Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

“Đường bay vàng” Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh: Tiết kiệm 300 triệu USD mỗi năm

Cập nhật lúc 08:05                 


“Đường bay vàng” dự kiến và đường bay hiện tại mô phỏng. Đồ họa: Hải Nguyễn

“Đường bay vàng” Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh là vấn đề gây tranh cãi đã lâu với nhiều luồng ý kiến. Bay thẳng, mỗi chuyến bay tiết kiệm được 28 phút, nhưng “28 phút ấy” mang lại hiệu quả lớn cho ngành hàng không Việt nam. Tổng cộng những khoản chi phí phát sinh thêm cho đường “bay vòng” lên tới khoảng 300 triệu USD mỗi năm. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi, trong khi đường bay nội địa của các hãng hàng không lại thua lỗ nặng nề.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng việc cụ thể
Bộ GTVT đã có sự chuẩn bị về việc thiết lập “đường bay vàng” này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Đã có nhiều tranh cãi về “đường bay vàng” và chắc chắn sẽ còn ý kiến khác nhau. Điều này cũng rất có lợi, bởi vì phản biện sẽ giúp cho nhà quản lý thấy rõ hơn nhiều mặt để đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp. Bộ GTVT đã tiếp thu nhiều ý kiến, làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu để có sự thống nhất trong việc mở đường bay đi qua Campuchia. 
Mở đường bay là vì lợi ích kinh tế nhưng phải gắn liền với đảm bảo an ninh quốc phòng. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy, nếu thực hiện “đường bay vàng”, thì sẽ đạt được mục đích kinh tế cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng. Tôi đã giao cho Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Cục Hàng không nước bạn để triển khai cụ thể. Trong tuần này, Bộ GTVT sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Theo quan điểm cá nhân, Bộ trưởng có lạc quan về “đường bay vàng" này?
- Đối với việc triển khai thực hiện “đường bay vàng”, điều quan trọng là cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng về việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Nếu như mở đường bay này thành công thì các hãng hàng không có lợi. Đường bay ngắn hơn, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, vòng quay máy bay ngắn hơn, khai thác chuyến bay được nhiều hơn.
Doanh nghiệp lợi thì giá vé rẻ hơn, hành khách cũng được lợi. Thời gian bay ít hơn người dân cũng được lợi. Vậy thì, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả chính là những việc làm như vậy, nếu chỉ nói mà không bắt tay vào làm những việc cụ thể thì không có ý nghĩa.
Nếu mọi thủ tục thuận lợi thì khi nào “đường bay vàng” đi vào hoạt động thưa Bộ trưởng?
- Quyết định về việc này là của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng theo tôi, nếu xúc tiến nhanh thì có thể bắt đầu từ cuối năm nay hoặc đầu năm 2015.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Tiến sĩ GTVT Trần Đình Bá: "Đường bay thẳng sẽ là đường bay vàng cho các DN hàng không" 
Là người đã từng tranh luận gay gắt với các cơ quan quản lý của ngành GTVT và đưa lên diễn đàn thông tin rất nhiều ý kiến tranh luận về hiệu quả “đường bay vàng” nối thẳng sân bay Nội Bài – Tân Sơn Nhất, qua không phận Lào và Campuchia từ nhiều năm qua, tiến sĩ Trần Đình Bá đã rất vui mừng trước thông tin Việt Nam và Campuchia đạt được thỏa thuận ban đầu về thiết lập đường bay thẳng Hà Nội – TPHCM qua không phận Campuchia. Nói về hiệu quả của việc bay thẳng, tiến sĩ Trần Đình Bá cho biết: 
- So với “đường bay vàng”, đường bay hiện tại mà các hãng hàng không vẫn đang bay từ Nội Bài vào Tân Sơn Nhất và ngược lại sẽ giảm được hơn 28 phút mỗi chuyến bay. Như vậy, với đường bay hiện tại có tần suất cả trăm chuyến bay mỗi ngày, với bình quân mỗi chuyến giảm được trên 28 phút bay thì hiệu quả mang lại cho các hãng hàng không của Việt Nam là rất lớn. 
Với đường bay hiện tại, mỗi chuyến bay bị lãng phí thêm hơn 28 phút so với “đường bay vàng”, con số lãng phí hằng năm tính được sẽ là trên 25.000 giờ bay, gần bằng với tuổi thọ sử dụng của một chiếc máy bay Airbus A330 với thời giá hiện nay là 175 triệu USD - có nghĩa rằng, đường bay cũ mỗi năm đã khấu hao gần hết một chiếc máy bay Airbus A330. Kèm theo thời gian bay kéo dài đó, các chuyến bay đã phải tiêu tốn hết hơn 60.000 tấn nhiên liệu.


Tiến sĩ Trần Đình Bá giới thiệu về những lợi thế của "đường bay vàng" so với đường bay hiện tại. Ảnh: Công Thắng
Các hãng hàng không phải trả tiền lương 25.000 giờ bay cho phi công ngoại, chi phí cho phi công, tiếp viên, nhân viên bay... tổng cộng những khoản chi phí này lên tới khoảng 300 triệu USD mỗi năm. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi, trong khi đường bay nội địa của các hãng hàng không lại thua lỗ nặng nề là vậy. 
Nếu chưa thực hiện được đường bay thẳng, hàng triệu hành khách còn phải chậm mất hơn 28 phút mỗi người đi trên các hãng hàng không, dẫn đến lãng phí hàng chục triệu giờ có ích làm ra tiền của cho xã hội. Đây là một thiệt hại xã hội không hề nhỏ, nếu không khẩn trương để đưa được “đường bay vàng” cho các hãng hàng không hoạt động. 
Công Thắng ghi
(Theo Lao động) Lê Chân Nhân

Có lẽ lợi ích của đường bay vàng này nhiều người từng phản đối cũng thừa biết là nó sẽ mang lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng khiến ngành hàng không phải chi một khoản tiền đầu tư ban đầu. Với các doanh nghiệp, họ luôn quan tâm lợi nhuận thu về hàng năm “tiền tươi thóc thật” hơn là chi phí cho một việc mà có lẽ nhiệm kỳ sau mới hưởng thành quả. Cũng với tư duy “ăn sẵn”, “lợi nhà cao hơn ích nước” ấy mà ngành đường sắt cứ mải miết “đào bới” lợi nhuận trên những đường ray cũ nát, đưa ngành đường sắt VN “tụt hậu ngày càng xa” so với thế giới. Nếu không có những đột phá thì cả 2 ngành này của giao thông nước ta sẽ không ngóc lên được!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét