Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Khủng hoảng Ukraine: Tổng thống Putin nắm “át chủ bài”?

 Cập nhật lúc 13:59     
        
(VnMedia) - Trong một bài báo được đăng tải trên website Moscow Times hồi tuần trước, tác giả cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nắm một “con át chủ bài” trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Cụ thể, Nga có thể xây dựng một mối quan hệ liên minh chặt chẽ hơn với Iran để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhằm vào họ vì cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine.  

Ảnh minh họa
Tổng thống Putin

Dưới đây là những phân tích mà tác giả Josh Cohen đưa ra trong bài báo của mình.

Khi Moscow cân nhắc một loạt cách mới để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, cả hiện thời và trong tương lai, điện Kremlin có trong tay một loạt các lựa chọn kinh tế và chính trị.

Ngoài lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm và nông sản từ Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), Moscow có thể cân nhắc việc tung ra một lệnh cấm nhập khẩu xe hơi từ nước ngoài. Tổng thống Vladimir Putin cũng có thể trả đũa bằng cách kéo dài việc cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine.

Tuy nhiên, có lẽ bước đi gây nguy hiểm nhất của Tổng thống Putin nhằm vào các lợi ích của phương Tây sẽ là tận dụng vấn đề Iran. Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực của  Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đang có các cuộc đàm phán với Tehan về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Phương Tây đang áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran vì tham vọng hạt nhân của Nhà nước Do Thái. Các biện phát trừng phạt này đã cắt đứt Iran ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Iran

Tuy nhiên, Nga chưa bao giờ nhất trí hoàn toàn với phương Tây về việc cô lập Iran và Moscow cũng đã cảnh báo phương Tây rằng họ có thể tung ra “con bài” Iran nếu phương Tây và Mỹ tiếp tục ép họ trong vấn đề Ukraine.

Phát biểu hồi tháng 3 về các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau cuộc họp P5+1 ở Geneva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, “Chúng tôi không muốn sử dụng những cuộc đàm phán đó như là một nhân tố trong cuộc chơi làm gia tăng nguy cơ … nhưng nếu họ ép chúng tôi, chúng tôi sẽ tung ra biện pháp trả đũa này”.

Người Iran cũng hiểu rõ rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể giúp củng cố vị thế của họ trên bàn đàm phán. Ông Hossein Mousavian – một cựu phát ngôn viên của các nhà đàm phán hạt nhân Iran, gần đây viết: “Theo logic thông thường, Nga sẽ chơi còn bài Iran để chống lại phương Tây. Nga cũng sẽ thu được nhiều lợi ích kinh tế lớn nếu khai thác mối quan hệ gắn bó hơn với Iran”.

Moscow đã bắt đầu có những bước đi cụ thể nhằm chơi “con bài hạt nhân” khi ký kết một biên bản ghi nhớ với Tehran, theo đó hai bên sẽ thực hiện thoả thuận “đổi hàng lấy dầu mỏ” trị giá 20 tỉ USD.

Ông Cliff Kupchan - một chuyên gia về Nga thuộc Nhóm Âu Á, đã nhận định trên tờ tạp chí Time rằng, thoả thuận đổi hàng lấy dầu mỏ “đã tạo động lực và sự tự tin cho Iran để nước này giữ một lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán”.

Thoả thuận đổi hàng hoá lấy dầu mỏ không phải là cách duy nhất để Nga gây phương hại đến các lợi ích của phương Tây ở Iran. Nga và Iran đã trải qua một loạt các cuộc thảo luận về việc xây dựng thêm những lò phản ứng hạt nhân cho Iran. Rosatom – công ty năng lượng quốc gia của Nga, chịu trách nhiệm cho các dự án như thế này. Thoả thuận trên sẽ giúp Tehran tăng cường vị thế trước phương Tây nếu nước này được phép làm giàu uranium hơn nữa trên đất của mình bởi việc xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân sẽ tăng số lượng nhiên liệu mà Iran cần.

Với thoả thuận đổi hàng hoá lấy dầu mỏ và việc xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân chắc chắn có khả năng khiến người Iran thêm phản đối việc ký một thoả thuận với phương Tây thì Nga rõ ràng đang nắm một “con át chủ bài” mà nước này có thể tung ra bất kỳ lúc nào. Phương Tây không thể không cảm thấy lo sợ trước viễn cảnh Nga thắt chặt quan hệ gắn bó, hợp tác với Iran.

Năm 2007, Nga đã ký một hợp đồng với Iran về việc cung cấp những tên lửa phòng không tối tân, tinh vi S-300 cho Nhà nước Hồi giáo.

Mặc dù năm 2010 Nga đã quyết định ngừng cung cấp hệ thống tên lửa thiện chiến S-300 trên cho Iran dưới áp lực của Mỹ và phương Tây nhưng Tổng thống Putin lúc nào cũng có thể tung ra đòn trả đũa bằng cách thông qua việc cung cấp S-300 cho Iran. Đây là một quyết định có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh ở toàn bộ khu vực Trung Đông.

S-300 sẽ được xem là con át chủ bài có sức mạnh nhất của ông Putin trong cuộc đối đầu hiện nay với phương Tây. Nếu ông chủ điện Kremlin muốn trả đũa một cách quyết liệt đối với Mỹ và phương Tây thì ông sẵn sàng tung ra con át chủ bài S-300.

Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine đang gây ra cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Nga và phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang chĩa mũi dùi chỉ trích vào nhau vì tình hình ở Ukraine. Mỹ, phương Tây đang tìm mọi cách dồn ép Nga bằng những biện pháp trừng phạt. Moscow bắt đầu tung ra đòn trả đũa đầu tiên. Diễn biến này đang đẩy hai bên vào một cuộc chiến thương mại với những đòn trả đũa qua lại gây tổn thất nặng nề cho cả hai.
Kiệt Linh - (theo MT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét