Dự án BOT nhưng trách nhiệm vốn vay vẫn
thuộc về... Nhà nước
Cập nhật lúc
10:41
Phần lớn các dự án BOT được thực hiện trong
thời gian vừa qua chủ yếu là do nguồn vốn vay từ ngân hàng và một số lớn dự
án được Chính phủ bảo lãnh...
Khoảng cách từ trạm thu phí của dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn km
597+549 - km 605+000 và đoạn km 617+000 - km 641+000 tỉnh Quảng Bình (BOT)
đến trạm thu phí hầm Đèo Ngang chỉ là 10 km.
Sáng 25/7, Quốc hội khoá 14 sẽ thảo luận về
dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017.
Tâp hợp kiến nghị từ các cơ quan được hỏi ý
kiến cho thấy Phú Yên và Quảng Ninh đề nghị giám sát việc lập dự án, đầu tư
và khai thác các công trình giao thông BOT.
Còn Ủy ban Kinh tế và Ninh Thuận kiến nghị
giám sát việc thực hiện các hình thức đầu tư BOT.
4 tiêu chí
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc
lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề dựa trên 4 tiêu chí cơ bản.
Thứ nhất là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở
tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu
Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, gắn với công tác xây dựng pháp luật.
Hai là không trùng với các chuyên đề đã
được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong khoảng từ 3
đến 5 năm tính đến thời điểm đề xuất.
Ba là đảm bảo cân đối, phù hợp giữa các
lĩnh vực, và bốn là phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các
cơ quan của Quốc hội.
Dựa trên các tiêu chí này và kiến nghị từ
các cơ quan, một trong bốn chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất
để Quốc hội xem xét, quyết định là việc thực hiện chính sách, pháp luật về
đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây
dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công
tư (PPP).
Đây là nội dung chưa từng được Quốc hội, Ủy
ban Thường vụ tổ chức giám sát.
Làm đường một nơi, thu phí một nẻo
Thuyết minh sự cần thiết tiến hành giám sát
chuyên đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu thực trạng, hiện tại trên cả
nước có 96 trạm thu phí BOT, quy hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên 102 trạm thu
và đến năm 2030 là 121 trạm thu phí BOT.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc khai
thác các công trình BOT thời gian vừa qua đã gây nhiều bất cập, gây bức xức
trong nhân dân như: thu phí cao làm tăng giá cước vận tải, làm đường một nơi,
thu phí một nơi khác bù cho dự án. Hay việc bố trí quá nhiều trạm thu phí
chưa theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, đặt trạm không đúng khoảng cách
quy định…
Việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị
công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án… còn bất
cập, dư luận bức xúc, tờ trình nêu rõ.
Sự cần thiết phải giám sát còn ở chỗ, Chính
phủ quy định nhà đầu tư BOT được huy động vốn, trong đó phần đi vay của ngân
hàng theo lãi suất được đưa vào để tính thời gian thu phí hoàn vốn.
Phần lớn các dự án BOT được thực hiện trong
thời gian vừa qua chủ yếu là do nguồn vốn vay từ ngân hàng và một số lớn dự
án được Chính phủ bảo lãnh. Về bản chất, bảo lãnh của Chính phủ sẽ tạo ra
nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và trực tiếp làm tăng nợ công. Như vậy, trách nhiệm cuối
cùng của khoản vay vẫn thuộc về nhà nước thay vì chuyển dịch trách nhiệm sang
khu vực tư nhân như mục đích ban đầu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá.
Còn nặng về ưu đãi
Nguyên nhân của thực trạng trên, theo Uỷ
ban Thường vụ Quốc hội là các quy định của nhà nước liên quan đến các dự án
đầu tư theo hình thức BOT, BT, PPP còn có những bất cập về: thủ tục đầu tư,
lựa chọn nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư, chất lượng quản lý công trình, giá
thành, hiệu quả đầu tư, vai trò quản lý nhà nước đối với dự án.
Bên cạnh đó, quy định của Nhà nước đối với
dự án BOT đặc biệt là về chính sách thuế còn nặng về ưu đãi nhà đầu tư.
Ngoài ra, quy định về hình thức chọn lựa
nhà thầu không cần đấu thầu, chỉ cần thẩm định dự án; về vốn chỉ cần nhà thầu
có 10-15% vốn đầu tư.. còn chưa phù hợp.
Quá trình tổ chức thực hiện giám sát sẽ làm
rõ hơn việc quản lý nhà nước về vốn đối với dự án BOT đặc biệt là các khoản
tiền vay ngân hàng đầu tư vào dự án.
Vai trò quản lý nhà nước của Bộ Giao thông
Vận tải (cụ thể Tổng Cục đường bộ Việt Nam) đối với dự án BOT đảm bảo hòa lợi
ích của người dân và nhà đầu tư cũng sẽ được xem xét.
Phạm vi giám sát sẽ là giai đoạn 1996 -
2016. Đối tượng giám sát là Chính phủ, tập trung các bộ, ngành: Giao thông
Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà
nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an, viện Kiểm sát, Tòa án); các tỉnh,
thành phố có liên quan.
Việc giám sát nội dung này giúp Quốc hội có
thông tin để giải trình trước cử tri, trước dư luận xã hội, đưa ra những
quyết sách quan trọng về tăng cường, thu hút, quản lý đầu tư để phát triển
kinh tế-xã hội, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước đối
với các dự án theo hình thức đầu tư BOT, BT, PPP, góp phần nâng cao hiệu quả
đầu tư xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc
hội thuyết minh sự cần thiết.
(Theo
Thời báo kinh tế) NGUYÊN VŨ
|
Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét