Tiến sĩ lái gỗ và
trò chơi “đánh trận giả”
Cập nhật lúc 08:37
Khi quá lệ thuộc vào bằng cấp để tuyển
dụng, kiểm định, đánh giá, sắp xếp nhân lực thì kết quả đương nhiên sẽ chỉ là
những cuộc so găng của chính những cái bằng mà thôi.
Bằng giả…
Bằng giả không phải là một câu chuyện mới, nhưng việc
thường xuyên phát hiện bằng giả trong thời gian gần đây, thậm chí của những
lãnh đạo ngành, địa phương, hoặc những học vị cao như thạc sĩ, tiến sĩ, vẫn
làm dậy sóng công luận.
Bằng giả thường có hai loại. Một là bằng giả hoàn toàn, là
tấm bằng được mua trọn gói như mớ rau con cá ngoài chợ, nhà cung cấp có thể
khuyến mại thêm nhiều bản công chứng (thật) để qua mắt đơn vị tuyển dụng. Hai
là bằng thật kiến thức giả khác hơn là có học, có thi, không phải mua trọn
gói mà là chạy điểm, mua điểm, học thuê, học hộ từng phần…
Và nếu những vụ việc như một Trung tâm giáo dục thường
xuyên thu phí chống trượt lên đến hàng tỷ đồng hay thông tin một người buôn
gỗ nhờ “giúp đỡ” lấy bằng tiến sĩ y khoa với giá 200 triệu đồng không bị
phanh phui, thì xã hội có lẽ cũng lại sẽ tiếp nhận chừng ấy bằng giả “ra lò”.
Một nghịch lý là vừa qua Bộ LĐ-TB- XH vừa công bố hơn
72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, trong khi đó bằng giả khi bị phát hiện
thường được dùng như một bàn đạp để thăng quan tiến chức, trèo cao, tiến sâu.
Với nhiều doanh nghiệp, đôi khi chỉ cần một CV hoặc một
thư giới thiệu là mức độ tin tưởng về trình độ, bằng cấp đã có giá trị hơn
rất nhiều so với một tấm bằng. Nhưng tại nhiều “cửa ải” cơ quan nhà nước, tấm
bằng mới là “đầu câu chuyện”. Thậm chí, trong một thời gian dài, sưu tầm bằng
cấp đã trở thành một trào lưu, một cuộc chạy đua maraton.
Không thể phủ nhận bằng cấp vẫn là một thứ trang sức lấp
lánh khó cưỡng, đẹp như hoa hậu vẫn phải nói dối về bằng cấp, giàu có và
thành đạt như đại sứ ngành nọ vẫn khai man về bằng cấp hay làm đến thứ trưởng
vẫn mạo nhận về bằng cấp…
Nhưng khi quá lệ thuộc vào bằng cấp để tuyển dụng, kiểm
định, đánh giá, sắp xếp nhân lực thì kết quả đương nhiên sẽ chỉ là những cuộc
so găng của chính những cái bằng mà thôi.
... Và xử lý “đánh trận giả”
Hàng loạt vụ việc bị phát hiện sử dụng bằng giả để vào nhà
nước, để thăng quan tiến chức, nhưng cách thức xử lý lại rất đáng thất vọng.
Một chủ tịch kiêm bí thư huyện ủy bị điều chuyển làm công
việc khác, một phó chánh án ở miền Tây vẫn tại vị cho đến khi nghỉ hưu, một
thứ trưởng vẫn đương nhiệm cho đến hết nhiệm kỳ… Năm 2011, tỉnh nọ phát hiện
284 cán bộ sử dụng bằng giả, tất cả đều thừa nhận mua bằng. Nhưng chỉ hơn 100
viên chức của ngành giáo dục bị thuyên chuyển hoặc thôi việc, còn lại vẫn
tiếp tục công tác như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Những tiền lệ xấu này đã góp phần dung túng cho nạn bằng
giả tiếp tục hoàng hành, bởi nếu có phát hiện thì cũng chỉ bị “đánh trận
giả”, thậm chí “không đánh” mà thôi.
Cung cầu là quy luật tất yếu của thị trường, có cầu ắt có
cung và ngược lại. Nhưng dường như khi sự việc bị bại lộ, chỉ mới phần cung,
tức là bên làm bằng giả, bị xử lý quyết liệt, còn phần cầu, tức là bên sử
dụng bằng giả, lại đang được nương nhẹ. Trong khi đó, điều 267 Bộ luật hình
sự quy định rất rõ ràng: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ
khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa
dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì…”. Điều này thể hiện sự bất bình
đẳng, có dấu hiện bao che trong cách thức giải quyết cùng một vấn đề.
Những người làm bằng giả có thể là người không có gì để
mất, nhưng những người sử dụng bằng giả chắc chắn là người có nhiều thứ để
mất. Cần nghiêm khắc cho họ thấy rằng, đây là một việc làm vi phạm pháp luật,
khi bị phát hiện có thể ngồi tù chứ không chỉ đơn thuần là “được ăn cả ngã về
không” hay “hạ cánh an toàn” như tâm lý hiện tại.
Với nhiều người, tấm bằng là văn bản ghi nhận trí tuệ và
tâm huyết, có thể phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Còn với một số
người, trong “nháy mắt” đã có ngay tấm bằng, và từ đó “ngồi tót sỗ sàng”
(Kiều - Nguyễn Du) vào những vị trí mà nhiều người phải phấn đấu cả đời bằng
năng lực cũng chưa chắc đạt được.
Đây là câu chuyện khổ lắm biết rồi nói mãi, nhưng mỗi lần
bị phanh phui, vẫn chạm vào sự bức xúc, nỗi đau đớn, đặc biệt của những người
được đào tạo bài bản, có năng lực và mong muốn cống hiến, nhưng luôn gặp phải
rào cản của những quy định thành văn cũng như bất thành văn về tuyển dụng và
bổ nhiệm.
Chỉ có thể là một sân chơi không công bằng, bằng giả mới
“có cửa” để trèo cao, tiến sâu hơn những giá trị đích thực khác.
(Theo TuanVietNamnet)
Nga Lê
|
Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét