Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

“Ông Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu không có nghĩa là an toàn”

Cập nhật lúc 08:37

Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - khẳng định, ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, và một số người dù đã nghỉ hưu nhưng không có nghĩa là “an toàn”, mà phải chịu trách nhiệm tới cùng với tất cả những hệ lụy mình gây ra.

Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Quang Phong) 
Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Quang Phong)

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Như Tiến cho rằng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể những vụ việc nổi cộm có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong phòng chống tham nhũng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ không bình thường.
“Mặc dù nhiều cơ quan nói đúng quy trình nhưng quy trình ấy có thực sự công khai, minh bạch hay không? Đầu vào của quy trình có chuẩn không, hay “đầu vào thì nát như tương, đầu ra chất lượng như tương đầu vào”? Thế thì nguy hiểm rồi.
Đầu vào phải lựa chọn được những người chuẩn mực, đầy đủ phẩm chất, năng lực thì đầu ra mới có người đủ phẩm chất, năng lực. Bây giờ đầu vào như thế, “tác giả” của món nợ, thua lỗ 3.200 tỷ đưa đi luân chuyển ở một nơi khác như vậy thì rõ ràng không đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ, làm sao mà bảo đúng quy trình được?”- ông Tiến nói.
Bộ máy nhà nước không phải là “nhà trẻ trung ương”
- Ông đánh giá thế nào về việc Tổng Bí thư đã giao Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng giai đoạn 2011-2013 ở Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nhưng sau đó ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch PVC - lại được chuyển về Bộ Công thương, rồi luân chuyển đi địa phương gây bức xúc dư luận?
- Việc để thua lỗ rất lớn nhưng rồi lại được luân chuyển đi chỗ khác có phải để trốn lỗ, chạy lỗ, thoát lỗ hay không? Trốn lỗ số tiền lên tới hơn 3.200 tỷ ở PVC để về một cơ quan khác thì trách nhiệm của các cơ quan ở đâu? Rất nhiều vấn đề cử tri, nhân dân đang hỏi và chờ câu trả lời của cơ quan chức năng.
- Tổng Bí thư cũng chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng - nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công trưởng Vũ Huy Hoàng. Với những thông tin mà dư luận, báo chí phản ánh thời gian qua, theo ông đã đủ cơ sở?
- Ông Vũ Huy Hoàng, tôi được biết trong thời gian qua có rất nhiều ưu ái cho con của mình, "cánh hẩu" của mình. Đất nước cứ ưu ái cho con cái, "cánh hẩu" thì đi về đâu? Khi mà người ta cần công khai minh bạch, cần những người có phẩm chất, năng lực nhưng nếu ai cũng đưa con cháu, người thân vào bộ máy nhà nước thì như một số người dân nói, hóa ra bộ máy nhà nước là “nhà trẻ trung ương”.
Tôi đã nói nhiều lần rồi, nếu chúng ta còn áp dụng tiêu chuẩn trong tiếp nhận, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ theo trình tự tiền tệ - ngoại lệ - hậu duệ - đồ đệ rồi cuối cùng mới là trí tuệ thì bao giờ mới có lãnh đạo tốt, bao giờ mới có những người tử tế trong cơ quan nhà nước được.
Không có giải pháp mạnh, chúng ta sẽ lao xuống "vực sâu tham nhũng"!
- Những vấn đề mà báo chí phản ánh thời gian qua đối với cá nhân ông Vũ Huy Hoàng, theo ông, có dấu hiệu của “chuyến tàu vét cuối cùng” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ” như ông đã từng phát biểu gay gắt trước Quốc hội?
- Tôi đã nói rồi, vào thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ một số cán bộ có chức có chức quyền tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ để làm chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh. Đó là cảnh báo đối với ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, trước khi hạ cánh đã ký hơn 60 người vào các chức vụ phòng, ban, cục và ông ta đã có một số nhà, đất đáng kể.
Bây giờ lại tiếp tục xuất hiện những nhân vật mới, đó có phải những "chuyến tàu vét cuối cùng" trước khi hạ cánh không? Tôi đã cảnh báo trên diễn đàn Quốc hội rồi, nếu chúng ta không có những giải pháp mạnh thì không bao giờ dừng lại được, không bao giờ kìm hãm được.
Tại sao con tàu hay cái xe bao giờ cũng hai phanh, phanh chân và phanh tay để hãm, và chỉ có một ga thôi. Để hãm lại, kìm lại, ổn định không mất an toàn thì phải dùng hai phanh, cả phanh tay và phanh chân. Nếu chúng ta không xử sự cho đúng thì chúng ta sẽ lao vào vực sâu, đó là vực sâu của tham nhũng.
- Như vậy, theo ông, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải làm rõ sự việc của ông Vũ Huy Hoàng như đã từng kiểm tra đối với ông Trần Văn Truyền- nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ trước đây?
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải làm rõ cùng Thanh tra Chính phủ, giám sát của Quốc hội, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên. Phải làm sao phát huy vai trò tốt hơn nữa, chứ đừng để "con voi chui lọt lỗ kim" như thời gian qua.
Trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng cũng phải làm rõ. Gần đây chúng ta đã có chỉ thị rồi, đừng tưởng về nghỉ mà đã xong, hạ cánh chưa chắc đã an toàn. Tất cả những hệ lụy mà anh gây ra và để lại vẫn phải còn mãi mãi, phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng, trước Nhà nước, chứ không phải ông Vũ Huy Hoàng và một số người đã nghỉ rồi là dấu chấm hết.
Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự phải đưa vào những quy định để người ta không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng nữa.
- Xin cảm ơn ông!

Giám sát từ lời nói tới việc làm có đúng không
Hoan nghênh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng các cơ quan được giao nhiệm vụ phải làm việc tới nơi tới chốn, khách quan, không thể đánh trống bỏ dùi.
“Câu chuyện đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta 10 năm qua đã gây ra nhiều bức xúc, mất lòng tin của người dân. Một trong những lý do là chúng ta làm không đến nơi đến chốn vì có nhiều sức ép, ràng buộc, nhiều tổ chức ràng buộc. Tôi cho rằng nếu lần này các cơ quan làm tốt, xử lý rõ ràng minh bạch thì sẽ giúp lấy lại lòng tin của người dân. Từ vụ việc cụ thể này để chúng ta rút ra vấn đề lớn hơn để khắc phục. Chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư như vậy cũng là dịp để nhân dân giám sát từ lời nói tới việc làm có đúng không”- nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
(Theo Dân trí) Thế Kha thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét