Tôi chưa
vào Đảng
Cập nhật lúc 16:30
TT
- Chia sẻ với những suy nghĩ của ông Vũ Ngọc Hoàng - phó trưởng ban thường trực
Ban Tuyên giáo trung ương, TS Lê Nguyễn Minh Quang đã có những suy nghĩ đầy trăn
trở với đất nước..
TS Lê Nguyễn Minh Quang, tổng giám đốc Công ty Bachy
Soletanche, cùng nhân viên ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa”
- Ảnh: Minh Đức
Xin bắt đầu bằng câu chuyện về buổi họp
mặt bạn bè cũ thời học phổ thông ở Trường cấp 2 Kiến Thiết, Q.3, TP.HCM của
chúng tôi vừa được tổ chức.
Đã mấy chục năm gặp lại, bạn bè mỗi đứa
một cuộc đời nhưng tất cả vẫn bồi hồi xúc động nhắc chuyện ngày ấy làm kế hoạch
nhỏ, những đứa trẻ chúng tôi đã đến bãi sắt vụn kéo về sân trường cả một chiếc
vỏ ôtô bị vứt bỏ.
Ngày ấy, Đội, Đoàn có sức hấp dẫn, lôi
cuốn mạnh lắm. Hình ảnh đội viên sáng sáng tập thể dục, làm vệ sinh khu phố,
tối tập nghi thức, sinh hoạt, hát ca, đoàn viên với những chương trình hành động
xung kích, giữ gìn trật tự đường phố, giúp đỡ người già, dìu dắt trẻ em... cho
tôi một lý tưởng phụng sự xã hội cao đẹp.
Tôi từng ấp ủ ước mơ và vui sướng biết
bao nhiêu khi được vào Đội, vào Đoàn.
Vào Đảng bây giờ có thật sự để được cống
hiến?
"Tôi mong hãy có thêm lần đột
phá tư tưởng thứ ba: bất kể là ai, nếu có đức, có tài thì người đó phải được
trọng dụng, được tạo cơ hội để đóng góp một cách tốt nhất cho đất nước"
|
Vậy tại sao tôi lại chưa vào Đảng? Do tôi
được đào tạo bài bản về ngành xây dựng và quản lý, được đánh giá là có chuyên
môn, có năng lực, lãnh đạo thành phố có lần đề nghị tôi tham gia công tác quản
lý ở Sở Xây dựng hay Sở giao thông vận tải. Và yêu cầu tiên quyết là tôi phải
là một đảng viên.
Là một con dân thành phố, tôi rất khát
khao được cống hiến khả năng của mình cho thành phố này, nhưng câu hỏi đặt ra
là: tôi sẽ cống hiến bằng năng lực chuyên môn của mình hay bằng những buổi sinh
hoạt Đảng?
Tất nhiên là bằng chuyên môn và nhiệt
tâm, các anh chị lãnh đạo trả lời. Vậy tại sao điều kiện cần nhất lại là: phải
là đảng viên?
Không giống như thời chiến tranh, thời
đảng viên luôn là những người đi đầu, người dấn thân, tôi cảm thấy mục đích vào
Đảng của mọi người hiện giờ hơi mơ hồ.
Vào Đảng bây giờ có thật sự để được cống
hiến, phục vụ xã hội tốt hơn không, hay chỉ đơn giản là để được thăng tiến
trong sự nghiệp?
Bao năm nay không phải là đảng viên, tôi
vẫn phấn đấu hết sức cho công việc của mình, vẫn cố gắng làm nhiều điều có ích
cho xã hội.
Bây giờ làm đơn xin vào Đảng, mục đích
của tôi sẽ là gì nếu không phải là để được bổ nhiệm chức vụ? Nếu vậy, tôi cảm
thấy đó là một việc làm không phải với Đảng, với lý tưởng, ước mơ của tôi, không
phải với chính bản thân mình...
Vì những câu hỏi không trả lời được đó,
vì những lý do đó, tôi chưa làm hồ sơ xin được kết nạp, dù trong thâm tâm cũng
rất tiếc vì không có cơ hội cống hiến nhiều hơn.
Hãy đột phá tư tưởng lần thứ ba
Trong quá trình xây dựng kinh tế sau ngày
thống nhất, Việt Nam
đã có hai lần thay đổi quan điểm, có thể coi là cách mạng tư tưởng rất thành
công: Một: không còn coi tư hữu ruộng đất là di sản của chế độ phong kiến, trả
ruộng đất về cho người dân. Chỉ sau hai năm, từ một nước đói ăn, chúng ta đã có
gạo xuất khẩu.
Hai: công nhận kinh tế tư nhân, coi doanh
nhân là một thành phần đóng góp lớn cho xã hội. Quan điểm này đã khiến thay đổi
cả diện mạo đất nước.
Tôi mong hãy có thêm lần đột phá tư tưởng
thứ ba: bất kể là ai, nếu có đức, có tài thì người đó phải được trọng dụng,
được tạo cơ hội để đóng góp một cách tốt nhất cho đất nước.
Khi tư tưởng đó được áp dụng từ trên
xuống dưới sẽ tạo ra làn sóng trong xã hội, những người có thực tài, thực tâm
được giao những vị trí thích hợp để làm việc thì lo gì đất nước ta không nắm
được cơ hội để phát triển.
Hãy nhớ lại những ngày đầu xây dựng chính
quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ quanh Người đội ngũ nhân sĩ trí thức đông
đảo, nhiệt huyết giữa hoàn cảnh vô vàn khó khăn.
Đa số họ là những người ngoài Đảng. Họ
đến với chính quyền vô vụ lợi bằng lòng yêu nước, thiện tâm, thiện chí với đất
nước. Sau này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng có nhóm cố vấn là những trí thức như
thế.
Tôi biết Đảng hiện giờ vẫn khẳng định
rằng cơ hội là công bằng với mọi người, nhưng thực tế thì không thấy có ai ở
ngoài Đảng được bổ nhiệm những vị trí quan trọng, quyết định.
Song song đó, tất nhiên Đảng vẫn phải
phát triển đội ngũ của mình. Để thu hút được những thành phần ưu tú nhất (như
lý tưởng của Đảng, lý thuyết của Đảng) thì đảng viên phải thật sự xứng đáng là những
tấm gương để người khác noi theo. Những đảng viên hãy tự hỏi mình xem họ có
thật sự mong muốn và giúp Đảng tốt lên bằng mỗi hành động của mình hay không?
Trách nhiệm cá nhân hiệu quả hơn tập thể
Năm 2000, tôi có viết một lá thư gửi Thủ tướng
Chính phủ, góp ý về chính sách sử dụng nhân tài, thu hút du học sinh về nước làm
việc, trong đó có đề nghị việc cần thay đổi quan điểm về quy trình đề cử, bổ
nhiệm.
Nếu chỉ lấy người trong bộ máy, đội ngũ
có sẵn sẽ dẫn đến việc không công khai minh bạch, dẫn đến nạn “con ông cháu
cha”, dẫn đến tình trạng người có tài không được sử dụng...
Lãnh đạo thành phố lúc đó cũng mời tôi
đến, chia sẻ rất cởi mở và chân thành với những suy nghĩ ấy.
Và ông có nói một câu khiến tôi nhớ và
suy ngẫm đến tận hôm nay: “Tôi rất muốn bổ nhiệm các giám đốc sở là những người
giỏi chuyên môn đang ở ngoài tổ chức Đảng, nhưng mười ông giám đốc sở là đảng
viên làm sai thì đó là trách nhiệm của tập thể đảng bộ, một ông giám đốc sở
không phải đảng viên làm sai thì là trách nhiệm của cá nhân tôi”.
Rất đồng cảm với ông, nhưng thổ lộ ấy
khiến tôi suy nghĩ và để tâm nghiên cứu về sự khác nhau giữa trách nhiệm tập
thể và trách nhiệm cá nhân. Khoa học quản lý đã chứng minh rằng: không thể nào trách
nhiệm tập thể lại có hiệu quả hơn trách nhiệm cá nhân.
Khi làm việc, chúng ta nên định hướng,
bàn bạc, thảo luận với tập thể, nhưng khi quyết định phải có phân cấp trách
nhiệm cho từng cá nhân. Nhìn vào cuộc khủng hoảng kinh tế mới đây trên toàn thế
giới, khuôn vào ba nước tôi đã học tập, làm việc, nghiên cứu trong giai đoạn
này là Pháp, Mỹ, Singapore thì thấy rõ: trong khi Singapore và Mỹ đã hồi phục
khá nhanh chóng thì kinh tế Pháp vẫn trì trệ, vẫn chìm sâu trong khủng hoảng.
Một trong những lý do chính là sự hỗ trợ
của Chính phủ Pháp cho các công ty, tập đoàn có vốn lớn của nhà nước đã tạo nên
sức ỳ, tư tưởng trách nhiệm tập thể trong các đơn vị ấy rất nặng, nhưng tất nhiên
không nặng bằng ở Việt Nam .
Ở Singapore , tinh thần của ông Lý
Quang Diệu thấm đẫm mọi tổ chức: trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu phải là
lớn nhất, kèm theo đó là danh dự của họ và mức lương cao tương ứng.
Trong ngành giao thông, xây dựng của
chúng tôi, mỗi khi có vấn đề không hay ở một dự án lớn thì luôn nghe được điệp
khúc quen thuộc “trách nhiệm thuộc về bộ, cục” mà không thấy tên ai cả. Quy chế
trách nhiệm tập thể của chúng ta về lý thuyết là để cá nhân được tập thể chi bộ
giám sát, nhưng rồi tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra.
Thời gian gần đây tôi mới được thấy bộ
trưởng quy trách nhiệm cho cá nhân người đứng đầu. Tôi cho rằng đó là tín hiệu tốt,
cần phải nhân rộng ra toàn xã hội. Và thay đổi sẽ đến từ đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét