T.S Lương Hoài
|
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết phải bắt
tay làm mới ra việc, không thể ngồi bàn mãi. Nếu thành công thì doanh
nghiệp, người dân được lợi.
|
VÌ SAO NÊN KHỞI ĐỘNG LẠI ĐƯỜNG BAY VÀNG?
Đường bay “vàng” với người làm hàng
không lâu năm như ông có phải là một điều mới mẻ không?
Không, như một ý tưởng thì đường bay này đối với cá nhân
tôi và nhiều khác trong ngành hành không không có gì mới mẻ cả. Chúng tôi đã
nghĩ đến nó, trao đổi về nó mãi, ít ra là từ những năm 90. Logic vấn đề cũng
đơn giản. Ngay đường đi trên mặt đất ta còn muốn càng thẳng càng tốt, nữa là
đường trên trời.
Thế tại sao nó mãi không thành hiện
thực, thưa ông?
Trước đây nghĩ đến cũng chỉ để mà mơ về một "đường
bay lý tưởng" thôi, chứ cả về phương diện kỹ thuật - công nghệ và pháp
lý quốc tế đều không khả thi, chưa nói gì đến các tính toán hiệu quả.
Trong quá khứ, các đường bay nội địa đều đi trong lãnh
thổ, không phận quốc gia. Lý do đơn giản là vì mỗi chuyến bay trên trời đều
phải có các thiết bị dẫn đường ở dưới đất hỗ trợ. Máy bay phải bay qua các
đài không lưu. Việt Nam
không thể sang Lào, Campuchia xây các đài không lưu để điều hành các chuyến
bay nội địa của ta được. Công nghệ điều hành bay cũ là như vậy.
Nhưng gần đây, tình hình đã thay đổi nhiều. Hoạt động quản
lý, điều hành bay đã sử dụng nhiều phương tiện vệ tinh và phương thức dẫn
đường GPS (Global Positioning Systems). GPS ngày nay được sử dụng nhiều trên
cả các phương tiện đường bộ và hàng hải.
Các máy bay nhỏ như thuỷ phi cơ Cessna của chúng tôi cũng
bay được bằng GPS. Chỉ cần cho toạ độ của hai điểm bất kỳ, máy bay sẽ được
chỉ đường bay đúng theo đường nối thẳng hai điểm đó. Hai chiếc thuỷ phi cơ
của chúng tôi vừa bay các chặng bay dài khoảng 4000 km qua Thái Bình Dương về
Việt Nam .
Làm gì có đài không lưu nào xây giữa biển? Bây giờ không cần phải xây nhiều
đài không lưu dưới đất để điều hành bay trên trời bây giờ như trước đây nữa.
TIỂU VÙNG CLMV ĐÃ BÀN NẮN THẲNG CÁC ĐƯỜNG BAY TỪ LÂU
T.S Lương Hoài
|
Nhưng nhiều người cho rằng có dẫn đường
tốt đến đâu thì cũng không thể sang nước khác để mở đường bay nội địa của
mình được, ông nghĩ sao?
Về pháp lý quốc tế, để các chuyến bay nội địa của Việt Nam đi qua
Lào và Campuchia, cần phải có sự chấp thuận của hai nước này. Rất may, cơ chế
hợp tác hàng không Tiểu vùng Mê Kông giữa 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và
Việt Nam (CLMV) ra đời năm 1998 đã tạo cơ hội giải quyết vấn đề trong khuôn
khổ đa phương.
Liên tục trong 3 năm, từ năm 2006 đến 2008, nhu cầu
"nắn thẳng" đường bay trong Tiểu vùng đã được nêu ra tại Hội nghị
các hãng hàng không CLMV. Mục 5.8 Biên bản Hội nghị năm 2008 ghi rõ:
"Hội nghị thống nhất đề nghị chính phủ các nước CLMV nghiên cứu thoả
đáng việc thiết lập thêm các đường không lưu thẳng nhất có thể được thay thế
cho một số đường hiện tại để các hoạt động hàng không trở nên hiệu quả và
kinh tế hơn".
Theo tôi biết, Cục Hàng không Việt Nam khi đó
cũng đã xúc tiến trao đổi các vấn đề kỹ thuật với Lào và Campuchia. Tôi không
hiểu sao, từ năm 2009 vấn đề này không được đề cập tiếp trong khuôn khổ CLMV
nữa.
Với việc Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trực tiếp trao
đổi và đạt được sự chấp thuận của chính phủ Campuchia, vấn đề pháp lý về cơ
bản đã được giải quyết. Tôi tin là cũng sẽ không có khó khăn gì với Lào.
Như vậy, chúng ta đã có giải pháp kỹ thuật, có cơ sở pháp
lý, vấn đề cuối cùng bây giờ là hiệu quả kinh tế - xã hội của phương án.
NẾU CHỈ NGẮN HƠN 100 KM ĐÃ ĐỦ ĐỂ ỦNG HỘ
Như ông nói, mọi chuyện không quá khó
hiểu, vậy tại sao có nhiều tranh luận đến vậy trong suốt thời gian qua?
Tôi có cảm giác là một số yếu tố có tính cá nhân đã làm
cho vấn đề phức tạp một cách không cần thiết. Ai là người đầu tiên có ý tưởng
về đường bay này - điều đó đâu quan trọng? Người ta thường nói, ý tưởng chỉ
đáng giá mấy xu, biến ý tưởng thành hiện thực mới là việc quan trọng và giá
trị được tạo ra từ đó.
Tôi cũng thấy xuất hiện trên báo chí rất nhiều con số
không có cơ sở, thiếu thuyết phục. Việc tính toán, tôi nghĩ nên để cho các cơ
quan chuyên môn họ làm. Nhưng tôi có thể khẳng định không có chuyện đường bay
được rút ngắn hơn 400 km, thời gian bay bớt đi 25 phút và tiết kiệm chi phí
trực tiếp mấy trăm triệu USD mỗi năm.
Nhưng nếu đường bay chỉ ngắn hơn 100 km, thời gian bay ít
hơn 5-10 phút thì cũng đã đủ để ủng hộ. Chi phí một giờ bay máy bay A320
khoảng 6000 USD, giảm được 10 phút bay thì đã dư tiền để trả phí bay quá cảnh
cho cả hai nước. Lợi ích lớn hơn ở tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội. Mỗi
năm có hơn 5 triệu lượt người đi lại giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu mỗi
người bớt được 10 phút bay, tổng số giờ bay xã hội tiết kiệm được rất đáng
kể. Ngoài ra, máy bay có thêm thời gian để phục vụ mặt đất, giảm chậm chuyến,
hoặc để bay thêm chuyến bay.
Việc tranh luận căng thẳng trong thời gian qua, theo tôi,
là do việc sử dụng các số liệu thiếu cơ sở và sự nhìn nhận, đánh giá hiệu quả
của đường bay mới còn phiến diện. Đâu nhất thiết phải tính vống lên thì vấn
đề mới đáng được quan tâm?
KHÔNG CÓ GÌ KHÓ KHĂN ĐẾN MỨC PHẢI TỪ BỎ
Các hãng hàng không như
Vietnam Airlines và VietJet Air sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ việc nắn
thẳng đường bay
|
Đứng ở góc độ một người kinh doanh hàng
không, ông có muốn có một đường bay mới nối trục Bắc - Nam hay không, cho dù
là đường bay nội địa đó bay qua không phận nước khác?
Tất nhiên là có chứ! Tôi có dự cả 3 Hội nghị CLMV nêu trên
và là một trong những người ủng hộ mọi cơ hội "nắn thẳng" đường
bay. Tất nhiên là có một số công việc cần phải làm, nhưng tôi chẳng thấy có
gì là khó khăn, nguy hiểm đến mức phải từ bỏ nếu có cơ hội. Kể cả vấn đề tìm
kiếm, cứu nạn mà một số người nêu. Máy bay Việt Nam đã và đang bay tận châu Âu,
tận Úc, có vấn đề gì đâu? Chỉ cần thiếp lập các cơ chế phối hợp thật hiệu quả
với các quốc gia liên quan là được.
Với những tranh luận như vừa qua, việc
bay kiểm tra trên buồng lái giả định theo ông có ý nghĩa thế nào? Có cần bay
thực tế để có kết quả chính xác hơn?
Với công nghệ hàng không hiện nay, việc thực nghiệm một
chuyến bay trên buồng lái giả (SIM) và trên thực tế không khác nhau nhiều. Cá
nhân tôi nghĩ việc bay thực nghiệm trên thực tế là không cần thiết đối với
việc ra quyết định vì mọi tính toán đều có thể làm được mà không cần phải
bay. Nếu có “đầu bài” chuẩn, kết quả bay SIM sẽ cho thấy kết quả chính xác
nhất về giờ bay, số giờ thực tế rút ngắn được.
Một “đầu bài” chuẩn nghĩa là gì?
Kết quả bay Sim và kể cả bay thực nghiệm thực tế đều phụ
thuộc vào lựa chọn của con người. Máy bay có thể bay ở các mực bay khác nhau,
với tốc độ bay do người lái chọn, chịu ảnh hưởng của hướng và tốc độ gió.
Đường bay mới cũng sẽ không thẳng như một đường kẻ chỉ, mà
có những đoạn gấp khúc (do hệ thống đường bay sẵn có hoặc để tránh các khu
cấm bay của các nước).
Do vậy, trước khi thực nghiệm, dù theo phương thức nào,
cần phải tính toán, thống nhất những thông số khai thác đó. Nếu đường bay
ngắn hơn, mà người lái lại bay chậm hơn, ở mực bay thấp hơn thì chắc gì thời
gian bay thực tế đã ít hơn so với hiện nay?
Nếu kết quả bay thử nghiệm cho thấy chỉ
rút ngắn được 5 -10 phút bay, chứ không phải là 26 phút như ý kiến của ông
Trần Đình Bá theo ông có nên tiếp tục nghiên cứu mở đường bay này hay không?
Như tôi đã nói ở trên, nếu đường bay mới tiết kiệm được
chỉ 10 phút bay và phải trả phí bay quá cảnh cho Lào và Campuchia như các số
liệu mà báo chí đã nêu thì vẫn nên mở đường bay này. Số tiền phải trả cho hai
nước vẫn còn thấp hơn nhiều so với các lợi ích trực tiếp và gián tiếp của nó.
Các hãng hàng không giá rẻ JPA và VJA khai thác A320 ở mức 6 chuyến bay mỗi
ngày giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu mỗi chuyến bay của máy bay bớt được
10 phút thì cả ngày bớt được 60 phút. 60 phút đó có thể sử dụng để bay thêm
một chuyến bay ngắn, hoặc để thêm thời gian phục vụ mặt đất và giảm chậm
chuyến dây chuyền, hoặc đơn giản là để hành khách các chuyến bay cuối ngày
được hạ cánh và về đến nhà sớm hơn 1 giờ.
Ngoài việc tiết kiệm thời gian, chi
phí, hãng hàng không còn phải quan tâm tới những gì trước khi mở đường bay
mới này, thưa ông?
Các hãng hàng không cần quy chế và phương thức điều hành
bay rõ ràng; sự phối hợp hiệu quả và tính chuyên nghiệp của cơ quan quản lý,
điều hành bay của ba nước; công tác hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn khi không may
xảy ra sự cố hàng không.
Với đường bay này, đương nhiên các hãng hàng không mong
muốn là tiết kiệm được càng nhiều chi phí chuyến bay càng tốt. Do vậy cần cố
gắng thoả thuận mức phí bay quá cảnh hợp lý với Lào và Campuchia để tăng lợi
ích kinh tế cho các hãng hàng không.
KHÔNG CẦN ÁP ĐẶT CHUYỆN CHỌN
ĐƯỜNG BAY
Các hãng hàng
không đều mong muốn giảm được chi phí
|
Theo ông, có thể xảy ra tình huống
đường bay mới đã mở mà các hãng hàng không không muốn bay hay không?
Tôi nghĩ sẽ không xảy ra điều đó. Tuy nhiên, các cơ quan
nhà nước không cần áp đặt việc lựa chọn đường bay. Khi đã có đường bay mới
giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi qua Lào và Campuchia, hãy cứ để mỗi hãng
hàng không tự quyết định sử dụng đường bay mới hay tiếp tục sử dụng đường bay
lâu nay. Cần lưu ý rằng tần suất bay hàng ngày giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
rất lớn (nằm trong số các cặp thành phố có số chuyến bay hàng ngày cao nhất
thế giới). Nếu có một số chuyến bay sử dụng đường bay mới, một số chuyến bay
sử dụng đường bay cũ thì cũng không có vấn đề gì cả. Cá nhân tôi tin là đường
bay mới sẽ được họ ưu tiên.
Cuối cùng, ông nghĩ thế nào về việc
khởi động lại dự án đường bay này?
Tôi khá bất ngờ với việc Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết
định xem xét lại một vấn đề tưởng như đã được khép lại sau các đợt tranh luận
căng thẳng trước đây. Tôi càng bất ngờ hơn với việc Bộ trưởng trực tiếp
thương thảo vấn đề này với chính phủ Campuchia. Cho dù còn khá nhiều công
việc cần phải làm trước khi có quyết định cuối cùng, tôi đánh giá cao những
việc làm của Bộ trưởng trong việc tìm mọi cách "nắn thẳng" các
đường bay để các hoạt động hàng không ngày càng mang lại hiệu quả cao hơn cho
các hãng hàng không và cho toàn xã hội.
Ngoài đường bay nội địa Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, một số
đường bay quốc tế của Việt Nam cũng cần được "nắn thẳng", tôi mong
là Bộ trưởng sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thực hiện để sớm đạt được kết quả.
Xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này.
(Theo Báo GTVT) Nguyễn Nga thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét