Ký ức về những lần
kiểm duyệt kịch Lưu Quang Vũ
Cập nhật lúc 15:00
Giá
trị phát hiện và phơi bày thực trạng xã hội trong kịch Lưu Quang Vũ đã khiến
các đạo diễn "trầy vi tróc vẩy" với những quy chụp nói xấu chế độ ở
cái thời "ai cũng có quyền kiểm duyệt".
NSND Phạm Thị Thành và NSƯT Hoàng Quân Tạo là hai đạo diễn
gắn bó với kịch Lưu Quang Vũ. Phạm Thị Thành từng dựng 24 vở của anh, còn
Hoàng Quân Tạo đã thắp đèn cho hàng chục sân khấu từ Bắc chí Nam với bộ ba Tôi
và Chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Quyền được hạnh phúc... 26 năm sau
khi Lưu Quang Vũ qua đời, bằng những cách lưu giữ khác nhau, ký ức của họ về
anh lại sống dậy.
Đạo diễn Phạm Thị Thành có một kho tư liệu nhỏ chứa ảnh,
ghi chép, tờ chương trình, tờ quảng cáo... về những vở kịch bà từng dựng với
Lưu Quang Vũ. Vừa chỉ tay vào một tấm ảnh trong cuốn album đã úa vàng, bà vừa
nói: "Vũ đây, cao to, lãng tử, chụp ảnh lúc nào cũng đứng sau hoặc hai
rìa mép. Anh ấy viết giỏi hơn nói; hay nép mình ở chỗ đông người nhưng lại
phơi bày đến tận cùng những khát khao của bản thân trên trang viết".
Khát khao đó, nữ đạo diễn lý giải, là nói lên sự thật, vạch ra những mặt trái
và đòi hỏi sự minh bạch trong cuộc sống đương thời. Đạo diễn Hoàng Quân Tạo
mô tả: "Vũ hiền, hay cười, ít nói, trẻ tuổi nhưng suy nghĩ rất già dặn,
rất nhiều trăn trở".
Sự già dặn, trăn trở ấy kết hợp với
chất văn học của kịch nói tạo nên tầm tư tưởng lớn cho những vở kịch của anh.
Ở những năm 1980, khi phần lớn tác giả chỉ quen viết một chiều, nhìn một
phía, phản ánh niềm tin tuyệt đối, thì các nhân vật của Lưu Quang Vũ luôn
nghi ngờ, luôn phản biện, thậm chí nói thẳng ra rằng: "Các đồng chí
không muốn hoặc không dám nhìn thẳng sự thật"; "Nguyên tắc sinh ra
là để phục vụ sự sống chứ không phải phục vụ những nguyên tắc" (Hoàng
Việt - Tôi và Chúng ta); "Vẫn biết bác là đầy tớ của nhân dân
nhưng đến được nhà các ông đầy tớ khó lắm" (Quých - Tôi và Chúng ta)...
Giới phê bình nhận định, kịch Lưu Quang Vũ đã phát hiện, vạch ra gần như mọi
sự bất ổn, xung đột của xã hội đương thời và dự báo, bảo vệ những mầm mống
của cái mới, cái tiến bộ.
Chính vì tiếng nói mạnh mẽ, đi trước
thời đại đó, mà để đến được với công chúng ở cái thời "ai cũng có quyền
kiểm duyệt", các đạo diễn, diễn viên đã phải trầy vi tróc vẩy. Đạo diễn
Hoàng Quân Tạo chia sẻ, bây giờ ngẫm lại, ông chỉ biết cười xòa nhưng những
ngày đó, mỗi lần dựng vở Lưu Quang Vũ là một lần ông phải trầy trật chỉnh lên
sửa xuống với bao nhiêu tầng kiểm duyệt. Ông kể, dựng Tôi và Chúng ta
- vở kịch về sự lạc hậu của cơ chế bao cấp, sự xung đột giữa cá nhân và tập
thể - ông phải qua ít nhất 12 lần duyệt. Đạo diễn ví dụ, chỉ với câu thoại
nhân vật Quých nói với Bộ trưởng: "Ở dưới các bác còn nhiều người lợi
dụng chức quyền làm khổ chúng tôi [...] mà các bác thì như giời ấy, giời ở
cao quá, không đến được", ông phải lên gặp cơ quan kiểm duyệt nhiều lần
chỉ để trả lời câu hỏi: "Tại sao anh lại để nhân vật nói như thế
này?".
Diễn viên Hoàng Cúc - người nổi tiếng
với vai Thanh trong vở này - kể lại: "Thoại của nhân vật bị sửa chỗ này
một chút, chỗ kia một chút. Diễn viên chúng tôi rất khốn khổ, vừa tập vừa lo,
vì chỉ cần một người quên thoại, vấp thoại là vở có khả năng đứt mạch".
Khi Tôi và Chúng ta được diễn cho các lãnh đạo Trung ương xem, đạo
diễn Hoàng Quân Tạo quả quyết: "Dám làm dám chịu, phải giữ lại bản gốc
của Lưu Quang Vũ". Trong khi diễn, ở cánh gà bên này, một vị lãnh đạo
phụ trách kiểm duyệt theo sát từng chuyển động của diễn viên; ở cánh gà bên
kia, Hoàng Quân Tạo như ngồi trên đống lửa. Kết thúc cảnh một, trong lúc giải
lao, ông hồi hộp xuống khán đài hỏi ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị - Tố Hữu
và Ủy viên Ban bí thư Trung ương Đảng - Hoàng Tùng. Tố Hữu nhận xét:
"Hay! Tuyệt vời", còn Hoàng Tùng nói: "Đúng, tôi tán thành ý
kiến của anh Lành". Nghe vậy, ông mới thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng không phải vở nào cũng may mắn
như vậy. Ông kể, có những vở đã được duyệt, phông đèn, ánh sáng đã xong xuôi,
vé cũng đã bán, đột nhiên, đạo diễn nhận được lệnh "ngừng diễn, thời
điểm này chưa thích hợp". Những trường hợp như vậy, theo ông Tạo, không
phải là hiếm.
Đạo diễn Phạm Thị Thành nhớ lại, bà gặp
khó khăn nhất với ba vở của Lưu Quang Vũ: Mùa hạ cuối cùng, Nếu anh không
đốt lửa và Người tốt nhà số 5. Với Mùa hạ cuối cùng -
vở kịch lấy đề tài trường lớp và những gian dối trong thi cử - bà và tác giả
kịch bị cho là "nói xấu 18 ban ngành". "Việc bóc trần tiêu cực
trong thi cử bị cho là bêu xấu ngành giáo dục; chuyện học trò chê phim Việt
Nam bị nghi là xỏ xiên ngành điện ảnh, rồi họ còn tìm ra những chi tiết liên
quan đến Hội phụ nữ, các cơ quan đoàn thể khác, nhiều đến mức tôi không nhớ
nổi", bà kể.
Còn với vở Nếu anh không đốt lửa phê
phán mạnh cơ chế quan liêu, bao cấp, "cặp bài trùng" Lưu Quang Vũ -
Phạm Thị Thành trải qua những giây phút nghẹt thở khi diễn cho Tổng bí thư
Nguyễn Văn Linh xem. Bà nhớ lại: "Chúng tôi vừa theo dõi vở diễn, vừa
phán đoán thái độ của ông. Lúc gần kết vở, một người trợ lý của ông đi đến chỗ
chúng tôi nhắn: Tổng bí thư yêu cầu tập hợp dàn diễn viên để tặng hoa, ông
rất hài lòng. Lúc đó chúng tôi như trút được gánh nặng".
Người tốt nhà số 5 cũng vấp phải
những chỉ trích mạnh mẽ sau khi công diễn với lý do "nói xấu chế
độ". "Họ nói, phản ánh như thế là bôi đen, có 5 hộ thì đến 4 nhà ích
kỷ, xấu xa; chỉ có duy nhất một người tốt. Nhưng rất may, ông Trần Độ, Trưởng
ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương lúc đó, rất ủng hộ chúng tôi. Vở kịch vì thế
được đưa đi tham dự Hội diễn sân khấu 1985 tại Vinh, Nghệ An và đoạt giải
Vàng", nữ đạo diễn kể.
Bất chấp cơ chế kiểm duyệt phức tạp,
kịch Lưu Quang Vũ đã góp phần đưa thập niên 1980 trở thành thời kỳ đỉnh cao
trong lịch sử sân khấu dân tộc. Diễn viên Hoàng Cúc cho biết, vở Tôi
và Chúng ta, đoàn kịch diễn ròng rã hàng tháng trời ở một điểm, mỗi ngày
ba suất mà suất nào cũng đông. "Còn Lưu Quang Vũ được chúng tôi gọi là
'Bà mẹ Âu Cơ' vì anh khả năng 'đẻ' phi thường. Đoàn nào cũng đặt hàng, thúc
giục và đòi kịch của anh".
Đạo diễn Phạm Thị Thành và Hoàng Quân
Tạo giải thích, sân khấu những năm 1980 phát triển hoàng kim bởi những tài
năng như Trần Quán Anh, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ... một mặt bị thúc bách bởi
những yêu cầu của thực tiễn về việc cất lên tiếng nói phản biện. Mặt khác,
bên cạnh cơ chế kiểm duyệt khắt khe, họ cũng được tạo "cú hích" bởi
chính sách mở cửa, "cởi trói" cho văn nghệ sĩ giữa những năm 1980.
Tháng 10/1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có cuộc gặp gỡ với đông đảo văn
nghệ sĩ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Trong sự kiện này, Lưu Quang
Vũ đã chia sẻ mong muốn phá bỏ "bao cấp về tư tưởng", phá bỏ
"tình trạng một người suy nghĩ cho mọi người", để tôn trọng sự sáng
tạo trong văn hóa, nghệ thuật.
Ngay cả khát vọng đó, theo ông Hoàng
Quân Tạo, đến nay vẫn còn giá trị. Ông kể: "Tôi và Vũ từng rất nản, rất
trăn trở nhưng chưa từng trách giận những người kiểm duyệt. Bởi đơn giản, họ
chỉ làm công việc của mình. Nhưng tôi mong kiểm duyệt không chỉ là chăm chắm
soi những chi tiết gây suy diễn mà còn phải phát hiện, nâng đỡ cái hay, cái
tốt, những yếu tố tích cực để khuyến khích sáng tạo".
Ngày 29/8/1988, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh
và con trai họ - cháu Lưu Quỳnh Thơ - ra đi trong một tai nạn giao thông. Đó là
tổn thất to lớn cho nền văn học nghệ thuật Việt
(Theo
VnExpress) Hà Linh
|
Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét