Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

 AIC “cho luôn” giáo viên máy tính bảng

 Cập nhật lúc 08:33    

TT - Sau khi các học viên nâng cao năng lực tiếng Anh theo chuẩn châu Âu tại Đồng Nai đòi trả lại máy vì sợ làm hỏng sẽ bị “đền đau”, Công ty AIC nói “cho luôn”!


Một giáo viên sử dụng máy tính bảng trong khóa học - Ảnh: T.An



Máy tính bảng của AIC cho giáo viên - Ảnh: T.An

Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9-2014, Công ty cổ phần quốc tế Tiến Bộ (Advanced International Joint Stock - Công ty AIC) phối hợp ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai triển khai khóa đào tạo nâng cao năng lực tiếng Anh theo chuẩn châu Âu cho giáo viên đang giảng dạy tiếng Anh của tỉnh.
Tham gia khóa học gồm khoảng 400 giáo viên đến từ các trường tiểu học, THCS và THPT trong tỉnh.
Theo giải thích từ một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, khóa học được thực hiện theo chủ trương từ Bộ GD-ĐT nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục.
Theo đó, Công ty AIC chịu trách nhiệm về chuyên môn chương trình đào tạo, mời giáo viên nước ngoài giảng dạy... Khi kết thúc khóa học, tùy trình độ mỗi giáo viên ở các cấp học khác nhau sẽ đạt được các chứng chỉ B2, C1... theo chuẩn châu Âu.
Trong quá trình học, học viên được cung cấp trang thiết bị phục vụ học tập, nâng cao khả năng tương tác trong quá trình học nhằm đạt hiệu quả cao. Trong đó, Công ty AIC có trang bị cho mỗi học viên một máy tính bảng. Cán bộ Sở GD-ĐT cũng cho biết máy tính bảng này do phía Công ty AIC tự xin cung cấp miễn phí cho học viên chứ Sở GD-ĐT không hề mua để phát cho học viên.
Học viên cho biết khi mới vào học được chừng ba tuần, người của Công ty AIC phát cho mỗi học viên một chiếc máy tính bảng Smart Education, sau lưng có in rõ thương hiệu công ty sở hữu là AIC Group và nói là “cho học viên mượn, nếu ai làm hư hỏng sẽ bồi thường 200 USD”.
Các học viên cho biết khi nghe phía Công ty AIC nói cho mượn ai cũng ngán, đòi trả lại vì sợ làm hỏng sẽ bị “đền đau” vì mức đền khá cao so với mức lương giáo viên. Khi nhiều học viên đòi trả lại máy, Công ty AIC nói “cho luôn”, vì vậy mỗi học viên đều nhận được một máy.
Chiều 26-8, chúng tôi đến các lớp học này hiện đang được thuê mướn cơ sở tại Trường ĐH Đồng Nai để đào tạo. Mỗi lớp học có khoảng 30 học viên.
Mặc dù mỗi học viên được trang bị một máy tính bảng nhưng trong mỗi lớp học chỉ có khoảng 30% học viên mang theo để sử dụng, số học viên còn lại đi học nhưng không mang theo do không thích sử dụng loại máy này, hoặc một số học viên chỉ mang theo loại máy tính bảng của mình đã có từ trước.
Khi được hỏi vì sao không sử dụng máy tính bảng được khóa học cung cấp, nhiều học viên cho biết Công ty AIC phát máy tính bảng cho giáo viên nhưng không kèm theo hướng dẫn các thông số kỹ thuật để sử dụng, vì vậy có những giáo viên ít hiểu biết về công nghệ thông tin không biết dùng máy tính bảng này như thế nào.
Cô giáo tên T. hiện đang dạy ở một trường THPT tại TP Biên Hòa cho biết: “Tôi không sử dụng loại máy tính bảng do Công ty AIC phát cho học viên vì có cấu hình rất chậm, màn hình mờ, âm thanh rất nhỏ nên rất khó nghe. Khi khởi động chừng 15 phút là máy nóng lên, tôi sợ pin cháy. Nói chung tôi cũng không dám cho con tôi dùng loại máy này sợ mang họa vào thân”.
Một giáo viên tên N. đang giảng dạy tại một trường tiểu học cho biết: “Trong lớp tôi nhiều người đi học mang máy tính bảng do Công ty AIC phát nhưng ít ai dùng. Màn hình mờ, loa rè, ẹc ẹc khó nghe quá. Tôi không dám cài đặt chương trình gì trong máy này vì có cài vào cũng dễ biến mất. Thi thoảng tôi chỉ dùng máy này để lướt web thôi. Máy này nếu để cho trẻ em dùng cũng không hợp, vì màn hình mờ, độ phân giải không cao, những bông hoa nhỏ, con kiến làm sao các em nhận ra”.
Tuy vậy, cũng có một số giáo viên cho rằng trong quá trình theo học, họ sử dụng được máy tính bảng để truy cập Internet, cài đặt từ điển và sử dụng tra cứu. Có học viên cho biết đã mua thêm thẻ nhớ cài đặt vào máy để lưu trữ nhiều thông tin, tư liệu phục vụ học tập.
Giáo viên tên T. hiện đang dạy bậc tiểu học tại TP Biên Hòa cho biết: “Tùy vào khả năng hiểu biết về công nghệ thông tin của mỗi người học để sử dụng và bảo quản máy tính bảng cho tốt. Tôi chưa thấy ai trong lớp xài máy này bị trục trặc”.
Trong ngày 27-8, chúng tôi liên lạc điện thoại với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn để trao đổi về sự việc trên nhưng không liên lạc được.
(Theo Tuổi trẻ) THANH AN

* Bà VŨ THỊ TÚ ANH (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, phó trưởng ban thường trực BQL đề án ngoại ngữ quốc gia):
“Không chỉ đạo, bắt buộc đầu tư thiết bị đắt tiền”
Với tư cách là thường trực BQL đề án ngoại ngữ quốc gia, tôi khẳng định không có cơ sở GD-ĐT hay cá nhân nào trao đổi, làm việc với chúng tôi về việc đầu tư mua sắm máy tính bảng nhằm mục đích nâng cao năng lực dạy học ngoại ngữ.
Đề án cũng không chỉ đạo, không bắt buộc các địa phương phải mua sắm thiết bị đắt tiền cho mục đích dạy học ngoại ngữ.
Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn chỉ đạo các sở GD-ĐT cần chấn chỉnh và khắc phục ngay tình trạng mua sắm thiết bị mới nhưng không khai thác, sử dụng tối đa công suất, khả năng của thiết bị đó, không đầu tư đồng bộ, không có người vận hành, sử dụng đủ trình độ, năng lực nên không sử dụng được hoặc sử dụng không hết chức năng...
Ngoài công văn trên, năm 2014, Bộ GD-ĐT cũng có một loạt văn bản khác nhằm chấn chỉnh, hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng yêu cầu của đề án ngoại ngữ quốc gia, không lợi dụng đề án để đầu tư mua sắm thiết bị lãng phí. Trong giai đoạn mới, cần tập trung vốn cho việc bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo giáo viên, không mở rộng việc đầu tư trang thiết bị.
Hiện nay đề án ngoại ngữ quốc gia đang triển khai ở tất cả các địa phương, nhưng điều kiện dạy học mỗi nơi mỗi khác. Có nơi hiện nay vẫn sử dụng những con thú nhồi bông làm dụng cụ dạy học, nhưng có nơi có cassette, có nơi dùng đầu đĩa DVD hay các thiết bị khác hiện đại hơn.
Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị phải tùy theo điều kiện kinh tế, yêu cầu dạy học ở từng địa phương khác nhau. Với điều kiện khó khăn ở một số địa phương, không có nghĩa là đề án không thể triển khai. Bên cạnh đó, những nơi đầu tư rầm rộ, lãng phí thiết bị chưa chắc đã tổ chức dạy học ngoại ngữ hiệu quả.
Chúng tôi không bao giờ cho rằng phải có thiết bị hiện đại mới tổ chức dạy học ngoại ngữ được. Trong bối cảnh VN hiện nay, yếu tố đề án quan tâm trước nhất và quan tâm hơn là con người chứ chưa phải thiết bị.
VĨNH HÀ ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét