Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Cảnh báo nguy cơ động đất, sóng thần trên Biển Đông

Cập nhật lúc 14:40              
Các nhà khoa học cho biết nguy cơ xảy ra một cơn sóng thần với sức mạnh lớn ở Biển Đông có thể đã bị đánh giá thấp do tình tình căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền trong thời gian qua. 
 202ab8eb0dba437d35423d93941872-1940-8325
Nếu động đất và sóng thần lớn xảy ra ở rãnh Manila, nhiều khu vực của Phillipines, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng và tàn phá nặng nề. Ảnh: Journal of Asian Earth Sciences

Qian Jin là một chuyên gia về địa chất biển tại Viện nghiên cứu ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6, Qian cho biết ông đã sử dụng một mô hình toán học mới để xác định và phân tích dữ liệu địa chấn được tàu nghiên cứu của Trung Quốc thu thập dọc theo rãnh Manila.
Mô hình mới đo được cấu trúc địa vật lý của rãnh Manila với độ phân giải cao. Nhờ đó, Qian phát hiện rằng khu vực đứt gãy ở rãnh Manila, vốn có thể gây ra một cơn sóng thần lớn, có chiều dài thực tế lớn hơn so với nhiều báo cáo trước đó. Điều này có nghĩa rằng khả năng sinh động đất và sóng thần lớn ở rãnh Manila có thể đã bị đánh giá thấp.
Một nhà khoa học tham gia chương trình nghiên cứu cho biết trong thời gian này, họ cần dữ liệu mới để đánh giá quy mô và thời gian có thể xảy ra sóng thần. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng trên Biển Đông đã ngăn cản họ đi đến khu vực này và thu thập dữ liệu. Việc phân tích và dự đoán nguy cơ xảy ra thảm họa cần dựa vào các dữ liệu mới. Trong khi đó, hoạt động này đang bị giới hạn vì nhiều vấn đề nóng bỏng trên Biển Đông.
Chu kỳ gây chấn động và sinh động đất của rãnh Manila trung bình được cho là 500 năm/lần và lần hoạt động địa chấn gần đây nhất của nó là khoảng 500 năm. Năng lượng tích tụ bên trong sẽ thúc đẩy một trận động đất lớn, với sức mạnh khủng khiếp.
Theo tiến sĩ Renato Solidum, giám đốc Viện Nghiên cứu Núi lửa và Địa chấn Philippines, một trận động đất có cường độ 8,2 độ Ricter ở rãnh Manila có thể gây ra những cơn sóng thần cao 10 m, đổ bộ vào bờ biển Phillipines chỉ trong 5-10 phút và thủ đô Manila sẽ ngập trong biển nước sau một giờ.
Tiến sĩ Tso-Ren Wu của Đại học Trung ương Đài Loan cho rằng Đài Loan là hòn đảo đặc biệt dễ gặp nguy hiểm không chỉ vì nằm ở gần đầu phía bắc của rãnh Manila, mà còn bởi có một nhà máy điện hạt nhân lớn nằm ở bờ biển phía nam. Theo Wu, nếu trận động đất đạt đến cường độ nhất định, thậm chí ngay cả Hong Kong cũng có thể bị tàn phá. Tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn nếu nhà máy điện hạt nhân ở Daya Bay, Thâm Quyến, bị ảnh hưởng.
Mao Xianzhong, giáo sư nghiên cứu nguy cơ sóng thần của Đại học Thanh Hoa, nhận định các trận động đất ở rãnh Manila với cường độ từ 8 độ Richter trở lên có thể gây ra thảm họa với khu vực ven biển phía nam của Trung Quốc đại lục, với những cơn sóng cao 5 m. Hàng trăm nghìn người có thể thiệt mạng.
Theo Mao, chính phủ các nước cần đặt vấn đề tranh cãi về mặt chính trị sang một bên và cùng nhau hợp tác để xử lý vấn đề này càng sớm càng tốt.
Rãnh Manila dài 350 km, trải dài từ phía nam Đài Loan theo hướng nam đến bờ phía tây của đảo Luzon, đảo lớn nhất của Phillipines. Rãnh Manila có độ sâu khoảng 5,4 km, gần gấp 3,5 lần độ sâu trung bình của Biển Đông. Đây là nơi mảng lục địa Á-Âu khổng lồ va chạm và chìm xuống dưới mảng lục địa Philippines cổ xưa. Khu vực này gần với bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc và Phillipines cùng tuyên bố có chủ quyền.
Thùy Linh (Theo South China Morning Post)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét