp dụng các công nghệ này khi đầu tư ở Đông Nam Á. Bằng cách đó
chúng tôi có thể mang tiến bộ đến các nước chứ không phải là chỉ tìm cách
kiếm tiền từ đó.
Vào khoảng 2007-2008, dự án thép của Formosa từng bị bác sau khi
có đánh giá tác động môi trường tại Vân Lâm. Lúc đó cơ quan EPA (kiểm soát
môi trường) nói khu vực này quá ô nhiễm, quá chật rồi nên không thể xây dựng
dự án thép được.
Ở Vân Lâm cũng đã từng có vài sự cố lớn (với dự án của Formosa).
Điều đó khiến công chúng Đài Loan e ngại dự án này.
Formosa
có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều đời chính quyền Đài Loan
- Và Formosa đã phải
chuyển các dự án thép đến những nền kinh tế kém phát triển hơn như khu vực
Đông Nam Á?
- Thực tế thì họ cũng có sai phạm ở cả Texas (Mỹ) nữa. Tôi hy
vọng là họ học được gì đó từ những sai phạm này để thay đổi. Formosa không
nên đánh đổi tất cả chỉ để giảm chi phí xây dựng hay chi phí vận hành nhà máy.
- Theo ông, vụ Formosa sẽ ảnh hưởng gì tới hình ảnh của
doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam?
- Hai tuần trước, khi tổ chức phiên điều trần, tôi cũng nêu lên
điều này: nếu chính phủ Đài Loan muốn đầu tư vào Đông Nam Á, chúng tôi cũng
cần phải quan tâm tới các vấn đề như ô nhiễm, quyền con người và quyền người
lao động.
Chúng tôi nên mang hình ảnh tốt (về Đài Loan) tới Việt Nam chứ
không phải tạo những hình ảnh xấu. Tập đoàn Đài Loan muốn đầu tư tốt tại Việt
Nam cũng cần quan tâm tới các khu vực xung quanh nơi họ đầu tư, để người dân
thấy hình ảnh tốt về các tập đoàn Đài Loan.
Formosa là trường hợp cá biệt. Hầu hết người Đài Loan đều thân
thiện và muốn trở thành bạn tốt của người Việt. Thật đáng tiếc là chuyện này
đã xảy ra. Chúng tôi cũng quan ngại về hành vi của Formosa ở Việt Nam. Đó
cũng là lý do chúng tôi muốn giám sát hơn nữa hoạt động của công ty này ở
nước ngoài.
Formosa có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều đời chính quyền Đài Loan
trong quá khứ. Nhưng tôi tin chính quyền mới sẽ không chấp nhận kiểu ảnh
hưởng thế này và sẽ kiểm soát tập đoàn này tốt hơn.
Formosa Plastics Group thành lập năm
1954, là một tập đoàn kinh doanh đa dạng về nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh
học, chế biến hóa dầu và sản xuất linh kiện điện tử. Tuy Formosa có đóng góp
một phần cho sự phát triển kinh tế các vùng nhưng những vụ tàn phá môi trường
của Formosa rất nghiêm trọng.
Năm 2009, Ethecon, một tổ chức vì môi trường của Đức, trao tặng
cho tập đoàn này danh hiệu "Hành tinh Đen" - giải thưởng dành
cho những tổ chức/cá nhân vì phá hủy môi trường thế giới. Doanh nghiệp này
cũng từng chịu phạt nhiều lần tại các nước mà họ đầu tư, từ Campuchia, Mỹ đến
chính tại quê nhà Đài Loan.
(Theo Zing.vn) Thanh
Tuấn thực hiện (từ Đài Bắc)
|
Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét