Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: Vay
Trung Quốc, hiệu quả đến đâu?
Cập nhật lúc 13:41
Đề xuất của Bộ
GTVT về dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) kết nối với Đông
Hưng (Trung Quốc) khiến các bộ, ngành băn khoăn về hiệu quả của việc vay trên
300 triệu USD của Trung Quốc.
Thậm chí Bộ Tài chính chỉ rõ điều kiện của phía Trung Quốc
về lãi suất đang cao hơn hẳn so với trước đây, cùng với khoản vay 300 triệu
USD...
Băn khoăn
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án đường cao
tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng vốn đầu tư khoảng 382 triệu USD, Ngân hàng
Xuất nhập khẩu Trung Quốc dự kiến cho vay 304,9 triệu USD (6.800 tỉ đồng),
vốn đối ứng của VN là 77,33 triệu USD (khoảng 1.700 tỉ đồng). Tuyến đường này
có chiều dài khoảng 96km. Giai đoạn 1 đường cao tốc sẽ có nền đường bốn làn
xe, mặt đường hai làn xe, vận tốc thiết kế 80-100 km/h. Thời gian thực
hiện 48 tháng.
Sau khi có đề xuất này, Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) trong
báo cáo gửi Thủ tướng cho rằng: điều kiện của khoản vay tín dụng 300 triệu
USD cho dự án Vân Đồn - Móng Cái là “chưa đủ ưu đãi” và nhấn mạnh cần phải
đàm phán tiếp với Trung Quốc để xác định điều kiện cụ thể của khoản vay theo
hướng có ưu đãi cao hơn, đồng thời không áp dụng điều kiện phải cho nhà đầu
tư Trung Quốc thực hiện dự án với hình thức tổng thầu trọn gói...
Thực chất, theo thông tin của Tuổi Trẻ, trước đây Bộ GTVT
đã đề xuất làm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với tổng mức đầu tư 810 triệu
USD. Do khó khăn về vốn cộng với một số ý kiến lo ngại áp lực nợ công, bộ đã
điều chỉnh lại, chia dự án làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 chỉ đầu tư đường
bốn làn xe hạn chế (làm nền bốn làn, mặt đường chỉ hai làn) với kinh phí
8.600 tỉ đồng (khoảng 382 triệu USD).
Đặc biệt, Bộ GTVT đề nghị tự mình làm chủ đầu tư, thay vì
để UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện.
Trước các ý kiến về dự án này, Bộ GTVT đã có văn bản giải
trình. Bộ cho rằng nếu tách đoạn Vân Đồn - Móng Cái thành một dự án đầu tư
theo hình thức BOT quen thuộc ở VN thì “sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư do
kinh phí đầu tư lớn”.
Ngoài ra, khu vực này kinh tế khó khăn, cần cơ chế hỗ trợ
đầu tư... Với băn khoăn tại sao không dùng vốn từ nguồn vay khác, Bộ GTVT cho
rằng ngoài Trung Quốc, hiện chưa có nhà tài trợ nào quan tâm.
Bộ Ngoại giao cũng có văn bản thể hiện ý kiến liên quan đề
xuất vay 300 triệu USD từ Trung Quốc, trong đó bộ này lưu ý đề xuất của Bộ
GTVT là dự án sẽ được ngân sách nhà nước cấp phát toàn bộ vốn vay là chưa phù
hợp với việc xây đường cao tốc.
Và khác với ý kiến của Bộ GTVT cho rằng dự án khó thu hút
nhà đầu tư do chi phí cao, Bộ Ngoại giao cho rằng đây cũng là dự án có
khả năng thu hồi vốn.
Nên tính toán nguồn vốn
khác rẻ hơn
Bộ Tài chính cũng đã chính thức có ý kiến, trong đó bộ này
phân tích ba khoản vay tương tự mà Trung Quốc dành cho VN gần đây. Kết quả,
các khoản này... đắt hơn khoản vay Bộ Tài chính đã đàm phán vay 300 triệu USD
cho dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn trước đây.
Cụ thể, ba khoản vay tín dụng ưu đãi gần nhất của Trung
Quốc đang áp dụng đối với VN có lãi suất 3-4%/năm, phí quản lý 0,25-1%, phí
cam kết từ 0,25-0,5%, thời hạn vay là 15 năm.
Trong khi đó, trước đây, điều kiện vay tín dụng ưu đãi cho
dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, chính Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã
đề xuất lãi suất cố định chỉ 2%/năm và thời hạn vay lại dài hơn, tới 20 năm,
phí quản lý và phí cam kết cũng thấp hơn. Có nghĩa, chi phí cho khoản vay từ
Trung Quốc đang đắt hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính khuyến cáo các khoản vay ưu đãi
của Trung Quốc đều có ràng buộc, như phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy
móc thiết bị Trung Quốc.
Trong khi đó, đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án
đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp. “Do đó, cần tính toán, so sánh với
khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng,
công nghệ tốt hơn” - Bộ Tài chính thẳng thắn nêu.
Với đề xuất của Bộ GTVT đề nghị chuyển chủ đầu tư dự án từ
UBND Quảng Ninh sang Bộ GTVT, Bộ Tài chính cho rằng đề nghị Bộ GTVT nêu rõ lý
do: Đây là dự án có nguồn thu trực tiếp, vì vậy không thể theo hình thức cấp
phát ngân sách mà phải theo hình thức vay lại.
Trong khi đó, Bộ GTVT không thuộc diện được vay lại theo
Luật quản lý nợ công. “Do vậy, đề nghị không chuyển thẩm quyền đầu tư từ UBND
tỉnh Quảng Ninh sang Bộ GTVT” - Bộ Tài chính nêu.
“Chúng ta phải biết lắc
đầu”
Theo một chuyên gia ở Bộ KH-ĐT, việc Bộ GTVT trình
vay vốn Trung Quốc là bình thường, tuy nhiên trước khi đồng ý cần cân nhắc
kỹ. Bởi nói khó thu hút nhà đầu tư trong nước do kinh phí đầu tư lớn phải
chăng hơi chủ quan?
Nên đưa ra các cơ chế ưu đãi thích hợp, tương xứng với chi
phí vay vốn của Trung Quốc, thậm chí ưu đãi hơn, rất có thể sẽ có nhà đầu tư
trong nước hoặc liên doanh quan tâm để thực hiện theo hình thức PPP (công -
tư).
Ông Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, khẳng
định chưa nên làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thời điểm này. Ông Liêm nêu
Trung Quốc đang mở rộng thực thi chính sách “một vành đai, hai hành lang”
(bao gồm hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hành
lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng).
VN cũng thực hiện làm cao tốc Hà Nội - Lào Cai nhưng lượng
xe rất thưa thớt. “Tất nhiên có thể có hiệu quả nhưng đã đáng với số tiền bỏ
ra chưa?” - ông Liêm hỏi.
Từ thực tế trên, ông Phạm Sỹ Liêm thẳng thắn nói chưa cần
bàn chuyện có nên vay tiền Trung Quốc 300 triệu USD không, mà nên từ bỏ việc
muốn đầu tư ngay dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Dù Móng Cái cũng có tiềm năng nhưng ông Liêm băn khoăn tại
sao lại bỏ tiền vào đây, trong khi đường từ Hà Nội vào Vinh còn chưa thật
thông thoáng. “Các ông ấy khoái dự án ODA vì con cháu trả.Nói thật, nhìn con
cháu mình, tôi thương chúng nó vì gánh nặng nợ lớn quá” - ông Liêm nói và cho
rằng nên có đầu tư trọng điểm, có ưu tiên. Bởi hai đầu tàu kinh tế lớn là Hà
Nội và Tp.HCM hạ tầng còn yếu. “Không phải lúc nào cũng gật đầu, chúng ta
phải biết lắc đầu” - ông Liêm nói về dự án Vân Đồn - Móng Cái định vay 300
triệu USD của Trung Quốc.
(Theo Tuổi trẻ) C.V.KÌNH - TRUNG HÀ
Tôi nghĩ nên đặt tên cho cái Bộ Giao
thông Vân tải của ta là Bộ GTVT Trung Quốc. Lâu nay mọi việc họ làm đều mang
lại lợi ích tuyệt vời cho... Trung Quốc và thiệt hại to lớn cho VN. Cái ĐS
Cát Linh - Hà Đông đã đội vốn gấp đôi mà nghe chừng chưa xong, tiếp tục chậm
và có thể đội tiếp! TQ như thể có "tay trong". Sợ quá!
Thương
Giang
|
Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét