Sự thật "Đường
bay vàng": Cựu phi công viết tâm thư gửi Thủ tướng
Cập nhật lúc 09:00
(GDVN) - Trong bức thư dự định gửi đến Thủ tướng và Bộ
trưởng Bộ GTVT, ông Mai Trọng Tuấn - cựu phi công khẳng định ý tưởng dự án
"Đường bay vàng" là của mình.
Mới đây trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ
trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Mai Trọng Tuấn - cựu phi công cũng từng đề
xuất ý tưởng đường bay thẳng Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh và ngược lại, theo kinh
tuyến 106o Đông qua không phận Lào và Campuchia lên Cục Hàng
không năm 2009 đã hé lộ những thông tin ít người biết về nguồn gốc đường bay
này.
Dư luận biết đến dự án bay thẳng Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh
theo kinh tuyến 106o Đông qua sự kiện TS Trần Đình Bá thách
cược 5 triệu USD Cục Hàng không Việt Nam năm 2009. Đường bay này còn
được ví von “đường bay vàng” do khi đưa vào khai thác sẽ rút ngắn quãng đường
bay, tiết kiệm chi phí....
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục
Việt Nam chiều ngày 27/8, ông Mai Trọng Tuấn cho biết, từ cách đây hơn 30 năm
trước (09/1983) ông Tuấn đã viết cuốn dự án VUETA (viết tắt chữ đầu của: Việt
Nam Union Export Tourism Aviation). Trong cuốn dự án VUETA ông Mai Trọng Tuấn
có đề xuất đường bay thẳng Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh qua không phận Lào và
Campuchia.
Cuốn dự án VUETA trang 19, dòng cuối cùng, tiếp theo trang
20, dòng thứ 1 đến dòng thứ 5, có ghi rõ: “… Để thể hiện được mối quan
hệ đặc biệt giữa 3 nước, trên tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ và tôn
trọng chủ quyền của mỗi nước. Nên mở đường bay chung cho cả 3 nước, kéo thẳng
kinh tuyến 106o Đông, từ Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh, rút ngắn
được quãng đường bay 110 km”.
Khẳng định mình là tác giả ý tưởng đường bay thẳng, ông
Tuấn còn có ý định nếu đường bay được khai thác “có thể coi đây là đường Hàng
không mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Đông
Dương”.
Sau khi in thành các cuốn sách khác nhau, ông Tuấn cho
biết mình đã gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, chủ tịch 2
thành phố (Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh), cùng các nhà khoa học, trí thức và nhận
được nhiều thư trả lời hoan nghênh và góp ý.
“Đến năm 2009, nội dung của dự án VUETA đã được thực hiện
gần hết. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy còn một nội dung quan trọng chưa thực hiện,
đó là đường bay thẳng Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh trong khi tần suất của đường bay
Hà Nội – TP. Hồ CHí Minh ngày càng tăng lên nhiều… tháng 04/2009, tôi quyết
định viết lại với nội dung đề xuất này cụ thể hơn, rõ ràng, phân tích, chứng
minh thêm một số luận cứ để bảo vệ, gửi lên Thủ tướng, nhằm tái đề xuất lại
đường bay này”, ông Tuấn kể.
Trong nội dung đề xuất gửi lại lên Thủ tướng, ông Tuấn gọi
đường bay thẳng Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh là xa lộ trên không, 3 nước cùng dùng
chung, cùng có lợi.
"Sau khi Thủ tướng nhận được tái đề xuất của tôi, Văn
phòng Chính phủ có công văn gửi Cục Hàng Không số 2241/VP-ĐTMT, tiếp theo
ngày 25/06/2009, Văn phòng chính phủ lại có công văn số 4920, truyền đạt chỉ đạo
của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu Cục Hàng không gặp, trao đổi trực tiếp
với tôi và báo cáo Thủ tướng chính phủ.
Dù trong cuộc gặp, cũng như trong văn bản báo cáo trình
Thủ tướng, Cục Hàng không đề ra một loạt lý do không thể thực hiện được nhưng
cũng phải thừa nhận: “Đường bay theo kinh tuyến 106o Đông, nối Hà Nội – TP.Hồ
Chí Minh, rút ngắn được 142 km so với đường bay hiện tại” (nguyên văn ở trang
2, dòng 12 tính từ dưới lên) công văn số 1588/CHK-QLHĐB, ngày 11/05/2009”,
ông Tuấn cho biết.
“Hai con số 110 km và 142 km là tương đối chính xác. Vì
khi viết dự án VUETA, đường bay Hà Nội xuất phát từ sân bay Gia Lâm, không
phải sân bay Nội Bài như hiện nay”, ông Tuấn nói.
Vấn đề tại sao một ý tưởng hay đúng đắn lại không được xem
xét thực hiện sớm, ông Tuấn cho rằng: “Trên đời nhiều việc đúng nhưng vì lòng
đố kị người ta không chấp nhận”.
Riêng với TS Nguyễn Đình Bá, ông Mai Công Tuấn cho rằng,
TS Nguyễn Đình Bá không phải là tác giả dự án. Nêu dẫn chứng cụ thể, ông Tuấn
cho rằng, không thể nói khi khai thác “đường bay vàng” giảm 26 phút bay như TS
Trần Đình Bá nói.
“Về thời gian bay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại máy
bay, tốc độ bay, độ cao bay, độ gió ngược… không thể nói chung chung là giảm
bao nhiêu thời gian bay, mà chỉ có thể giảm được đường bay”, ông Tuấn dẫn chứng.
“Tôi nói ra vấn đề không phải để tranh công, không phải để
lấy danh nhưng để dư luận có cái nhìn khách quan đúng hơn về dự án này",
ông Tuấn cho biết thêm.
Trong khi đó trao đổi với phóng viên, TS Trần Đình Bá cho
biết, trước đây ông Mai Trọng Tuấn từng tổ chức 2 lần hội thảo về dự án này
nhưng không thành công.
“Năm 2012 tôi làm “Dự án Hạch toán kinh doanh có lãi cho
ngành hàng không quốc gia Việt Nam theo phương pháp TS Trần Đình Bá”, dự án
này không liên quan đến dự án của ông Mai Trọng Tuấn vì trong dự án tôi đưa ra
phương pháp tính, công thức tính và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật,
trước cơ quan thẩm định khoa học”, TS Trần Đình Bá khẳng định.
(Theo Giáo dục VN) Minh Hồng
|
Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét