Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Chính sách ngoại giao của ông Tập Cận Bình đã thất bại

Cập nhật lúc 15:46  

 
Biếm họa ông Tập Cận Bình không cấm được Triều Tiên thử tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Tạp chí Foreign Policy của Mỹ ngày 21.7 nhận định dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc phải chịu vô số thất bại trong chính sách ngoại giao. Từ đó phải đặt ra câu hỏi về năng lực làm ngoại giao của ông Tập.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền năm 2012, chính sách đối ngoại của ông trong 3 năm qua đã phá hỏng nỗ lực thuyết phục các nước láng giềng châu Á rằng sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc đem lại lợi ích “đôi bên cùng có lợi”.  
Trung Quốc “ê mặt” vì phán quyết trọng tài 
Nhìn lại 3 năm qua, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh liên tục thất bại. Mới đây nhất là sự kiện ngày 12.7, Tòa Trọng tài công bố phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, khẳng định “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Đây là thất bại lớn nhất làm hỏng một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với phần còn lại của châu Á.
Phán quyết trọng tài đánh sập âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh, phá hỏng cả nỗ lực thể hiện một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình”.
Tạp chí Foreign Policy ghi nhận hồi tháng 6, kiểu ngoại giao ép buộc của ông Tập Cận Bình mới có được thành công lớn trong hội nghị đặc biệt giữa Trung Quốc với các nước ASEAN tại Côn Minh (Trung Quốc). Tại hội nghị này, Trung Quốc gây sức ép để ASEAN phải rút tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về căng thẳng trên Biển Đông.
Trong khi đó, những hành động hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông dẫn đến hợp tác an ninh chưa từng có giữa Mỹ, Nhật, Úc và lực lượng hải quân các nước trong khu vực này.
Bắc Kinh cũng bị “xấu hổ” ở Đông Á
Phán quyết của Tòa Trọng tài không là thất bại duy nhất của Trung Quốc. Hàn Quốc cùng với Mỹ đã quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc bất chấp Trung Quốc cực lực phản đối.
Tạp chí Foreign Policy viết rằng “Bắc Kinh quá đáng” khi đòi Hàn Quốc phải ưu tiên những quan ngại về an ninh Trung Quốc hơn là ưu tiên cho an ninh quốc gia Hàn Quốc.
Đó là ý đồ chia rẽ liên minh Mỹ - Hàn nhưng đã phản tác dụng. Quyết định triển khai THAAD kéo Hàn Quốc đến gần Mỹ hơn đồng thời mở ra cơ hội hợp tác chiến lược Mỹ - Hàn - Nhật vốn là điều Bắc Kinh rất ghét. Dĩ nhiên quyết định triển khai THAAD liên quan đến chuyện Trung Quốc không kiềm chế được CHDCND Triều Tiên thử tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng đã “cười vào mũi” mệnh lệnh của Bắc Kinh là Triều Tiên không được tiến hành thử tên lửa và vũ khí hạt nhân. 
Hành động phản đối Trung Quốc rất đáng ngạc nhiên mặc kệ ông Tập Cận Bình đã cử đặc sứ đến Bình Nhưỡng thuyết phục Triều Tiên không phóng thử tên lửa đạn đạo. Ngay khi vị đặc sứ Trung Quốc xuống khỏi máy bay, Triều Tiên đã tuyên bố sẽ phóng thử tên lửa. Rồi bất chấp Bắc Kinh không hài lòng, Bình Nhưỡng đã phóng vào dịp giao thừa Tết âm lịch 2016.  

Biếm họa ông Tập Cận Bình muốn loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ và thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông
Mỹ sẵn sàng giúp Nhật bảo vệ quần đảo Senkaku 
Trước khi thất bại trong việc kềm cương Bình Nhưỡng, Trung Quốc còn thua trong việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). 
Vụ đòi chủ quyền này là cách Bắc Kinh dò xét mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật bằng cách biết xem liệu Mỹ có ủng hộ Nhật nếu xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, hồi tháng 4.2014 trong chuyến công du đến Nhật, Tổng thống Obama đã nói rõ: Điều V trong thỏa thuận đồng minh có nghĩa Mỹ sẽ giúp Nhật bảo vệ Senkaku.
Trong khi đó, tàu chiến và máy bay Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển quanh Senkaku và vùng biển Nhật trên biển Hoa Đông đã tác động mạnh đến chính sách an ninh của Tokyo.
Năm 2014, chính phủ Nhật đề nghị sửa đổi cách giải thích về hiến pháp yêu chuộng hòa bình (thông qua sau Chiến tranh thế giới thứ hai) để cho phép triển khai chương trình phòng vệ tập thể (giữa Mỹ và Nhật). Tokyo còn sửa quy định quốc phòng Mỹ - Nhật vốn công nhận Nhật giữ vai trò lớn bảo vệ an ninh khu vực.
Đến mùa xuân 2016, tàu chiến của lực lượng phòng vệ biển Nhật đã thăm cảng Subic (Philippines), cảng Cam Ranh (Việt Nam) và cảng Sydney (Úc) khiến Bắc Kinh bị "hoảng loạn" như tạp chí Foreign Policy nhận định.
Gần đây, sự kiện đảng Dân chủ tự do của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thắng lớn trong bầu cử Thượng viện đã mở ra khả năng Nhật có thể sửa đổi hiến pháp, một cơn ác mộng kinh niên khác đối với Trung Quốc.
Chuỗi thất bại của Trung Quốc nối dài từ Á sang Âu
Mặc kệ sức ép của Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ chuyện Bắc Kinh vận động để Trung Quốc được công nhận nền kinh tế thị trường trong Tổ chức Thương mại thế giới. Bên cạnh đó, trước việc Trung Quốc cung cấp thép và các loại hàng hóa khác quá mức, EU và Mỹ phải áp thuế chống phá giá lên các sản phẩm “made in China”.
Ngoài ra, các chính sách kinh tế nặng mùi chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc để xử thiên vị với các lĩnh vực làm ăn của Trung Quốc (nhất là công nghệ thông tin), xử phạt các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Mỹ thất vọng.
Cộng đồng này từng là cơ sở nền tảng cho mối quan hệ Mỹ - Trung. Nhưng khi thiếu ủng hộ của các doanh nghiệp Mỹ, mối quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên bất ổn hơn, góp phần định hình môi trường chính sách cho vị tổng thống Mỹ kế tiếp, người sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn.  
Đảng viên tố ông Tập Cận Bình 
Theo tạp chí Foreign Policy, có lẽ Bộ Chính trị Trung Quốc cần đọc lại một bức thư ngỏ (được cho là của một đảng viên viết hồi tháng 3.2015) với nội dung đề nghị ông Tập Cận Bình từ chức. Bức thư này tố ông Tập “thiếu khả năng lãnh đạo đảng và tổ quốc đi vào tương lai” đồng thời dẫn chứng chính sách đối ngoại của ông Tập không có kết quả, “từ bỏ cẩn trọng để lao theo chủ nghĩa phiêu lưu nguy hiểm”.
Bức thư vạch ra chính sách đối ngoại của ông Tập vô tình tạo hậu quả ngoài ý muốn, đó là quảng bá quyền lợi Mỹ và củng cố chính sách “xoay trục về châu Á” của Tổng thống Obama.
Foreign Policy nói rằng đó là thành quả mà ngay cả Lầu Năm Góc lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ đều không thể sánh bì được.  
Làm sao giải thích tất cả thất bại trong chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình?
Theo Foreign Policy, lời giải thích là sau khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008 và 2009, các nhà phân tích Trung Quốc đã nhận định sai lầm rằng Mỹ đã bị suy yếu và đã đến lúc Trung Quốc lao lên thể hiện tầm ảnh hưởng thay vì dành thời gian để phát triển kinh tế Trung Quốc.
Vì thế, chiến lược của Trung Quốc dựa trên những nhận định “bị lỗi” dưới đây:
+ Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh hơn về kinh tế - quân sự và Mỹ suy tàn sẽ dần rời bỏ châu Á.
+ Các nước châu Á sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài phục vụ quyền lợi của Trung Quốc.
Tạp chí Foreign Policy kết luận: Câu hỏi đáng gây tò mò là sau khi những “món cược” của ông Tập Cận Bình đều “thua cháy túi”, liệu các đồng chí của ông trong Bộ Chính trị có “đuổi việc” ông như các công ty luôn đuổi tổng giám đốc làm ăn thất bại, không có khả năng lãnh đạo?
(Theo Một thế Giới) Trung Trực
(theo Foreign Policy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét