Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Phi vụ ma mãnh 870 triệu USD của METRO: Cơ quan quản lý phải vào cuộc

Thương vụ trở thành món hời khổng lồ cho tập đoàn mẹ nhưng kể từ khi có mặt cho đến khi tuyên bố rời khỏi VN, METRO chưa đóng một đồng thuế nào.
 Bán ưu đãi?

Là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), METRO vào VN được nhận rất nhiều ưu đãi về thuế, giá thuê đất, mặt bằng tốt để xây dựng siêu thị. Đối với thuế, công ty này được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 50% trong 2 năm kể từ khi có lãi. Tất cả 19 siêu thị METRO trong cả nước đều tọa lạc ở vị trí đẹp.
Không ít các ưu đãi METRO được hưởng là vì kinh doanh bán sỉ chứ không phải bán lẻ nhưng từ nhiều năm qua, METRO luôn bị tố cáo là lách luật để bán lẻ. Cụ thể, gian hàng bán lẻ các loại gạo, ngũ cốc xuất hiện tại tất cả các siêu thị METRO, bày bán với đơn vị nhỏ nhất. Việc cấp phát thẻ hội viên được tiến hành ồ ạt, cạnh tranh trực tiếp với những nhà bán lẻ trong nước khác. Tuy nhiên, tất cả những dấu hiệu sai phạm đó không được xử lý nên METRO ngày càng lấn tới.
 
Cơ quan quản lý VN phải vào cuộc để biết tại sao METRO lỗ mà vẫn bán được giá cao - Ảnh: D.Đ.Minh
Đặc biệt, suốt 12 năm kinh doanh ở VN, METRO chỉ báo lãi duy nhất 1 lần dù đã mở tới 19 siêu thị trải dài trên cả nước. Từ tổng vốn đầu tư ban đầu 78 triệu USD, sau 12 năm, METRO đột ngột bán công ty cho doanh nghiệp Thái Lan với giá 870 triệu USD. Số lợi nhuận khổng lồ này chẳng bao lâu nữa sẽ được tập đoàn mẹ ở Đức thu về trong khi VN không thu được thuế thu nhập trong hoạt động kinh doanh cũng như sẽ rất khó thu được thuế chuyển nhượng...
Giám đốc một siêu thị tại TP.HCM cho rằng việc METRO được bán với giá cao có thể đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có thể bao gồm những cam kết hỗ trợ kèm theo như mọi ưu đãi từ phía VN...
“Khi đầu tư vào các siêu thị, dù theo nguyên tắc lấy ngắn nuôi dài, lấy cái đã có lời nuôi cái mới đang bị lỗ nhưng cũng không doanh nghiệp nào chấp nhận phương án lỗ kéo dài quá 5 năm. Tôi nghĩ rằng 5 năm cũng là thời gian cần thiết và đủ cho một khoản đầu tư vào nhiều ngành nghề khác. Nếu không đạt được mục tiêu và sinh lời trong thời gian đó thì dự án đã thất bại”, vị giám đốc này phân tích.
Đề cập đến vụ METRO lỗ nhưng bán được giá cao, TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia của LHQ, cho rằng: Giá trị của METRO nằm ở những mặt bằng mà VN cho phép họ sử dụng. Bình thường nếu một công ty kinh doanh không có lãi thì giá là 0 đồng. Do đó việc trả giá cao hơn 0 đồng vì người mua biết chắc sẽ được sử dụng những vị trí mặt bằng đẹp của METRO. 
Kinh doanh lỗ, bán tỉ đô
Tổng cộng mức lỗ lũy kế đến năm 2012 của công ty này lên đến 598 tỉ đồng với giải thích thua lỗ kéo dài vì phải tập trung mở rộng đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nghi án chuyển giá của METRO đã được nói đến nhiều lần và trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, cơ quan thuế đã điều tra tới đâu và kết luận như thế nào thì đến nay mọi người cũng chưa biết.
“Có thể METRO giải thích rằng sau 12 năm ở VN họ không có lãi vì bao nhiêu tiền kiếm được để đầu tư cho mở rộng kinh doanh. Nhưng ngay cả cách họ xây dựng hàng loạt siêu thị quá dễ dãi cũng là một vấn đề đáng bàn. Theo cam kết WTO của VN, chúng ta mở cửa cho các trung tâm mua sắm nhưng vẫn bảo lưu là sau cái đầu tiên, nhà đầu tư muốn mở cái tiếp theo thì phải được chính phủ xem xét dựa vào nhu cầu thực tế. Việc để cho METRO tung hoành ở VN là kết quả của một quá trình thiếu sự phối hợp của các cơ quan chức năng, như Bộ KH-ĐT không giám sát chặt chẽ, Bộ Tài chính thả lỏng quản lý...”, bà Lan phát biểu.
Bà Lan nhấn mạnh: METRO bán với giá cao nhưng họ có một quá trình không nộp thuế cho VN, vậy họ có quyền bán công ty của mình một cách đơn giản như thế rồi ra đi mà cơ quan quản lý thuế VN không có quyền gì sao? Vụ chuyển nhượng METRO cho doanh nghiệp Thái Lan đem tới cho các chuyên gia nhiều nỗi lo, trong đó có việc vào năm 2015 cộng đồng chung ASEAN được thành lập và Thái Lan sẽ rộng cửa đưa hàng vào VN qua hệ thống phân phối, thị phần mà METRO bán lại.

Theo TS Vũ Quang Việt: “Hiện nay, các nước đều không có hiệp ước mua bán hay đầu tư trực tiếp nên chính phủ đều có quyền can thiệp. WTO chỉ liên quan đến buôn bán hàng hóa và một số dịch vụ nhất định. VN hoàn toàn có quyền cấm một nước nào đó đầu tư, hoặc đầu tư vào một ngành nào đó. Nhiều người cho đến nay không hiểu điều này. Thường khi bán công ty, cơ quan nhà nước, đặc biệt là thuế, và cơ quan liên quan khác phải xem xét, và có thể yêu cầu hai bên (bên mua và bên bán) nộp đánh giá, nhất là bản cáo cáo tài chính, để biết tại sao lỗ mà họ vẫn mua lại giá cao như thế.
Hàng loạt đại gia dính nghi án chuyển giá né thuế

Ngoài METRO còn hàng loạt các tên tuổi lớn như Coca Cola, Pepsi, Nestlé, Nike đang trong nghi án chuyển giá trốn thuế tại VN. Điểm chung của các DN này là đầu tư lâu dài nhưng báo lỗ triền miên. Mặc dù than lỗ nhưng họ vẫn mở rộng đầu tư liên tục.
Chẳng hạn tính đến hết tháng 9.2011, Coca Cola đã lỗ lũy kế 3.768 tỉ đồng và bị “âm” vốn chủ sở hữu đến hơn 800 tỉ đồng. Nhưng đến nay, Coca Cola đã có khoảng 13 dây chuyền sản xuất trên toàn quốc và đang trong kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư với số tiền công bố rót thêm 300 triệu USD trong giai đoạn 2013 - 2015.
Tương tự Pepsico cũng thua lỗ kéo dài từ năm 1991 và lũy kế đến hết năm 2010 lên đến hơn 1.200 tỉ đồng. Hay Nestlé báo lỗ hơn 30,8 triệu USD sau 18 năm hoạt động tại VN. Dù vậy Nestlé vẫn không ngừng đổ thêm tiền vào thị trường VN để xây thêm nhà máy mới, nâng tổng vốn đầu tư lên tới 466 triệu USD...
(Theo Thanh niên)
Câu chuyện doanh nghiệp nước ngoài cứ chuyển giá, trốn thuế dài dài phản ánh một thực tế là cơ quan chức năng của ta quá… ngu, nếu không phải vậy thì là họ cố tình… ngu!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét