Cần giải pháp giảm
nạn “con ông cháu cha”
Cập nhật lúc 08:17
TT
- Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tình trạng “con ông cháu cha” trong
tuyển dụng nhân sự bộ máy nhà nước có dấu hiệu phổ biến.
Từ những thông tin sai phạm trong thi
tuyển công chức ở Bộ Công thương, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tình trạng
“con ông cháu cha” trong tuyển dụng nhân sự bộ máy nhà nước có dấu hiệu phổ
biến
Giải pháp nào cho vấn nạn này?
Ông ĐINH
XUÂN THẢO, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp:
Bộ Nội vụ nên đứng ra tổ chức thi chung
* Nhiều người nói việc lộ đề, con cháu
cán bộ trúng tuyển không chỉ có ở Bộ Công thương vì cơ chế hiện nay người ta
lập hội đồng thi, làm đúng quy trình nhưng vẫn đưa được con cháu vào?
- Tất cả đều là con người nên hình thức
nào cũng có thể bị tác động. Cơ chế thi của chúng ta dù rất chặt nhưng vẫn có
kẽ hở. Trước đây tôi từng làm vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, từng trực tiếp
thuê ra đề, quản lý đề mà cuối cùng vẫn có người trình độ bình thường nhưng điểm
lại cao. Sau này tìm hiểu thì biết trước khi thi có ôn, trong quá trình ôn,
quan hệ giữa thầy với trò thế nào mình không biết được.
Vì vậy, vấn đề là cơ chế để đảm bảo
khách quan. Tôi thấy Bộ Tư pháp lần đầu tiên thuê trường đại học tổ chức thi
ngoại ngữ, như thế đã chọn lọc được rất nhiều. Sau đó bộ tổ chức thi, sàng
lọc một lần nữa. Trước khi thi nên tổ chức hội đồng sơ tuyển để loại khả năng
một ông chủ trì định hướng một vài cá nhân cụ thể.
* Nhưng ở đây nhiều thành viên trong cơ
quan đó đều có người nhà trúng tuyển, vậy phải có giải pháp như thế nào?
- Trước đây đã có tính toán để Bộ Nội
vụ đứng ra tổ chức thi tuyển chung, cơ quan quản lý công chức, viên chức của
cả nước là Bộ Nội vụ, họ có thể tổ chức thi tuyển để kiểm tra đủ điều kiện
với những “tiêu chuẩn cứng” của công chức, viên chức.
Theo tôi, đã vào công chức phải có nền
chung. Vì vậy, nên để Bộ Nội vụ đứng ra tổ chức một kỳ thi riêng cho tất cả
công chức. Khi đỗ kỳ thi này, thí sinh có thể ứng thí vào tất cả cơ quan nhà
nước. Khi đó, các bộ ngành cần tuyển công chức chỉ tổ chức thi chuyên môn, nghiệp
vụ.
Điều này đảm bảo yếu tố sàng lọc. Nếu
“con ông cháu cha” không qua được kỳ thi của Bộ Nội vụ cũng không đủ tiêu
chuẩn thi vào các bộ ngành. Và thí sinh đã có chứng chỉ của Bộ Nội vụ thì đảm
bảo được thừa nhận chung trong 2-3 năm chẳng hạn, không phải thi lại cũng những
kiến thức ấy ở các nơi khác nữa.
Cơ quan tôi thi tuyển công chức cũng
nhờ Bộ Nội vụ làm. Chúng tôi có đưa ra hướng về tiêu chuẩn cần kiến thức này.
Tuy nhiên để đảm bảo khách quan, Bộ Nội vụ cũng cần có quyền của họ, như
trong ngân hàng đề thì rút ra những câu hỏi cụ thể, hoặc đảo đề... Điều này
sẽ hạn chế được tiêu cực, tránh khả năng cơ quan tổ chức thi muốn cho người
nhà mình biết trước thông tin.
Nguyên phó đoàn Đại
biểu Quốc hội Thanh Hóa LÊ VĂN CUÔNG:
Lo cho con cháu nông dân
Trước thông tin về sai phạm lộ đề, con
cháu cán bộ trúng tuyển ở Cục Quản lý thị trường, tiếp theo là có đơn thư nêu
khả năng tiêu cực trong thi cử, đưa họ hàng cục trưởng vào bộ máy nhà nước, tôi
thấy không có gì bất ngờ.
Trước đây tại diễn đàn Quốc hội, tôi đã
nêu nhiều về tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy việc. Điều này dư luận đã
nói rất nhiều, không còn là hiện tượng cá biệt nữa, và những vụ việc như tại
Cục Quản lý thị trường hay nghi vấn ở Cục Quản lý cạnh tranh chỉ là phần nổi
của tảng băng chìm. Nhưng do các giải pháp của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa đủ
để ngăn chặn nên nó vẫn diễn ra.
Để xảy ra tình trạng tiêu cực trong thi
cử, đưa con cháu vào bộ máy hay chạy việc là điều đáng lo ngại. Bởi nó sẽ
khiến bộ máy không trong sạch, và những người đã “chạy” khi vào bộ máy rồi
rất dễ tạo nhũng nhiễu, tiêu cực, tiếp tục chạy chức chạy quyền, gây hậu quả lớn.
Đặc biệt, hiện tượng “con cháu”, chạy
việc... có thể gây ra tình trạng bất bình đẳng, gây âu lo, thiệt thòi cho con
em nhiều gia đình không có mối quan hệ hay tiền để “chạy”. Nhiều bậc cha mẹ
đã phải vay tiền để cho con đi học. Họ không thể đủ tiền để lo tiếp tiền chạy
việc. Nếu để người học kém, bằng cấp không chuẩn mực, bằng giả vào bộ máy,
thậm chí đã được bố trí sẵn thì điều này thực tế gây lãng phí lớn trong đào
tạo, tuyển dụng.
Hiện nay còn tình trạng nữa là nhiều
người có “mối quan hệ” được bố trí sẵn làm nhân viên hợp đồng như nhân viên
tạp vụ, chưa đòi hỏi kỹ năng để giữ chân. Sau đó họ được cho đi học tại chức
hoặc hệ nào đó. Học xong sẽ tìm mọi cách bố trí. Hệ quả này sẽ làm chất lượng
công chức giảm sút.
Muốn ngăn chặn tình trạng này có nhiều
giải pháp, nhưng người đứng đầu phải nghiêm. Ở Thanh Hóa, khi chủ tịch tỉnh
quyết liệt, tình hình đã có cải thiện tích cực ngay. Tuy nhiên, nếu cơ quan
chức năng không tạo được sức ép thường xuyên, đủ mạnh, trên diện rộng thì không
ai tự lấy đá ghè chân mình, bị ảnh hưởng đến các mối quan hệ, ảnh hưởng tới
quyền lợi và quyền lực của họ.
Đại biểu Quốc hội NGUYỄN
SỸ CƯƠNG:
Đã phát hiện thì phải xử lý nghiêm
Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về
tiêu cực trong thi cử, nhưng việc xử lý vẫn phụ thuộc người có thẩm quyền.
Tôi cũng đã có ý kiến liên quan đến sai phạm trong vụ việc lộ đề, nhiều con
cháu cán bộ ở Cục Quản lý thị trường trúng tuyển, Bộ Công thương đã xác nhận
có sai phạm, nhưng rõ ràng việc xử lý của Bộ Công thương có biểu hiện nương nhẹ,
không kiên quyết.
Người đứng đầu - chủ tịch hội đồng thi,
tức có trách nhiệm cao nhất trong vụ việc - lại chỉ chịu hình thức phê bình
nghiêm khắc. Phải có hình thức kỷ luật thích đáng, chứ phê bình nghiêm khắc
là thiếu nghiêm túc.
Tôi không phủ nhận cũng có những “con
ông nọ, cháu bà kia” có năng lực, tuy nhiên năng lực đó phải được chứng minh
qua các kỳ thi công khai, minh bạch và công bằng. Nếu đã phải gian lận thì
khó lòng đảm bảo có năng lực thật sự.
Theo
Tuổi trẻ
|
Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét