Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Từ vụ 200 triệu đồng có bằng Tiến sĩ: Khi học vị bị bán “rẻ”!

 Cập nhật lúc 09:48
                 
VOV.VN -Đào tạo sau ĐH ở nước ta đang xu hướng tăng trưởng "nóng" nhưng chất lượng chưa đạt chuẩn, việc cấp văn bằng còn lỏng lẻo.
Hiện nay, dư luận xã hội đang quan tâm đến vụ việc PGS.TS Đàm Khải Hoàn, Trưởng bộ môn Y học Cộng đồng, ĐH Y dược (ĐH Thái Nguyên) phát ngôn có thể lấy được bằng Tiến sĩ Y khoa với giá 200 triệu đồng. Sự việc được báo chí thông tin chỉ 1 tuần sau khi các cơ quan chức năng của Thanh Hóa có kết luận về vụ nộp tiền “chống trượt” thi Cao học ngành Quản lý kinh tế, trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) của 40 học viên ở tỉnh này với số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Mặc dù vụ việc về PGS.TS Đàm Khải Hoàn đang được ĐH Thái Nguyên kết hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra, làm rõ nhưng điều mà ngành Giáo dục cần xem xét lại là chất lượng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cũng như bất cập trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao giảng dạy ở các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ.
 
Ngành Giáo dục cần chấn chỉnh lại việc đào tạo và cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ  (ảnh minh họa- Tuổi trẻ)
Tính đến năm 2013, cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996, đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.
Tốc độ tăng trưởng quy mô đào tạo sau ĐH, trong đó có đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ đang trở nên ngày càng mở rộng. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định tại Hội nghị giáo dục ĐH năm 2013: “Nếu như ở Mỹ, tiến sĩ chỉ làm việc trong các viện nghiên cứu, trường học. Còn ở Việt Nam đang có xu hướng phổ cập tiến sĩ, thạc sĩ”.
Số lượng tiến sĩ, thạc sĩ tăng nhanh chóng đã chứng tỏ nhu cầu học lên cao của người dân đã và đang gia tăng. Có “cầu” thì ắt có “cung”, 116 cơ sở đào tạo được cấp phép đã đáp ứng nguyện vọng của của người học. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong lần đầu tiên tiến hành thẩm định công tác đào tạo tiến sĩ ở các trường ĐH do Bộ GD-ĐT thực hiện trong hai năm 2013 và 2014, có đến một nửa số cơ sở đào tạo không làm đúng quy trình đào tạo tiến sĩ.
Tại hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phải thừa nhận, tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ có xu hướng tăng trưởng nóng, vượt năng lực hướng dẫn của đội ngữ giảng viên. Một số chuyên ngành bị quá tải trầm trọng về giảng viên hướng dẫn ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo thạc sĩ. Nhiều nơi đào tạo thạc sĩ bên ngoài cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo theo hình thức cuốn chiếu. Công tác đảm bảo chất lượng đào tạo thạc sĩ chưa thường xuyên, thiếu kế hoạch dẫn đến một số chuyên ngành đào tạo thạc sĩ không đảm bảo chất lượng, còn để xảy ra tình trạng kiện cáo về chất lượng luận văn.
Kết quả thẩm định hồ sơ và luận án Tiến sĩ năm 2013-2014 cho thấy, việc quản lý hồ sơ đào tạo nghiên cứu sinh trong giai đoạn đầu chưa tốt. Nhiều hồ sơ không đầy đủ, chưa đảm bảo quy trình bảo vệ luận án với gần 90% hồ sơ thẩm định phải bổ sung, rút kinh nghiệm. Ngoài ra, chất lượng luận án Tiến sĩ chưa cao. Trong số các luận án thẩm định có tới 79% luận án phải chỉnh sửa bổ sung; 3,1% luận án không đạt yêu cầu phải thành lập Hội đồng thẩm định.
Người “giỏi” không muốn giảng dạy, nhiều người lấy bằng để thăng chức
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, tính đến năm học 2013-2014, số giảng viên ở các trường ĐH, CĐ có học hàm Giáo sư là 517 người, Phó Giáo sư là 2966 người và tổng số giảng viên có học vị Tiến sĩ là 9562 người.
Đáng lẽ ra, với số lượng tiến sĩ và thạc nhiều như trên thì phải là điều đáng mừng vì với nguồn nhân lực trình độ cao đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà và là đội ngũ hướng dẫn nghiên cứu sinh kế cận cho đất nước. Thế nhưng, thật đáng buồn là hồi đầu năm 2014, Bộ GD-ĐT buộc phải  dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH của 71 cơ sở đào tạo do không đảm bảo ít nhất có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ làm giảng viên cơ hữu (giảng viên giảng dạy ổn định, nằm trong biên chế của trường).
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt đội ngũ giảng viên có trình độ cao nhằm hỗ trợ các trường ĐH, CĐ phát triển ngành nghề, Chính phủ đã ban hành Quyết định đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020” (Đề án 911).
Đề án dựa trên 3 phương thức đào tạo: đào tạo ở nước ngoài, ở trong nước và đào tạo theo phương thức phối hợp với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ bổ sung thêm 20.000 tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ.
Mặc dù các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách thu hút, giữ chân được giảng viên có trình độ cao nhưng xem ra không mấy hữu hiệu. Hàng năm, các trường ĐH đều cử giảng viên đi học tập để nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, một số người đã được cử đi đào tạo ở nước ngoài không chịu trở về nước làm việc. Có thể nói, khi học xong, họ có thể đạt được một vị thế xã hội nhưng khi làm việc ở trường ĐH, người giỏi chưa chắc đã được trân trọng hoặc thậm chí thu nhập không được cao nên họ sẵn sàng bỏ giảng đường để tới những nơi có mức thu nhập cao hơn với môi trường làm việc thuận lợi, phát huy tài năng của họ.
Ngoài ra, có một bất cập cần phải xem xét là hiện nay, trong khi ở nhiều ngành học không đủ giảng viên đạt trình độ cao giảng dạy thì nhiều cơ quan, doanh nghiệp lấy tiêu chuẩn trình độ tiến sĩ để xem xét đề bạt, phân công chức vụ.
Rõ ràng, trường ĐH, học viện đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ rất nhiều. Cả nước có 24.300 tiến sĩ thì chỉ có 9562 tiến sĩ giảng dạy ở trong các trường ĐH, CĐ. Còn lại gần 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp... Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là trong số 15.000 tiến sĩ đó thì nhiều người chỉ muốn có tấm bằng để làm căn cứ thăng quan, tiến chức.
Chắc hẳn, người dân vẫn không quên một số lãnh đạo các tập đoàn, cơ quan Nhà nước có bằng Thạc sĩ của Đại học Irvine và bằng Tiến sĩ của Đại học Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cả hai trường ĐH này đều là trường “rởm”. Đó là nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch của một tỉnh đã muốn lấy bằng Tiến sĩ của ĐH Nam Thái Bình Dương nhưng không biết tiếng Anh; nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cũng lấy bằng Tiến sĩ ĐH Nam Thái Bình Dương chỉ trong 6 tháng với giá 17.000 USD. Đặc biệt nhất là vụ nguyên lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã học lớp tại chức ở ĐH Hàng hải, tiếp đó học lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, dưới thời lãnh đạo của ông đã gây thiệt hại lớn cho Vinalines.
Với những bất cập của việc đào tạo và cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ như trên thì vụ việc PGS.TS Đàm Khải Hoàn, Trưởng bộ môn Y học Cộng đồng, ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) phát ngôn có thể lấy được bằng Tiến sĩ Y khoa với giá 200 triệu đồng trong một cuộc trò chuyện với thương lái buôn gỗ do phóng viên một thờ báo đóng giả càng khiến ngành Giáo dục phải xem xét và chấn chỉnh lại hoạt động đào tạo và cấp văn bằng sau ĐH./.
Bích Lan/VOV.VN
Tôi cho rằng tấm bằng có giá 200 triệu vẫn “khá đắt” với rất nhiều “tiến sỹ giấy” tại VN ta. Nó đắt bởi trình độ thực của nhiều vị tiến sỹ chẳng đáng mấy đồng tiền.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét