Khúc gỗ thơm, béo bổ và những con
sâu, con mọt
Cập nhật lúc 15:04
“Đúng quy trình” phải
chăng là tấm khiên vạn năng có khả năng “miễn dịch” với tất cả sự hoài nghi
của công luận?
Tiếp theo bài Chính phủ mới và những vấn đề cũ,
trong bài này Ths. Trương Khắc Trà nêu thêm ba vấn đề nóng bỏng khiến dư luận
quan tâm sâu sắc và cũng là những vấn đề cũ nhưng lại là trở ngại không nhỏ
dành cho Chính phủ mới nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Thứ nhất: Chính phủ cần chấn chỉnh công tác nhân sự trong bộ máy Nhà nước. Có lẽ chưa khi nào vấn đề nhân sự trong bộ máy Nhà nước nhận được sự quan đặc biệt của dư luận và khiến báo chí tốn nhiều giấy mực như trong thời gian qua.
Sự quan tâm của dư luận ở đây không
phải theo cách “nhân dân chung tay xây dựng Nhà nước” mà là trước
những sự việc “kinh thiên động địa” khiến người dân không thể “ngó lơ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng: Một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì cán bộ là khâu quyết định. Người viết: “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [1]. Ấy vậy, nhưng việc bổ nhiệm nhiều cán bộ cấp cao trong thời gian vừa qua luôn được cho là “đúng quy trình” nhưng khi “cái sảy nảy cái ung” thì mọi người đều vỡ lẽ ra rằng: “Đúng quy trình” phải chăng là tấm khiên vạn năng có khả năng “miễn dịch” với tất cả sự hoài nghi của công luận? Sự việc nổi cộm thì có nhiều nhưng “kinh thiên động địa” nhất trong thời gian qua người viết xin đơn cử hai trường hợp. Về vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, có lẽ chẳng cần giới thiệu nhiều vì hiện nay từ khóa mang tên nhân vật này đã trở thành hot trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là vụ việc điển hình cho cái gọi là “đúng quy trình” nhưng động đâu cũng thấy vi phạm, nhìn đâu cũng thấy sai trái.
Mở màn là sự việc ông Thanh dùng “xế hộp” tư nhân gắn biển
xanh nhiều tỷ đồng vượt quá khung quy định của Chính phủ tại
Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 về định mức xe công.
Sự việc gây “chói mắt” dư luận này khiến báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc và kết quả là một loạt những sai trái động trời của ông Thanh được phơi bày trước bàn dân thiên hạ khi ông này vừa trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV với tư cách là Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang…! Vụ việc thứ hai là bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vào chức vụ lãnh đạo Sabeco khi ông Hoàng là người đứng đầu đơn vị chủ quản doanh nghiệp này(?), đáng nói hơn trước đó ông Hải làm lãnh đạo ở PVFI (Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam), khi đó, công ty này lỗ hàng trăm tỷ đồng…! Qua hai vụ việc trên đặt ra nhiều câu hỏi: Quy trình đặc biệt nào đã khiến những nhân sự cốt cán này đi từ sai phạm này đến sai phạm khác nhưng sự nghiệp vẫn thăng tiến như diều gặp gió?
Ai là người
phải chịu trách nhiệm khi đã bổ nhiệm những cá nhân này?
Phải chăng công tác nhân sự trong bộ
máy Nhà nước đang gặp phải nhưng “trở ngại” nào đó?...
Thời gian qua dư luận cũng đã từng choáng váng trước những sự việc như “cả họ làm quan”, “công chức 100 triệu”, “phình” đội ngũ lãnh đạo, bổ nhiệm ào ạt vào “hoàng hôn nhiệm kỳ”… khiến ngân sách quốc gia phải “gánh” tới 11 triệu người hưởng lương và các khoản mang tính chất lương, làm cho chiến dịch tinh giản biên chế gặp vô vàn khó khăn.
Công tác nhân sự “lỗi” chưa thể làm
chết người ngay tức khắc nhưng cực kỳ nguy hiểm cho đất nước vì chẳng khác
nào cài cắm những “con sâu”, “con mọt” vào khúc gỗ thơm ngon béo bổ.
Hệ lụy của nó khiến lòng dân không phục, mất niềm tin vào đội ngũ cán bộ mà chẳng có thế lực thù địch nào đáng sợ bằng sự đánh mất niềm tin từ nhân dân. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ mới phải mạnh tay loại bỏ những cá nhân sâu mọt, cơ hội chính trị, minh bạch hóa việc quy hoạch bổ nhiệm cán bộ để nhân dân biết và giám sát bởi chẳng có cơ quan nào có thể tinh anh hơn người dân. Thứ hai: Chính phủ phải có giải pháp giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà trước hết là các mặt hàng nông sản để hạn chế những hệ lụy khó lường. Dù muốn hay không cũng phải nhìn thẳng vào sự thật rằng Việt Nam hiện vẫn là một quốc gia nông nghiệp, nông nghiệp chính là quốc kế dân sinh hàng đầu hiện nay.
Cả nước có 23
triệu người làm nông nghiệp đồng nghĩa với chừng ấy con người sống nhờ vào
nguồn nông sản họ làm ra.
Nhiều năm trở lại đây nông sản Việt nhiều lần điêu đứng trước thị trường Trung Quốc khiến nông dân nhiều địa phương lâm vào cảnh phá sản nợ nần. Kinh tế thị trường không cho phép sự khu biệt trong sản xuất kinh doanh, điều đó đòi hỏi phải có mối dây liên hệ hữu cơ giữa sản xuất, lưu thông và tiêu dùng; tuy nhiên sự phụ thuộc đến mức bị động trước một vài thị trường nào đó trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa là “điềm xấu” đối với mọi nền kinh tế. Quy luật kinh tế là vậy, nhưng đối với hàng hóa nông sản Việt Nam không biết từ bao giờ đã quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để rồi một khi thị trường này “hắt hơi” thì kinh tế Việt rơi vào trạng thái “đau đầu, sổ mũi”.
Thực trạng nông sản Việt phụ thuộc vào
thị trường Trung Quốc không phải mới xảy ra nhưng vẫn luôn là vấn đề nóng
bỏng.
Dư luận chắc chắn còn nhớ cuộc khủng hoảng thừa dưa hấu, thanh long cách đây vài năm khiến hàng vạn nông dân miền Trung khốn đốn vì thương lái Trung Quốc chơi bài thu mua ào ạt với giá cao sau đó đột ngột ngưng mua! Nhưng có lẽ bài học “đắng” nhất vẫn là sản phẩm mủ cao su tự nhiên, vì sao không phải là nước nào khác ngoài Trung Quốc nhập của Việt Nam đến 80% sản lượng mủ khiến nông dân Việt tưởng “ngon ăn” ào ạt chặt phá tiêu, điều và các loại cây ăn quả có giá trị khác để mở rộng diện tích cao su. Thế rồi phía “bạn” ngưng mua khiến giá cao su “rớt” thảm hại, hệ quả là không ít công ty cao su hiện nay phải tồn tại bằng cách thanh lý chặt bỏ! Rồi những thương vụ kỳ quái như thu mua lá điều, gốc tiêu, móng trâu, đĩa… đã nói lên điều gì? Tại sao thương lái Trung Quốc dễ dàng chui sâu vào nền nông nghiệp Việt Nam để thoải mái lũng đoạn như vậy? Tại sao người Trung Quốc ồ ạt mua đất ở Đà Nẵng? Tại sao họ muốn khống chế đồng bằng sông Cửu Long – nồi cơm của cả nước? Cơ quan chức năng không thể xem thường âm mưu phá hoại nền nông nghiệp nước nhà bằng cuộc chiến tranh kinh tế với công cụ “bàn tay sắt bọc nhung”, sở trường của chúng ta là nông nghiệp vậy nên nếu người nông dân bỏ đất, bỏ làng sớm muộn cũng là đại họa. Bởi lịch sử đã chứng minh mọi cuộc bể dâu xáo trộn đều có nguồn gốc sâu xa từ nông nghiệp và ruộng đất. Thứ ba: Người dân luôn trông chờ những quyết sách chuẩn xác và kịp thời của Chính phủ mới về vấn đề Biển Đông và kinh tế biển đảo. Với vấn đề Biển Đông, tôi tin rằng không có một người dân nào trong hơn 90 triệu đồng bào không xót xa bứt rứt khi lãnh thổ của Tổ quốc đang từng ngày bị gặm nhấm bởi thế lực bành trướng. Thời gian qua sự việc giàn khoan Hải Dương 981 “neo đậu” trái phép vùng đặc quyền của Việt Nam đã chứng tỏ sự hung hăng bất chấp luật pháp của ngoại bang. Việc bồi đắp các quần đảo, xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa” và một loạt các động thái như xây trường học, mở tour du lịch… đã vi phạm trắng trợn quyền lợi quốc gia trên biển của Việt Nam. Những sự kiện trên không khỏi làm chúng ta không xâu chuỗi đến thảm họa Formosa gây ra tại vùng biển miền Trung và người Trung Quốc ào ạt mua đất tại các vùng ven biển Đà Nẵng.
Vì sao tất cả
đều liên quan đến biển?
Biển đã trở thành địa bàn chiến lược mà các thế lực bành trướng đang nhòm ngó và lăm le.
Bác Hồ từng dạy: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà
không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa
trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển”.
[2]
Thực tiễn khách quan ấy đã đặt ra vấn đề cấp bách về việc cần phải phát triển mạnh kinh tế biển đảo, một mặt nâng cao đời sống người dân ven biển mặt khác tạo thế “ngụ binh ư nông” mỗi ngư dân là mỗi chiến sỹ bảo vệ biển đảo. Không có loại vũ khí nào mạnh hơn lòng dân, chẳng có thế trận nào thắng được thế trận chiến tranh nhân dân. Thiết nghĩ, Chính phủ có mạnh cỡ nào mà không có sự chung tay của nhân dân thì mọi chuyện dễ đều thành khó. Bài học “dân vi bản” của các bậc tiền bối vẫn còn nguyên giá trị. Hãy tin dân, trọng dân, khoan thư sức dân, lấy nhân dân làm kế bền gốc sâu rễ thì tôi tin không có khó khăn nào là không thể vượt qua, chẳng có thế lực bành trướng nào có thể đe dọa – lịch sử đã chứng minh cho bài học đó. Tài liệu tham khảo:
[1]
http://m.tienphong.vn/xa-hoi-chuyen-hom-nay/de-dan-sat-son-theo-dang-818078.tpo
[2]
http://www.vtc.vn/chu-tich-ho-chi-minh-dong-bang-la-nha-ma-bien-la-cua-d157006.html
(Theo Giáo dục
VN) Ths.Trương Khắc Trà
|
Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét