Sách giáo khoa phải viết cụ thể về cuộc chiến chống Trung Quốc
Cập nhật lúc 10:41
Bộ Lịch sử Việt
Nam tái bản lần thứ nhất đã đưa ra những quan điểm tiến bộ, trong đó từ bỏ
cách gọi chính quyền Việt Nam cộng hòa là ngụy quân, ngụy quyền và chỉ đích
danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía
Bắc...
Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận ý kiến của các nhà
nghiên cứu lịch sử, cùng góp một góc nhìn để lịch sử Việt Nam được toàn diện
hơn.
* PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ (nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng):
Phải công khai tôn vinh những người hi sinh vì chống quân Trung Quốc
Lâu nay chúng ta viết lịch sử theo định hướng, không thực
sự phản ánh hết được sự thật lịch sử. Còn rất nhiều khoảng trống trong lịch
sử như các nhà sử học từng nói.
Không thể vì chúng ta vào khai phá đất phương Nam từ thế
kỷ 16 thì chúng ta chỉ viết từ thời điểm ấy. Vậy còn trước đó thì sao?
Hoặc lâu nay chúng ta chỉ viết về lịch sử của người Việt,
mà ít viết về lịch sử các dân tộc thiểu số.
Tôi đã ủng hộ việc từ bỏ cách gọi chính quyền Việt Nam
cộng hòa, chính quyền Sài Gòn là ngụy quân, ngụy quyền từ lâu rồi.
Cách gọi chính quyền này là “ngụy” rõ ràng mang tính biểu
cảm, miệt thị, vẫn còn hơi hướng của đấu tranh quan điểm.
Chính quyền Việt Nam cộng hòa có tham gia Liên Hiệp Quốc,
tham gia các cuộc đàm phán Paris. Chúng ta phải thừa nhận có một thực thể
chính quyền tồn tại như vậy.
Trước đây, do đấu tranh ý thức hệ, phía chính quyền Sài
Gòn cũng gọi người lính miền Bắc là Việt cộng, Cộng quân...
Nhưng bây giờ cần thay đổi cách gọi với tinh thần hòa hợp,
hòa giải dân tộc, không mang tính hằn thù, chia rẽ nữa.
Thời kỳ Việt Nam cộng hòa cũng rất có trách nhiệm bảo vệ
chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Có những người lính Việt Nam cộng hòa đã chết vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền
đất nước, chúng ta phải viết chứ không thể né tránh.
Những vụ việc như cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm,
vụ án xét lại chống Đảng... chúng ta phải viết. Nếu cứ thấy những vấn đề
thường được gọi là “nhạy cảm”, có sai lầm mà tránh đi thì lịch sử sẽ không
hoàn chỉnh.
Những cán bộ, chiến sĩ của ta đã chiến đấu, hi sinh trong
cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược phải được tôn vinh như những
người lính kháng Pháp, kháng Mỹ.
Vì sao họ ngã xuống lại không được nhắc đến? Phải công
bằng với hi sinh của họ. Điều này cần thay đổi.
* GS.NGND VŨ DƯƠNG NINH (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Phục vụ chính
trị mà cắt xén lịch sử thì không còn là lịch sử nữa
Những vấn đề còn khuất lấp của lịch sử như vấn đề ba nền
văn hóa cổ đại ở nước ta, các vương triều phong kiến, cuộc cải cách ruộng
đất, Nhân văn giai phẩm, chính quyền Việt Nam cộng hòa... thì trong giới sử
học từng trao đổi nhiều, nhưng gần đây vấn đề này đã được nói rộng rãi, công
khai.
Theo tôi, để có thể làm sáng tỏ được những khoảng trống
lịch sử đó cần phải làm được ba điều sau đây:
Trước tiên, phải thu thập sử liệu khách quan. Có nhiều
khoảng trống lịch sử có thể do chưa đủ tư liệu. Thu thập tư liệu là một quá
trình lâu dài, không phải bỗng chốc mà có đầy đủ, nhưng cần trên tinh thần có
tư liệu đến đâu thì trình bày (trong) lịch sử đến đó.
Thứ hai là phải thực sự tôn trọng tính khách quan của lịch
sử. Bấy lâu nay, trong chừng mực nhất định chúng ta chưa hoàn toàn bảo đảm
được điều đó khi viết sử.
Nguyên tắc tôn trọng tính khách quan của lịch sử là rất
quan trọng với người nghiên cứu. Nói cho cùng, chưa thể khẳng định cái gì là
hoàn toàn khách quan, nhưng phải từng bước tiếp cận gần nhất với sự thật lịch
sử.
Thứ ba, phải hiểu cho đúng thế nào là sử học phục vụ chính
trị. Để phục vụ chính trị mà cắt xén lịch sử thì không còn là lịch sử nữa.
Bất cứ ngành khoa học nào cũng đều phải phục vụ vấn đề chủ
quyền, lãnh thổ, đất nước... nhưng đừng vì những điều đó mà cắt xén lịch sử,
hoặc trình bày lịch sử một cách phiến diện.
Không thể cứ điều gì có lợi cho “ta” thì mới nói, còn
những gì thực tế lịch sử diễn ra nhưng không có lợi cho “ta” thì lại không
nói. Phải rạch ròi giữa hai chuyện nói xấu lịch sử và nói ra cái xấu trong
lịch sử là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Quan trọng hơn hết là những người nghiên cứu, chấp bút
lịch sử phải dựa trên cứ liệu lịch sử thực chứng và có cái tâm, tức thái độ
khách quan với các sự kiện lịch sử.
Những khoảng trống lịch sử trong sách giáo khoa cũng phải
được san lấp nhưng tùy theo từng lứa tuổi, trình độ học sinh để đưa các sự
kiện lịch sử cho các em có sự tiếp cận phù hợp.
(Theo TTO) VŨ VIẾT TUÂN ghi
|
Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét