Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Campuchia lại cản ASEAN đồng thuận về phán quyết Biển Đông?

Cập nhật lúc 21:45

Hãng thông tấn AFP dẫn nguồn từ một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết, Campuchia – đồng minh thân cận của Trung Quốc, đang ngăn cản ASEAN đạt đến một sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông, sau khi một tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển chiến lược này.

 tin nhap 20160723163817
Tòa trọng tài đã phán quyết "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông là bất hợp pháp
ASEAN đang nhóm họp tại Lào lần đầu tiên kể từ khi Tòa trọng tài ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Philippines – Trung Quốc, theo đó đã kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn” tại Biển Đông.
Vấn đề này dự kiến sẽ phủ bóng lên các hội nghị của ASEAN, đồng thời tiếp tục thách thức sự đoàn kết và vai trò trung tâm của khối, trước một Trung Quốc bị cho là đã, đang cố gắng chia rẽ khối bằng cách thường xuyên cung cấp viện trợ, vay vốn ưu đãi cho một số quốc gia đồng minh chủ chốt của họ. Trong đó, Campuchia được truyền thông quốc tế ví như “con ngựa Tơ-roa” của Trung Quốc“cài cắm” trong ASEAN.
“Điều này rất nghiêm trọng. Campuchia phản đối gần như tất cả mọi thứ, thậm chí cả sự ám chỉ tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao đã có trong các tuyên bố trước đó” – nguồn tin ngoại giao của AFP cho biết.
Dự thảo thông cáo hội nghị ASEAN đang diễn ra tại Lào mà AFP thu thập được đã cho thấy, phần tiêu đề “South China sea” (Biển Nam Trung Hoa – tên quốc tế của Biển Đông) hiện đang bỏ trống.
Mặc dù Lào cũng bị cáo buộc là có mối liên kết chặt chẽ với Bắc Kinh, nhưng nguồn tin ngoại giao của AFP cho biết, năm nay, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Lào cũng đang cố gắng để hội nghị của khối, dưới sự chủ trì của họ, có thể ra được một tuyên bố chung.
Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao này, chẳng cần Lào phải đứng về phía nào, vì ngay cả khi chỉ có một nước phản đối thì cũng đã phạm vào nguyên tắc đồng thuận của ASEAN và như thế có nghĩa là ASEAN không thể ra tuyên bố chung vềphán quyết Biển Đông.
Theo AFP, trước đó, hôm qua (22/7), một nhà ngoại giao khu vực đã tiết lộ rằng, các cuộc thảo luận trong ASEAN về Biển Đông đang bế tắc.
“Campuchia đã thực hiện một đường lối cứng rắn. Lào ẩn đằng sau vai trò Chủ tịch ASEAN và không nói bất cứ điều gì” – nhà ngoại giao này cho biết.
Nhiều người từng kỳ vọng ASEAN sẽ ra tuyên bố chung ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, nhưng đến giờ, ngoài một số thành viên như Philippines, Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Myanmar… lên tiếng, ASEAN vẫn chưa có động thái gì.
Chuyên gia Jean-Raphael Chaponniere thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) từng nhận định rằng: ASEAN trong thời gian qua vẫn chưa thể xây dựng được một lập trường thống nhất trong vấn đề Biển Đông, một phần do sức ép của Trung Quốc, một phần cũng do chưa có một văn bản pháp lý quốc tế chính thức nào có đủ sức nặng mà các quốc gia Đông Nam Á có thể dựa vào để đưa ra một quan điểm nhất quán.
Phán quyết của Tòa Trọng tài có thể sẽ là một điểm tựa vững chắc để ASEAN củng cố tính đoàn kết chống lại sức ép từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu sau sự kiện này mà ASEAN vẫn không thể ra một tuyên bố chung về Biển Đông, khối có thể phải đối mặt với những vấn đề rắc rối về hình ảnh và uy tín.
(Theo Petrotimes) Linh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét