Lào xây thủy điện thứ 3 trên Mekong: Việt Nam khó nói
Cập nhật lúc 16:22
(Tin tức thời sự)
- Nếu các nước tiếp tục xây thủy điện thì trong tương lai, dòng Mekong sẽ
chết, Việt Nam phải tự tìm cách cứu mình.
Đó là khẳng định của GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt
Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trước thông tin Lào chuẩn bị xây
dựng công trình thủy điện thứ 3 trên dòng chính Mekong.
Không thể trách Lào
Thông tấn xã Lào cho biết, nước này chuẩn bị khởi công xây
dựng đập dâng Pak Beng với tổng công suất 912 MW và sản lượng điện hàng năm
4.775 GWh vào đầu năm 2017. Như vậy, đây là thủy điện thứ 3 Lào xây dựng
trên dòng chính Mekong sau Xayabury và Don Sahong bất chấp phía Ủy hội sông
Mekong liên tiếp đưa ra cảnh báo.
GS.TS Vũ Trọng Hồng cho hay, Ủy hội sông Mekong không có thẩm quyền về
mặt pháp lý để chống lại việc xây dựng thủy điện của một nước
thành viên. Thay vào đó, Ủy hội chỉ có tính chất là một tổ chức quốc tế,
nơi các nước tự cam kết ngồi với nhau để cùng chia sẻ, sử dụng dòng Mekong,
hỗ trợ nhau về thông tin, kinh nghiệm sử dụng dòng sông.
"Trong nội dung cơ chế hợp tác khai thác chung dòng sông Mekong
không làm rõ các nước thành viên có được xây dựng thủy điện hay không,
do đó, Ủy hội sông Mekong không phải là tổ chức có cơ sở pháp lý ràng
buộc các nước vùng Mekong thực hiện cam kết của mình. Đây chỉ là những tiếng
nói góp chung lại để trao đổi, chia sẻ quyền lợi", GS.TS Vũ Trọng Hồng
nhấn mạnh.
Bởi thế, vị chuyên gia hình dung ra tương lai xám của dòng sông Mekong
khi các nước cứ lấy cớ quốc gia còn nghèo, phải phát triển, chẳng
hạn như Lào chỉ có rừng với nước nên buộc phải xây dựng thủy điện.
Tuy nhiên, "trong tương lai dòng Mekong sẽ chết", ông
khẳng định, bởi điều nguy hiểm nhất khi các nước xây dựng thủy
điện, đó là vào mùa kiệt, các nước có thủy điện sẽ tích nước
lại để vận hành thủy điện trong khi quốc gia ở dưới hạ lưu
sông Mekong như Việt Nam lại cần xả.
"Các công trình thủy điện gây hại về vấn đề sinh thái, nguồn cá,
các loại phù du, phù sa bị giữ lại, không xuống được hạ lưu... Nhưng quan
trọng nhất là khi ta cần nước thì họ lại đóng lại. Nguy hiểm hơn, một số
nước như Thái Lan, Campuchia... triển khai các công trình chuyển nước từ sông
Mekong sang lưu vực khác trong nội địa của họ khiến nguồn nước thiếu
hụt đi, đặc biệt là mùa kiệt. Bởi thế, dòng Mekong sẽ chết dần.
Ngay như sông Hồng hiện nay, do Trung Quốc xây 8-9 thủy điện
nên mùa kiệt không có nước", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.
Ông chỉ rõ, dù kịch bản xấu như vậy nhưng Việt Nam không thể phản đối
các nước vùng Mekong xây thủy điện vì không có văn bản pháp lý nào ràng buộc.
"Nhiều năm nay, các nhà khoa học vẫn được hỏi rằng: trước
tình hình này Việt Nam phải chủ động như thế nào để mùa kiệt có
nước? Nước ở ĐBSCL không phải không có, mùa lũ nước về rất nhiều và
ta phải tích nó lại. Nhưng việc này chúng ta chưa làm được bởi thiếu quyết
tâm.
Đây là điểm Việt Nam không nên trách các nước có thủy điện
mà nên trách mình. Chúng ta là nước ở hạ lưu, do đó phải
chuyển dần canh tác, nếp sống và phải tích nước vào mùa kiệt.
Cách đây hơn 10 năm, các chuyên gia đã khuyên Việt Nam rằng, dòng Mekong
sẽ không còn nước nhưng Nhà nước Việt Nam lại coi đây là việc của tự nhiên,
không quan tâm lắm.
Có người nói rằng, nguồn nước ngầm ở ĐBSCL có trữ lượng rất lớn nhưng
chưa được khai thác khoa học. Đúng là nguồn nước ngầm của Việt Nam
nói chung và ĐBSCL nói riêng có nhiều nhưng do dùng bừa bãi nên bị ô nhiễm.
Một khi nguồn nước ngầm ô nhiễm thì rất nguy hiểm vì không thể nào xử lý
được", GS Hồng cho biết.
Sông Hồng cũng lâm nguy
GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết, cách đây hơn chục năm, các chuyên gia đã
cảnh báo, trong tương lai ĐBSCL sẽ không nhận được một giọt nước nào về mùa
kiệt. Hiện nay, lưu lượng dòng chảy ở ĐBSCL khoảng 6.000m3/s, đó là dòng chảy
sinh thái, rửa trôi tất cả những chất độc, đẩy mặn ra biển. Thế nhưng, sau
này, khi Lào làm xong thủy điện, đến mùa kiệt sẽ chỉ còn vài trăm m3/s, coi
như sông Mekong thành dòng sông chết, trong khi lưu lượng tối thiểu chúng ta
cần ở là 2.000m3/s.
So sánh với sông Hồng, theo vị chuyên gia, hiện nay, lưu lượng chảy
cần thiết ở sông Hồng là 800 m3/s nhưng thống kê gần đây cho thấy chỉ còn
700m3/s và theo báo cáo của Trung tâm Tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT),
có lúc có những đoạn ở sông Hồng mực nước chỉ còn 10cm, tức là trơ đáy và
theo tính toán, lưu lượng chảy của sông khi đó chỉ còn hơn 10m3/s.
''Thậm chí, có chuyên gia phát hiện có những đoạn sông nước không
chảy. Như vậy, dòng sông Hồng không đủ lưu lượng để bò ra biển'' - GS.TS Vũ
Trọng Hồng lo lắng.
Việt Nam cần làm gì?
Theo vị chuyên gia, một trong những giải pháp căn cơ hiện nay là Việt
Nam phải giảm diện tích trồng lúa, thay đổi cơ cấu cây trồng và điều này
cũng đã được Bộ NN&PTNT khuyến cáo. Điều đó đồng nghĩa với
việc Việt Nam phải chấp nhận giảm sản lượng gạo xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngay cả khi Bộ NN&PTNT khuyến cáo phải giảm diện tích
trồng lúa để giữ nước thì chúng ta cũng chưa quyết tâm thực hiện chiến lược
này.
GS Hồng tính toán, Việt Nam xuất khẩu 5 triệu tấn gạo/năm, chỉ cần
giảm 1 triệu tấn gạo (tương đương khoảng 1,3-1,4 triệu tấn lúa) thì lượng
nước cần thiết để trồng ra diện tích lúa ấy có thể nuôi được 60 triệu dân với
mức nước của 1 đô thị cấp I (1 ngày tiêu thụ 160 lít/người).
Ngoài ra, để giải quyết vấn đề nước ngầm ở ĐBSCL, theo Chủ tịch Hội
Thủy lợi Việt Nam cần tìm giải pháp đưa nguồn nước mặt xuống. Tuy nhiên,
chiến lược làm hồ điều hòa ở ĐBSCL bàn cách đây hàng chục năm đã thất
bại.
"Ở ĐBSCL lâu nay có 2 vùng chứa nước lũ là Đồng Tháp Mười và Tứ
giác Long Xuyên. Thế nhưng, người ta bất chấp quy luật, xây dựng hết nhà cửa,
đường sá, bê tông hóa và các vùng đó không còn chứa lũ nữa. Tình trạng ấy
cũng giống như ở ngoài Bắc, mực nước ngầm xuống thấp, có con sông Hồng để
cung cấp nước thì đến mùa cạn đã bị kiệt nước.
Bởi mùa lũ không chịu tích nước, tạo nguồn nước ngầm nên đến mùa kiệt
cả ĐBSCL, ĐBSH không có nước. Như ở ĐBSH, sông Hồng chứa được 1 tỷ m3 nước,
do quản lý lỏng lẻo nên người dân xây dựng bừa bãi, vi phạm hành lang thoát
lũ khiến khu vực này không có không gian chứa lũ. Các chuyên gia thế giới,
nhất là Hà Lan khuyến cáo Việt Nam rất nhiều rằng phải có một không gian để
chứa lũ nhưng giờ không gian ấy không còn. Do đó, Việt Nam không nên trách ai
cả mà chỉ nên trách chính mình" - ông Hồng khẳng định.
Dẫn bài học từ Thái Lan, theo vị chuyên gia, Nhà vua Thái Lan Bhumibol
Adulyadej chính là người nghĩ ra hệ thống trữ nước cho các vùng
miền ở Thái Lan vào lúc khô hạn. Theo đó, người
Thái đào kênh dẫn nước trực tiếp từ sông Mekong, đến một vị trí
thích hợp họ đào rộng ra (hoặc kết hợp với một ao hồ tự nhiên có sẵn) để giữ
nước lại. Cứ thế, họ đào tiếp đường dẫn nước đến một khu vực khác và xây hồ
thứ hai, ở mỗi đường nước ra vào đều có cửa đập chặn lại để điều tiết khi cần
thiết. Toàn bộ hệ thống đó tạo nên một chùm hồ, nhìn giống như giàn bí ở trên
sông
''Ở Thái Lan, khi đào các hồ chứa ở hai bên dòng sông, người
dân phải nhường đất và lẽ ra Việt Nam cũng phải làm như vậy'' - ông Hồng
lưu ý.
Ông cũng chỉ ra một thực tế rằng, Việt Nam ra sức thực hiện công
nghiệp hóa - hiện đại hóa và đến nay vẫn bắt ngành nông nghiệp, thủy sản gánh
mấy tỷ USD xuất khẩu, trong khi công nghiệp "chết" hoàn toàn.
Lẽ ra công nghiệp phải gánh xuất khẩu để nông nghiệp giảm bớt gánh
nặng, tập trung giữ nước, mà khi công nghiệp không gánh được xuất khẩu thì cũng
không cấp nước được cho nông nghiệp, cho người dân.
''Để cứu ĐBSCL khỏi nhân họa thủy điện, không ai khác chính chúng ta
phải tự cứu mình. Phải nhìn ra các nước Đông Nam Á tích nước như thế nào và
trước mắt hãy học Thái Lan giảm bớt xuất khẩu gạo, tăng cường tích trữ chứa
nước. Chúng ta phải đề cao nhiệm vụ sống còn này, phân định rõ
giao quyền cho ai, ai chịu trách nhiệm? Ccần sự thống nhất quyết tâm
của cả hệ thống để cứu ĐBSCL", GS.TS Vũ Trọng Hồng chia sẻ tâm huyết.
(Theo
Đất Việt) Thành
Luân
|
Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét