Vụ
Formosa, cán bộ sai thì phải xử lý chứ không thể rút kinh nghiệm là xong!
Cập nhật lúc 08:01
TS Lưu Bích
Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển
Cuộc điều tra
nguyên nhân cá chết hàng loạt kéo dài gần 3 tháng đã khiến Công ty Formosa
phải thừa nhận hành vi hủy hoại môi trường và buộc phải bồi thường. Tuy
nhiên, đằng sau thảm họa, dư luận đang chú ý đến trách nhiệm của cơ quan quản
lý trong việc thẩm định đầu tư và giám sát quá trình thi công, vận hành thử
của nhà máy này.
Lỗ hổng trong
giám sát
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng
6 diễn ra chiều 1.7, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị cần thanh tra,
kiểm tra xem trong quá trình cấp phép cho Formosa có tiêu cực không, nếu có
phải xử lý bởi vì người dân cũng mong đợi việc này.
Thảm họa môi trường lần này là một bài
học đắt giá cho việc quản lý, giám sát đầu tư. Để tránh tái diễn tình trạng
trên, người dân cũng bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nhìn nhận rõ trách
nhiệm của mình.
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ
tháng 6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận phía
Việt Nam có lỗ hổng trong quá trình giám sát vận hành thử nghiệm nhà máy này.
Cụ thể, theo ông Hà, nguồn nước thải
của Formosa gồm nước thải công nghiệp, nước thải từ sinh hoạt, sinh
hoá... Về quy chuẩn, có 2 quy chuẩn là quy chuẩn 40 - xác định với nước thải
công nghiệp và quy chuẩn 52 - tiêu chuẩn đối với ngành gang thép.
Trong lượng nước thải ra, bao gồm cả
nước thải từ cảng, dầu mỡ... thì quy chuẩn 52 không thể bao quát được. Như
vậy phải áp dụng cả quy chuẩn 40 và 52 mới đúng. Do đó, việc áp dụng quy
chuẩn chưa sát tình hình nguồn thải của Formosa. Nguồn nước thải sinh hoá từ
các cốc cần phải đảm bảo được quy chuẩn 52 thì chưa làm được.
“Thực
tế, đây là giai đoạn vận hành thử nghiệm nên chưa có cơ quan nhà nước vào
giám sát. Đây là lỗ hổng trong giai đoạn thử nghiệm vận hành. Hệ thống giám
sát tự động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố
nặng”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, đây là các vấn đề trong
quá trình thử nghiệm đã tồn tại và pháp luật rõ ràng là có lỗ hổng nên không
có sự giám sát của Trung ương và địa phương trong quá trình lắp đặt và quá
trình thử nghiệm.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, TS Lưu Bích
Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu
tư) chia sẻ rằng, việc quy trách nhiệm thì chúng ta chưa làm, mới chỉ
công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa cá chết hàng loạt.
“Thời gian tới chắc chắn sẽ phải làm
việc này bởi Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố là ai sai đến đâu xử đến đó,
không loại trừ tổ chức, cá nhân nào. Formosa đã phải chịu trách nhiệm của
mình trước tiên rồi”, TS Hồ nói.
Theo ông Lưu Bích Hồ, sau khi công bố nguyên
nhân thì còn rất nhiều việc phải làm nữa bởi đây là một vụ việc rất nghiêm
trọng. Các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ các sai
phạm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan chứ không phải chỉ thế là
xong.
Theo ý kiến của TS Hồ, trách nhiệm của
cơ quan quản lý từ các bộ ngành liên quan, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng phải chịu
trách nhiệm. Cần phải quy trách nhiệm rõ ràng, sai đến đâu xử đến đó chứ
không thể cứ rút kinh nghiệm như các vụ việc khác là xong. Cần phải làm đến
cùng chứ không thể xuê xoa trong vụ việc này được.
“Trách nhiệm từ việc thẩm định đầu tư
cho đến việc giám sát quá trình vận hành, xả thải của doanh nghiệp, một lượng
chất độc khổng lồ được thải ra hàng trăm km2 trên biển, hủy hoại môi trường như
vậy thì quá nghiêm trọng”, ông Hồ nói.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cũng nói
với báo điện tử Một Thế
Giới rằng, việc tìm ra
nguyên nhân là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý, tạo được lòng tin từ phía nhân
dân.
Tuy nhiên, theo bà An, phía Việt Nam
cần phải làm rõ sự việc, ai sai đến đâu thì xử lý đến đó, phải làm rõ người
rõ việc chứ không ngoại lệ với ai cả, nhất là trong các khâu thẩm tra, cấp
phép đầu tư rồi giám sát hoạt động thử nghiệm. Cơ quan chức năng cần điều tra
rõ việc này.
Quan trọng hơn, theo bà An là đừng để
xảy ra một sự cố nào như trường hợp của Formosa nữa.
“Tôi cho rằng phòng là chính, cần
phải rà soát lại tất cả các khu công nghệp ven biển, ven sông để tránh
hậu họa. Nếu không đảm bảo thì cần chấm dứt sản xuất. Trước khi phê
chuẩn đầu tư cũng cần phải thẩm tra kỹ lưỡng công nghệ, máy móc và
đánh giá tác động môi trường”, bà An nói.
Rà soát các nhà
máy khác
Theo TS Lưu Bích Hồ, sự việc cá chết
cũng góp phần cảnh tỉnh người dân bởi khắp đất nước Việt Nam có rất
nhiều nhà máy, khu công nghiệp và không ít nơi cũng đang gặp vấn đề về môi
trường. Bộ Tài nguyên – Môi trường và các cơ quan liên quan cần tiến hành một
cuộc tổng kiểm tra để thấy rõ vấn đề, chứ không thể chỉ đến lúc xảy
ra sự cố mới nhảy vào thì mọi chuyện đã quá muộn.
“Chúng ta cũng cần phải hoàn chỉnh hơn
nữa công tác giám sát hoạt động môi trường. Hiện nay, nói thì nhiều chứ việc
thực hiện thì chưa được bao nhiêu, từ nói đến làm thì còn một khoảng cách khá
xa”, TS Lưu Bích Hồ cho hay.
Ông Lưu Bích Hồ nói thêm, lâu nay,
chúng ta vẫn coi trọng việc thu hút nguồn vốn FDI và chắc chắn chúng ta còn
phải thu hút nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, quá trình thu hút FDI cần phải có sự
rà soát kỹ lưỡng, đúng với quy hoạch phát triển, phải đảm bảo được yêu
cầu về công nghệ, về xử lý chất thải môi trường chứ không xuê xoa được. Dự án
nào không đảm bảo tuyệt đối không cấp phép.
“Hiện nay đã phân cấp nhiều cho các địa
phương cho nên trách nhiệm của các địa phương rất nặng nề. Cấp Trung
ương cần phải trực tiếp phê duyệt những dự án lớn chứ không giao hẳn cho địa
phương được”, TS Hồ cho hay.
Đồng thời, theo TS Hồ, đi đôi với việc
đề cao trách nhiệm thì cần tăng cường trách nhiệm cho cơ quan quản lý để quản
lý được tốt hơn. Cách làm việc của chúng ta không chặt chẽ nên các nhà đầu tư
chỉ chạy theo lợi nhuận là chính mà không đảm bảo được yêu cầu.
“Không phải các doanh nghiệp FDI vào
nước ta thì muốn làm gì thì làm. Thời gian tới chúng ta cần phải thay
đổi”, TS Hồ nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi
Lan, có nhiều vấn đề cần làm rõ. Trong bức thư mà Formosa gửi cho nhân viên
thì họ nói là do lỗi của các nhà thầu phụ. Vậy ở đây, các nhà thầu phụ là
ai? Có lẽ Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ đó
để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án
nào thêm.
Thứ hai, theo bà Lan, về phía Việt Nam,
cần làm rõ những cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm trong vụ việc này
khi buông lỏng sự quản lý, giám sát, hoặc là đưa ra những "ưu đãi"
vượt quá quy định cho Formosa so với một nhà đầu tư nước ngoài để họ gây ra
thảm họa ngày hôm nay.
“Theo tôi phải làm rõ. Điều này rất cần
thiết vì còn mang tính răn đe để không có trường hợp nào xảy ra trong
tương lai nữa. Để những cá nhân, tổ chức này vô can là điều không thể
được”, bà Phạm Chi Lan nói.
(Theo Một thế Giới) Trí Lâm
|
Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét