Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN:

 Học phí lên 26,5 triệu đồng/năm học

Cập nhật lúc 09:43

Nhiều sinh viên bị sốc khi học phí của các trường tự chủ tài chính đột ngột tăng cao

Mấy ngày nay, nhiều sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã rất bức xúc trước việc nhà trường đưa ra mức học phí quá cao cho năm học 2016-2017.
Có thể phải nghỉ học
Theo đó, mức tăng học phí sắp tới của sinh viên K57 (năm thứ hai) và K58 (sắp vào trường) lần lượt là 375.000 đồng/tín chỉ với các ngành nhóm 1 (gồm tin học kinh tế, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin, kinh tế học, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế tài nguyên, kinh tế bất động sản và địa chính, kinh doanh bất động sản, luật kinh doanh, luật kinh doanh quốc tế, thống kê kinh tế xã hội và thống kê kinh doanh); 450.000 đồng/tín chỉ (gồm các chuyên ngành còn lại không thuộc nhóm 1 và nhóm 3) và 530.000 đồng/tín chỉ (với các ngành kế toán tổng hợp, kiểm toán, kinh tế đầu tư và kinh tế quốc tế, tài chính doanh nghiệp). Năm ngoái, mức học phí lần lượt đối với 3 nhóm ngành này là 295.000 đồng, 355.000 đồng và 415.000 đồng.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội “choáng” với mức học phí mới 
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội “choáng” với mức học phí mới
Một sinh viên ngành kinh tế quốc tế cho biết mỗi năm, sinh viên đăng ký học tối đa 50 tín chỉ, như vậy sẽ phải đóng 26,5 triệu đồng/năm học theo mức cao nhất và gần 19 triệu đồng với ngành học có mức học phí thấp nhất. Trong khi năm học trước, mức học phí này chỉ là 14 triệu đồng cho cả năm. “Em biết trường sẽ tăng học phí theo lộ trình nhưng không nghĩ là tăng ở mức cao như vậy. Với mức tăng này, nhiều sinh viên dự tính năm nay đăng ký học kịch trần 50 tín chỉ bởi sang năm học phí sẽ còn tăng cao nữa” - một sinh viên nói.
Trên trang NEU Confessions của sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nhiều sinh viên thở than vì mức học phí quá cao. Có sinh viên còn cho rằng với mức học phí này thì có thể… nghỉ học vì không kham nổi. “Với thu nhập chỉ 5 triệu đồng của cha mẹ, để duy trì việc học tập, em phải làm gia sư cả tuần mới có thêm tiền trang trải sinh hoạt” - sinh viên này chia sẻ. Không ít sinh viên cho rằng nếu theo lộ trình như trên thì đến khi ra trường, học phí sẽ tăng gấp rưỡi cho mỗi tín chỉ. Chưa hết, các sinh viên của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội còn khẳng định mặc cho học phí tăng nhưng chất lượng cơ sở vật chất không tăng, thậm chí nhiều giảng đường đang xuống cấp.
Tương tự, nhiều sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng lên tiếng về mức học phí quá cao. Trên diễn đàn của sinh viên học viện này, không ít thành viên muốn nhà trường xem xét lại. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không thuộc hộ nghèo hay cận nghèo nên em không được giảm học phí hoặc trợ cấp nào từ nhà trường. Một tháng, gia đình tích góp được khoảng 4 triệu đồng. Nếu khoản tiền này được trang trải cho việc học hành của em thì gia đình sống bằng gì?” - một sinh viên viết.
Tăng đúng lộ trình (!)
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tự chủ ĐH cho một số trường ĐH. Theo đề án này, các trường được thu học phí bằng hình thức thu bù chi đúng mức trần được Chính phủ quy định dành cho các trường tự chủ.
Trước phản ứng của sinh viên, ngày 20-7, ông Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đã có cuộc trao đổi với báo chí. Theo ông Chương, trường đã xây dựng lộ trình tăng học phí theo hướng tính đúng, tính đủ. “Mức học phí của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đưa ra trong năm nay cũng như năm trước đây, chúng tôi đều tính đến khả năng chấp nhận của thị trường, người học, điều kiện kinh tế - xã hội. Với những nhóm ngành xã hội hóa cao như kế toán tổng hợp, kiểm toán, tài chính doanh nghiệp..., nhà trường để mức 530.000 đồng/tín chỉ là phù hợp bởi lẽ đó là những ngành khi tốt nghiệp thì sinh viên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập tốt” - ông Chương lý giải. Ông Chương nói thêm mức học phí đã được trường thông báo từ tháng 3-2016 nhưng do vào thời điểm sinh viên đang thi, công tác truyền thông chưa đủ tốt để các em hiểu. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận sinh viên K57 (nhập học năm 2015-2016) có phần thiệt thòi hơn vì nhập học đúng giai đoạn “bước đệm”, trường chuyển từ tự chủ một phần lên tự chủ toàn phần theo đề án. Do đó, mức tăng học phí năm nay, năm tới có thể lên 30%. Trả lời những phàn nàn của sinh viên về điều kiện cơ sở vật chất không tương xứng với mức học phí, ông Chương thừa nhận khu nhà trung tâm của trường vẫn đang hoàn thiện, dự kiến năm học 2017-2018 đưa vào hoạt động nên còn khoảng 20% phòng chưa có điều hòa. “Đây là điều trường không mong muốn nhưng do điều kiện nên vẫn phải có bước đệm như thế” - ông Chương nói.
Còn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Ngọc Huyên, Trưởng Phòng Công tác chính trị sinh viên, cho biết tăng học phí là theo đúng lộ trình. Thế nhưng, do đặc thù sinh viên chủ yếu ở các tỉnh nên học phí của học viện vẫn thấp hơn quy định của Nghị định 86.
“Theo Nghị định 86, mức học phí đối với ngành khoa học xã hội là 1.750.000 đồng/tháng. Áp dụng công thức tính học phí theo tín chỉ thì học phí của ngành khoa học xã hội từ khóa 58-60 là 583.333 đồng/tín chỉ. Tuy nhiên, do nhiều sinh viên xuất thân từ nông thôn nên học phí của ngành khoa học xã hội đối với năm học 206-2017 là 248.000 đồng/tín chỉ” - ông Huyên thông tin.
Kêu gọi tẩy chay
Đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam thừa nhận trên mạng xã hội hiện có một số đối tượng đang lợi dụng vấn đề này để kêu gọi sinh viên tẩy chay nhà trường. Ông Phạm Hồng Chương cho biết sau khi tìm hiểu, đối tượng phản ứng dữ dội nhất và kêu gọi sinh viên tẩy chay trường không phải là sinh viên của trường. Còn theo ông Vũ Ngọc Huyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mời công an vào cuộc điều tra.
(Theo Người Lao Động) Yến Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét