Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Dự án cấp nước ở Vũng Áng đội vốn hơn 2.500 tỷ đồng

Cập nhật lúc 07:40 
       
Trình tự, thủ tục chọn chủ đầu tư dự án hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (KKT Vũng Áng) Hà Tĩnh không tuân thủ quy định, thể hiện sự “tiền trảm, hậu tấu” nóng vội, chủ quan và duy ý chí.
Hạng mục công trình Đập dâng Lạc Tiến - kênh dẫn - tuynel vừa đưa vào sử dụng có dấu hiệu hư hỏng. Ảnh: Minh Thùy. 
Hạng mục công trình Đập dâng Lạc Tiến - kênh dẫn - tuynel vừa đưa vào sử dụng có dấu hiệu hư hỏng. Ảnh: Minh Thùy.
Chủ đầu tư chỉ định thầu cho nhà thầu là cổ đông của chủ đầu tư khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép… Đó là đánh giá của Thanh tra Chính phủ sau khi thanh tra dự án hệ thống cấp nước cho KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Như Tiền Phong đã đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TTCP làm rõ việc điều chỉnh tổng mức kinh phí dự án cung cấp nước cho KKT Vũng Áng từ 1.850 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng và việc được hỗ trợ từ ngân sách địa phương.
Lựa chọn chủ đầu tư không đúng quy định
Theo kết luận số 1538 của TTCP, từ trước năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Cty Cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với nguồn vốn xã hội hóa. Cty này triển khai thực hiện dự án với giá trị khối lượng ước đạt hơn 33 tỷ đồng. 
Nhưng do dự án thực hiện chậm tiến độ nên ngày 25/3/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án của Cty Cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh. Khoảng một tháng sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản đồng ý cho Cty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Sơn lập hồ sơ, thủ tục dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng.
Đáng lưu ý, Cty Hoàng Sơn là cổ đông chính (nắm giữ 92% vốn điều lệ) của Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng - chủ đầu tư dự án hệ thống cấp nước KKT Vũng Áng (Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng được Ban quản lý KKT Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 8/2011. 
Đến tháng 1/2012, Ban quản lý KKT Vũng Áng điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng, theo đó dự án được thực hiện hình thức 100% vốn của nhà đầu tư trong nước, không có vốn nhà nước.
TTCP cho rằng, trình tự thủ tục chọn chủ đầu tư dự án không tuân thủ quy định (trước khi Thủ tướng có văn bản chỉ đạo), thể hiện việc “tiền trảm, hậu tấu”, nóng vội, chủ quan và duy ý chí. “Việc chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi Giấy chứng nhận của Cty Kinh doanh nước Hà Tĩnh đến thời điểm thanh tra chưa giải quyết dứt điểm về vốn mà Cty này đã đầu tư cho dự án, tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện” - TTCP  cảnh báo.
Chỉ định thầu trái luật
Sau khi có các văn bản thẩm tra của cơ quan chức năng, ngày 12/9/2012, chủ đầu tư có quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư lên tới hơn 4.415 tỷ đồng, bao gồm vốn tự có, vốn vay và vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. 
Sau đó, theo đề nghị của chủ đầu tư và UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT thẩm định “cho áp dụng và vận dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối với dự án. Đến tháng 3/2013, Bộ KH-ĐT có văn bản báo cáo Thủ tướng về dự án này, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 1.269 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam 1.000 tỷ đồng…
TTCP đánh giá, việc Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng quyết định phê duyệt dự án khi chưa xác định được nguồn vốn đầu tư là vi phạm Luật Xây dựng 2003 và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2005.  
Nếu tách riêng số tiền ngân sách hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng do UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thực hiện thì phần vốn Nhà nước so với tổng mức đầu tư là 1.390 tỷ đồng, chiếm hơn 31,4% . Theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2005: “Dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển phải  đấu thầu”, nhưng chủ đầu tư đã chỉ định các gói thầu tư vấn và xây dựng, trong đó có cả nhà thầu là cổ đông của chủ đầu tư.
“UBND tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn chủ đầu tư là đơn vị không chuyên ngành, chưa có kinh nghiệm trong khi dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, có tính chất đa mục tiêu, gồm nhiều hạng mục phức tạp… là nguyên nhân khiến tiến độ thực hiện từ năm 2012 trở về trước quá chậm” - TTCP nêu quan điểm.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, trong giai đoạn 2006-2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai 57 công trình cấp nước tập trung, 50 giếng làng, 1.575 công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình với tổng số vốn đầu tư hơn 152 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi các công trình cấp nước tập trung hoàn thành, có một số công trình hoàn toàn không sử dụng được hoặc chỉ sử dụng được một phần. Điển hình, công trình cấp nước sinh hoạt thôn 4, xã Cẩm Mỹ có tổng dự toán 140 triệu đồng, do Sở TN&MT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư; công trình nước sinh hoạt xã Kỳ Trung có tổng dự toán 468 triệu đồng, do Xí nghiệp Chè 12/9 làm chủ đầu tư.
(Theo Tiền phong) Dương Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét