Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Học thêm - những “độc chiêu” buộc học sinh phải "tự nguyện"

 Cập nhật lúc 11:01

Chỉ học thêm mới thi trúng đề, được ưu ái và thuộc những nội dung kiểm tra trên lớp là những “chiêu trò” các giáo viên đang áp dụng với lớp học thêm của mình.

LTS: Chuyện dạy thêm, học thêm không mới nhưng đang làm cả xã hội sốt ruột cả tháng trời nay.
Với những quan sát của một người trong nghề, cô giáo Đỗ Quyên đã gửi đến tòa soạn bài viết phản ánh những “chiêu trò” của giáo viên nhằm lôi kéo, thậm chí ép buộc học sinh đến với các lớp học thêm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết nêu lên vấn nạn này!

Đã có biết bao công văn hướng dẫn về việc cấm dạy thêm, học thêm từ cấp Bộ, cấp Sở, cấp Phòng đến trường học và từng giáo viên nhưng xem chừng việc dạy thêm học thêm vẫn không thể chấm dứt. 
Khoan nói đến nhu cầu bức thiết về học thêm của một số phụ huynh và học sinh, trong bài viết này, chúng ta thử đi tìm nguyên nhân vì sao việc dạy thêm của một số thầy, cô giáo lại khó chấm dứt như vậy?
Từ trước đến nay, nhiều giáo viên luôn đưa ra lý do dạy thêm của mình, lý do được nghe nhiều nhất vẫn là “vì lương thấp không đủ sống nên buộc phải dạy thêm”. 
Trong thực tế, có giáo viên dạy thêm cả tháng được vài ba triệu đã là nhiều (phần lớn là giáo viên tiểu học ở quê).
Với số tiền này, họ cũng trang trải, đỡ đần thêm cho cuộc sống của gia đình mình bớt khổ.
Nhưng không ít  giáo viên (chủ yếu là giáo viên dạy toán, Anh văn cấp 2,3) một tháng thu nhập từ dạy thêm vài chục triệu đồng thậm chí là vài trăm triệu đồng thì không còn là do “cuộc sống quá khó khăn”chi phối nữa. 
Do nguồn thu quá lớn từ việc dạy thêm mang lại nên không dễ gì những giáo viên này có thể bỏ qua việc dạy thêm, thế là không ít người đã tìm mọi cách thu hút học sinh tới lớp học cũng như dùng “thủ đoạn” để “giữ chân” các em.
Câu hỏi phụ và bài tập nâng cao 
Giờ thì nhiều giáo viên ở quê tôi mỗi khi nói tới cô giáo dạy văn tên M. ai cũng tỏ ra thán phục bởi tài dạy thêm của cô. 
Dạy thêm môn văn đã khó nhưng dạy văn mà học sinh cứ đông nghẹt, hết lớp này đến lớp khác vào ra như cô lại càng khó gấp trăm lần. 
Nếu cô dạy chính khóa 4 lớp ở trường thì cũng có gần 200 học sinh theo học mỗi tuần. 
Một học sinh bật mí: “Em không muốn học thêm văn nhưng không thế em sẽ bị tổng kết môn này loại yếu và như thế sẽ ảnh hưởng đến việc xếp loại chung trong học tập”. 
 
Tiết lộ đề cho học sinh tại lớp học thêm (Ảnh nguồn: tuoitre.vn).
Nói rồi em kể, thời gian đầu, em không đi học thêm mà mượn vở của bạn về học, hôm cô gọi lên bảng, ngoài câu hỏi trong chương trình học trên lớp, cô hỏi thêm câu hỏi phụ cô đã dạy trong buổi học thêm. 
Do em học vở bạn nên cũng trả lời được, ai ngờ cô nói: “Em không đi học thêm nên không thể hiểu rõ nội dung câu trả lời này, em chỉ là thuộc vẹt và cô cho em 4 điểm”. 
Từ đó, cô cấm tất cả các bạn không được cho ai mượn vở học thêm của mình. Các bạn sợ, em cũng sợ nên phải đăng kí đi học.
H. một học sinh nam lại kể về thầy giáo dạy toán của mình: “Đề kiểm tra toán trên lớp bao giờ cũng có 1 đến 2 câu nâng cao 2 điểm. Những câu hỏi khó như thế thầy không hướng dẫn trên lớp nên tụi em không biết làm, dù em đã rất cố gắng tự học ở nhà nhưng đôi khi cũng chỉ làm được một ít. 
Một số bạn có lực học yếu hơn nhưng khi nào kiểm tra cũng đạt điểm 10. Con không học vì điểm nhưng cũng phải đi học thêm vì sẽ được nghe thầy cô giảng thêm những phần nâng cao, mở rộng”.
Nhá đề kiểm tra, đề thi
Sau những tiết lý thuyết thường đến phần kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thi kiểm tra giữa kì, cuối kì… mà đề kiểm tra là do chính giáo viên tự ra.
Ngoài đề kiểm tra 15 phút những đề kiểm tra 1 tiết trở lên, giáo viên nộp về trường làm ngân hàng đề để Phó hiệu trưởng chuyên môn chọn làm đề kiểm tra, đề thi chung cho các khối lớp trong trường. 
Những giáo viên dạy thêm, họ thường trao đổi với nhau về những kiến thức ra trong đề của mình để cùng ôn cho học sinh lớp mình dạy, bởi thế, dù chuyên môn trường có lựa chọn đề của thầy cô nào cũng đều trúng tủ. 
Học sinh đi học thêm, được những thầy cô này phô tô đề cho làm, chấm, sửa cách làm, làm đi làm lại đến vài lần… khi vào thi, học sinh đôi khi chỉ việc thay số  bởi những dạng đề này các em đã được làm từ trước.
Học thêm để đỡ bị xét nét
Đó là câu nói của không ít học sinh khi được hỏi: “Vì sao con phải đi học thêm?”. 
Cô bé N. một học sinh lớp 10 thổ lộ: “Con không đi học thêm nên cô dạy toán luôn khó chịu với con mỗi khi con làm bài sai. Cô hay nói rất lớn trên lớp “Có vậy mà cũng không làm được. Tôi không hiểu nổi vì sao em lại được vào học lớp này?” làm con thấy rất quê với các bạn. 
Nếu là bạn đi học thêm, cô sẽ rất nhẹ nhàng hướng dẫn lại một cách từ từ cùng câu hỏi: “Em đã hiểu cách làm chưa?”, thế rồi, không chỉ có N nhiều bạn khác trong lớp đã đăng kí đi học thêm cho “dễ thở”.
Ngoài một số học sinh có nhu cầu học thêm thật sự thì với những “thủ đoạn” kéo học sinh vào lớp học thêm của một số thầy cô như thế thì tình trạng học thêm có dễ gì được chấp dứt?
(Theo Giáo dục VN) Đỗ Quyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét